Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lào Cai: Nông dân Bảo Thắng yên tâm với đầu ra của cây chè
16 | 10 | 2007
Sau cơn "bão chè vàng" tháng 5 và 6 tàn phá vùng chè nguyên liệu Lào Cai, vùng chè Bảo Thắng rộng trên 1.500 ha (lớn nhất tỉnh) đã phục hồi nhanh chóng nhờ phương pháp tuyên truyền và cơ chế khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Nhà nước đối với nông dân.
Từ tháng 7 trở lại đây, sản phẩm chè, nhất là loại chè Shan chất lượng cao của Bảo Thắng thu hái đến đâu, được Nông trường chè Phong Hải thu mua hết đến đó với giá bình quân từ 3.000 đồng/kg chè búp tươi trở lên đã tạo cho nông dân khí thế hào hứng và tích cực mở rộng, kết hợp với thâm canh chăm sóc cây chè.

Huyện Bảo Thắng xác định xây dựng vùng chè nguyên liệu chất lượng cao, coi cây chè là loại cây công nghiệp chủ lực đem lại nguồn thu nhập lâu dài và ổn định xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Với chủ trương này, ngay từ đầu huyện đã ráo riết chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân trồng chè, khuyến khích hộ trồng chè bằng các chính sách vay ưu đãi phân bón, thuốc trừ sâu, tạo điều kiện mở đường và lập các trạm thu mua đến tận chân đồi chè, thực hiện cơ chế mua và thanh toán nhanh dứt điểm đối với nông dân nên tạo được tâm lý phấn khởi cho người trồng chè.

Thấy trồng chè chỉ đầu tư một lần mà có thu hoạch lâu dài, nhất là triển vọng đầu ra ổn định, được giá, đặc biệt là trồng chè giống mới chất lượng cao và chăm sóc theo khoa học thì năng suất có thể gấp nhiều lần trồng các cây khác trên cùng đơn vị diện tích đã kích thích nhiều hộ dân mạnh dạn tham gia vào dự án phát triển vùng chè nguyên liệu chất lượng cao của huyện. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Hải II, xã Phú Nhuận là một ví dụ. Năm 2003, chị Lan nhận trồng 2 ha chè chất lượng cao. Vụ chè năm nay giá thu mua chè lên cao, nương chè mới tròn 4 năm tuổi của chị được trồng, đốn tỉa và chăm sóc đúng kỹ thuật cứ đều đặn cho thu hoạch 10 ngày một lứa, năng suất bình quân ước đạt 6 đến 7 tấn chè tươi mỗi ha với giá bán bán bình quân 3.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi năm chị thu từ 18 đến 20 triệu đồng.

Có lợi nhuận, các hộ đã dồn hết công sức và vốn vào trồng và chăm sóc chè, nhờ đó chất lượng và năng suất chè càng tăng lên rõ rệt. Nếu như hết năm 2005, toàn huyện Bảo Thắng chỉ có trên 1.300 ha chè, sản lượng chè tươi cả năm mới chỉ khoảng 2.500 tấn thì đến nay diện tích đã tăng 1.500 ha, sản lượng cũng tăng lên gấp đôi với con số ước khoảng 4.500 tấn nhờ năng suất chè giống mới và kỹ thuật chăm bón, hái tỉa. Với đà tăng trưởng này, theo ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc nông trường chè Phong Hải, Trưởng ban quản lý dự án chè Bảo Thắng thì mục tiêu nâng sản lượng chè lên từ 8.000 đến 10.000 tấn vào năm 2008 là điều hoàn toàn có thể.

Cùng với thành công trong việc nâng cao năng suất, chất lượng đồi chè, việc triển khai kế hoạch trồng mới mở rộng vùng nguyên liệu chè của địa phương cũng được các hộ nhân dân tham gia rất sôi nổi. Năm nay huyện Bảo Thắng tập trung trồng mới trên 160 ha chè tại xã Phú Nhuận, một xã có thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển cây chè Shan chất lượng cao. Hơn 30 hộ dân tham gia dự án trồng chè của địa phương đã cơ bản thực hiện xong khâu làm đất và đang tích cực hoàn thành toàn bộ diện tích trong tháng 10 này.

Dự báo hết năm 2008, Bảo Thắng sẽ kết thúc dự án 1.700 ha chè nguyên liệu chất lượng cao, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện (2006 - đến 2010) đề ra. Ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Nông trường chè Phong Hải, Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng vùng chè nguyên liệu Bảo Thắng khẳng định: Mục tiêu của Bảo Thắng là trong năm 2010 sẽ nâng năng suất bình quân lên từ 15 đến 16 tấn chè búp tươi/ha, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, cao gấp 3 lần doanh thu năm nay và trở thành địa phương có vùng nguyên liệu chè chất lượng cao lớn nhất tỉnh, xây dựng thương hiệu chè Bảo Thắng trở thành một sản phẩm có uy tín nhất trong ngành chè Việt Nam./.



Nguồn: khuyennongvn
Báo cáo phân tích thị trường