Đến xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, một trong những vùng trọng điểm chè của tỉnh Lào Cai sau hơn hai tháng xảy ra "cơn bão chè vàng", chúng tôi lại được tận mắt thấy những đồi chè xanh mơn mởn, bao la chạy tít tắp đến tận chân trời, không còn những luống chè trơ trụi chỉ toàn cành như trước đó. Đã qua rồi những ngày tưởng chừng như "tận thế" của những đồi chè nơi đây.Cách đây không lâu (từ tháng 4 đến tháng 6/2007), trên địa bàn tỉnh Lào Cai, một lượng chè búp tươi lên tới hàng ngàn tấn bị các tư thương thu gom "bán chui" qua biên giới, đặt các cơ sở chế biến chè trong tỉnh trước tình trạng phải "đóng cửa" do thiếu nguyên liệu gay gắt. Đặc biệt, việc tận thu chè bừa bãi, không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã đưa các đồi chè lâm vào tình trạng suy kiệt, nguy cơ mất mùa lâu dài. Và, Bản Phiệt không phải là ngoại lệ: hơn một nửa diện tích của 80 ha chè kinh doanh của xã cũng gần như trơ trụi.
Trước tình cảnh ấy, các cấp lãnh đạo từ huyện đến xã đã phối hợp với Nông trường chè Phong Hải lập đội công tác "vào cuộc" quyết tâm khắc phục sự "khủng hoảng" chè. Việc đầu tiên, tổ công tác triển khai nắm lại tình hình, thống kê số hộ sở hữu máy sao chè loại nhỏ, đối tượng có nhiều khả năng làm đầu mối thu mua chè bán cho tư thương; vận động họ không được gom mua chè của người dân bán ra ngoài. Hộ nào vi phạm sẽ bị tịch thu máy sao chè. Ngoài ra, tổ công tác còn thường xuyên kiểm tra, quản lý vùng chè, phối hợp cùng Nông trường chè Phong Hải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thực hiện cam kết hỗ trợ bà con về giống, phân bón, kỹ thuật cũng như đặt điểm thu mua thuận lợi, điều chỉnh giá bán và phương thức thanh toán hợp lý,... để bà con bán chè nguyên liệu. Ngược lại, người dân cũng phải cam kết sẽ thu gom, bán sản phẩm cho nông trường, không bán cho tư thương nữa.
"Cơn bão" chè vàng đã qua đi, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải phục hồi nhanh vùng chè nguyên liệu bị tổn thương. Việc tăng cường hướng dẫn cho nông dân để phục hồi diện tích chè bị suy kiệt đã được các cán bộ Nông trường hướng dẫn kịp thời. Thực tế cho thấy, "cơn sốt" chè vàng cũng đã làm người dân giác ngộ, hiểu rõ trách nhiệm của mình hơn đối với nhà đầu tư là nông trường. Giờ đây, người dân cũng đã tự ý thức được việc chăm sóc, phục hồi cây chè. Sau hơn 2 tháng, diện tích chè của xã đã dần được khôi phục ổn định, cho năng suất cao trở lại. Chỉ tính từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 /2007 toàn xã đã bán cho Nông trường chè Phong Hải trên 80 tấn chè búp tươi, đạt hơn 50% chỉ tiêu được giao năm 2007. Đây là tín hiệu vui cho những người trồng chè Bản Phiệt. Hiện, xã đang động viên bà con trồng thêm hơn 14 ha chè, tăng hơn 4 ha so với kế hoạch.