Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản phẩm chè Lào Cai - lộ trình vươn ra "biển lớn"
01 | 04 | 2008
Tâm sự về mong ước đưa sản phẩm chè Lào Cai vươn ra “biển lớn“, anh Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Nông trường chè Phong Hải huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết: “Những doanh nghiệp ở thành phố lớn hay các tỉnh đồng bằng thì chuyện xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài không có gì là lạ. Lào Cai cách thủ đô trên 300 cây số, lại là tỉnh miền núi, quẩn quanh với vườn đồi, nay được cấp chứng chỉ ISO, lại có sản phẩm xuất khẩu trực tiếp ra thị trường khu vực và thế giới thì thực sự là điều vượt trên mơ ước".
Lào Cai hiện có gần 4.000 ha chè trồng tập trung tại các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Trong đó địa phương có diện tích chè lớn nhất là huyện Bảo Thắng 1.700 ha, đứng thứ hai là Mường Khương với diện tích gần 1.000 ha.

Ngoài Nhà máy chè công nghệ cao Linh Dương đang từng bước phát triển ổn định vùng nguyên liệu, hoàn thiện dây chuyền sản xuất ra thì hai Nông trường chè Phong Hải (huyện Bảo Thắng) và Thanh Bình (huyện Mường Khương) đã khẳng định được vị trí của mình trên thương trường khép kín từ công nghệ sản xuất đến chế biến đạt tiêu chuẩn ISO có khách hàng từ trong nước đến Đông Âu.

Trải qua nhiều bước thăng trầm trước những năm 90 với khách hàng truyền thống các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô lúc bấy giờ, đầu những năm 2000, thị trường chè xuất khẩu của Lào Cai ổn định có các hợp đồng ngoại thương lớn với các nước vùng Nam và Tây Nam Á. Trước năm 2000, Nông trường chủ yếu trồng giống chè San bằng hạt, vừa thấp về năng suất, chất lượng cũng không cao.

Từ năm 2000 đến nay, 100% diện tích chè trồng mới đặc sản như Kim Tuyền, Ô Long rất được khách hàng ưa chuộng. Ngay từ rất sớm, các nông trường và xí nghiệp chế biến lớn đã có bước đổi mới giao, bán, khoán lại diện tích chè cho công nhân và người dân trong vùng dự án, tạo sự tự chủ trong sản xuất cho họ. Nông trường chỉ thực hiện vai trò đầu mối bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, cho bà con vay vốn (không lãi) đầu tư. Từ những đơn vị cồng kềnh với hàng ngàn cán bộ, công nhân thì nay con số đó được rút gọn tới mức tối thiểu, chỉ còn lại cán bộ kỹ thuật, quản lý hoạt động gọn nhẹ và hiệu quả.

Về vùng nguyên liệu, không những tăng về diện tích mà các nông trường đều đã áp dụng công nghệ kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn ISO, không lạm dụng các hóa chất phun tưới và bón lót, hình thức thu hái cũng nâng cao, không chỉ đúng kỹ thuật, thời điểm mà còn đảm bảo sự sơ chế, bảo quản tốt trước khi giao sản phẩm cho nhà máy. Người dân được nông trường cho vay bón phân không tính lãi với số lượng theo khả năng thu hoạch, 1 tấn chè búp tươi sẽ được vay 1 tạ phân bón.

Việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con thực hiện sản xuất theo đúng quy trình chè xuất khẩu được giao cho phòng kĩ thuật của nông trường. Hơn chục kỹ sư của nông trường được giao khóan từng địa bàn và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm ở khu vực đó. Để đảm bảo thương hiệu với bạn hàng, nông trường không chọn cách lấy nguồn hàng từ nơi khác mà đã có những biện pháp tăng năng suất, mở rộng diện tích chè kinh doanh. Nhờ chương trình mở rộng cây chè của tỉnh mà hiện phạm vi thu mua của nông trường đã mở rộng ra 15 xã, thị trấn của huyện Bảo Thắng, 5 xã ở Thanh Bình (Mường Khương) với tổng diện tích chè kinh doanh trên 2.000 ha, cho sản lượng 8.000 tấn chè búp tươi tương đương 16.000 tấn chè búp khô.

Năm 2004, Nông trường chè Phong Hải lần đầu tiên xuất khẩu trực tiếp sang Pa - kit - xtan 1 con - tai - nơ chè với khối lượng 8 tấn chè búp khô. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Nông trường xuất bình quân 8 con - tai - nơ. Năm 2007, 2008 sản lượng của nông trường đạt bình quân 1.200 tấn, trong đó có 80% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Nhưng yếu tố mang tính quyết định ở đây là chất lượng mặt hàng. Không thể dùng lao động thủ công như trước đây trong việc lọc cẫng và chè bồm mà phải có máy móc thay thế. Ban lãnh đạo đơn vị đã cử công nhân đi học tập các nhà máy lớn khắp Bắc - Trung - Nam, cuối cùng đã mua sắm và trang bị 3 máy sản xuất với giá 18 triệu đồng/máy. Bài toán cơ giới hóa đã được giải đáp, mỗi tháng ba máy này có năng lực sản xuất 3 công-ten-nơ hàng. Chi phí chế biến giảm còn 120 đồng/kg chè búp khô, trước đây thuê người làm chủ công là 500 đồng/kg.

Giám đốc Vũ Quốc Thanh cho biết: ISO như "tấm vé" để doanh nghiệp được phép "mang chuông đi đấm xứ người". Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, chỉ vài năm nữa thôi, doanh nghiệp nào không có "tấm vé vào cửa" đó thì không xuất khẩu hàng sang các nước trong thành viên WTO được. Để có được chứng chỉ quan trọng này, Nông trường đã phải mất hàng trăm triệu đồng chi phí cho các chuyên gia trong và ngoài nước đến đơn vị giảng dạy cho cán bộ, công nhân kiến thức về ISO. Tiếp đó là việc đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, thiết bị với số vốn lên đến cả chục tỷ đồng. Quy trình sản xuất của đơn vị, kể cả từ phía người dân có hợp đồng bán hàng cho đơn vị cũng đã có sự thay đổi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cho phép.

Nông trường Thanh Bình (Mường Khương) cũng vậy, 2 năm trở lại đây mỗi năm cũng đã sản xuất được 102 tấn chè búp khô, xuất khẩu được 5 contenơ sang thị trường Trung Đông, doanh thu gần 2 tỷ đồng. Để có thêm khách hàng và thị trường ổn định, các xí nghiệp sản xuất chế biến chè đã tăng cường nhiều biện pháp, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Nông trường cho biết thêm: “Việc chúng tôi quan tâm đầu tiên là chất lượng hàng hóa. Việc này phải được chuẩn bị một cách chu đáo và bài bản từ khâu chăm sóc thu mua nguyên liệu đến khâu tổ chức sản xuất chế biến, vệ sinh công xưởng, bảo quản đóng gói mặt hàng, xúc tiến thương mại... Khi đã chọn được đối tác tốt thì về phía chúng ta phải làm tốt các khoản cam kết trong hợp đồng tạo uy tín lâu dài với khách hàng".

Đây cũng là quan điểm chung mà các xí nghiệp, nông trường chè trên địa bàn Lào Cai đã xác định trong quá trình phát triển vươn ra thị trường "biển lớn" trong nước và thế giới.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường