Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuẩn bị sơ tán khẩn cấp hơn 200.000 dân
07 | 08 | 2007
Tâm bão số 7 (tên quốc tế là Cimaron) đang có xu hướng dịch lên phía bắc, khả năng nhắm đến Quảng Bình - Quảng Trị, thay vì vào các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi như dự kiến. Nhưng vì phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng nên suốt dọc miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, người dân đang khẩn cấp dự trữ lương thực, chằng lại nhà cửa. Hơn 200.000 dân đang chuẩn bị di dời.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Dũng thông báo, từ chiều nay, bầu trời Quảng Trị chuyển sang đen kịt, gió mạnh lên và nhiều khả năng đêm nay sẽ có mưa to. Phương án di dời dân đã được lập, nhưng phải sáng mai, khoảng 24.000 dân tập trung chủ yếu ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong, mới được sơ tán khỏi vùng ven biển, cửa sông và vùng có nguy cơ sạt lở.

"Mỗi xã sẽ lập một đội xung kích, phối hợp với bộ đội, công an, giúp sơ tán dân. Chậm nhất chiều 2/11 phải hoàn thành. Nếu ai không chịu di dời, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế", ông Dũng thông báo. Lệnh cấm đò dọc, đò ngang hoạt động trên sông đã được ban hành. 6 hồ có nguy cơ vỡ ở thị xã Đông Hà, huyện Hướng Hóa, Triệu Phong và Gio Linh đã được bố trí người trực 24/24h. Tuần trước, do ảnh hưởng của không khí lạnh, các hồ chứa đã đầy nước.

Chánh văn phòng Dũng cho biết, cả lãnh đạo và người dân đều hồi hộp theo dõi bản tin dự báo. "Sáng nay, nhận được thông báo bão chệch lên hướng bắc, nhắm đến tỉnh nghèo Quảng Trị, chúng tôi càng lo. Nhà cửa của người dân phần lớn là cấp 4, nếu bão mạnh đổ bộ vào thì không biết hậu quả sẽ như thế nào", ông lo lắng. Trong cơn bão Xangsane, Quảng Trị ở xa tâm bão bị thiệt hại ít nhất. Toàn tỉnh có 3 người chết do lũ cuốn, gần 100 nhà sập, trên 1.800 nhà tốc mái. Thiệt hại vật chất khoảng 81 tỷ đồng.

Quảng Bình: 31 tàu thuyền đang về nơi trú ẩn

Tại Quảng Bình, Chi cục trưởng Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nguyễn Ngọc Giai tỏ ra căng thẳng khi biết tin bão đang có xu hướng dịch lên Quảng Trị. Điều này đồng nghĩa Quảng Bình có thể nằm trong vùng tâm bão đi qua. Toàn tỉnh đang chạy đua với bão, các mái nhà tôn chất đầy bao cát, dây chằng tứ phía. Cây xanh trong bão Xangsane bị tỉa trơ trụi. 31 tàu thuyền đang trên đường về nơi trú ẩn.

Từ sáng mai, khoảng 10.000 dân (bằng với đợt bão số 6) tập trung tại các cửa sông của huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa sẽ được sơ tán. "Chủ yếu là di dời tại chỗ. Bà con trong xã giúp đỡ lẫn nhau. Một số không có bà con sẽ được sơ tán đến trụ sở UBND xã và các trường học", ông Giai thông báo. Đặc biệt, sau vụ đắm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An), Tu Vũ (Phú Thọ), tỉnh đã yêu cầu bố trí lực lượng trực tại các bến đò nhằm đảm bảo an toàn.

Thừa Thiên - Huế: Học sinh nghỉ học từ ngày 2/11

Tại Thừa Thiên - Huế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hòa thông báo, hôm nay, lãnh đạo tỉnh đã phân công xuống các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông, kiểm tra công tác phòng chống. Tỉnh dự kiến sơ tán 15.000 hộ với khoảng 80.000 dân, nhiều hơn cả bão Xangsanne. "Mỗi xã đã thành lập đội cơ động dân quân tự vệ, phối hợp với bộ đội biên phòng, công an để giúp dân di dời từ ngày mai. Nếu ai không chấp hành lệnh sơ tán trước 17h chiều 2/11 sẽ bị cưỡng chế sơ tán", ông Hòa thông báo.

Từ sáng 2/11, toàn bộ học sinh trên địa bàn sẽ được nghỉ học. Hiện các cây cổ thụ, nhất là ở trong khu vực Đại Nội đã được tỉa bớt cành, tránh nguy cơ đổ. Ông Hòa cho hay, lãnh đạo tỉnh đang mất ăn mất ngủ vì sau bão Xangsane, tỉnh vẫn chưa khắc phục xong hậu quả. Hơn 41.100 nhà bị tốc mái chưa được gia cố thì nay lại hứng tiếp siêu bão Cimaron. Mặt khác, tuần trước do ảnh hưởng của không khí lạnh, địa bàn tỉnh có mưa khá to, nước trên sông, hồ đập dâng cao, giờ chỉ cần lượng mưa vừa phải cũng có thể gây lũ lớn.

Quảng Nam: Đua nhau chằng néo mái nhà

Từ Quảng Nam, nơi từng oằn mình vì bão Xangsane đổ bộ, nay lại đang phập phồng lo bão lớn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đinh Văn Thu đùa như mếu: "Trong khi người dân các nơi ra phố dạo chơi thì bà con Quảng Nam rầm rộ leo lên mái nhà, áp dụng tất cả biện pháp có thể từ dùng dây chằng, dùng bao cát chặn... nhằm giữ cho mái không bị giật tung". Tuy nhiên, cũng có người rất thờ ơ với bão bởi nhà cửa của họ đã bị Xangsane giật sập. Trước đó, cơn bão này đã làm 132.400 ngôi nhà của tỉnh bị tốc mái, hơn 8.400 nhà bị giật sập.

Cũng hôm nay, 70.000 dân ở các huyện ven biển, vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đã lục tục di dời, cố gắng hoàn thành trước khi bão vào. 1.800 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi an toàn. "Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ lớn chắc chắn xảy ra. Hiện, nước các sông hồ đã cao hơn bình thường", ông Thu lo lắng.

Quảng Ngãi: Hủy bỏ tất cả cuộc họp

Quảng Ngãi là tỉnh khẩn cấp nhất trong việc chuẩn bị chống bão với quyết định thành lập 2 trạm chỉ huy tiền phương, đặt tại huyện Bình Sơn và Đức Phổ để dễ theo dõi, đôn đốc công tác phòng chống. Hiện toàn bộ các cuộc họp trong phạm vi tỉnh không liên quan đến bão đã bị hủy bỏ, tập trung toàn lực cho công việc chuẩn bị.

Kể từ ngày mai, toàn bộ học sinh tiểu học và mẫu giáo trên địa bàn tỉnh được nghỉ học. Các cấp học sinh lớn hơn sẽ nghỉ vào ngày 2/11. Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, khoảng 30.000 hộ dân ở các khu vực nguy hiểm sẽ phải sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão đến. Kế hoạch chuyển dân đã được hoàn tất để chờ bão vào gần sẽ khởi động.

Đến chiều nay, 34 tàu thuyền của Quảng Ngãi vẫn còn lênh đênh trên biển với 600 ngư dân, trong đó có 8 tàu ở Hoàng Sa, 15 gần Trường Sa... Hiện các tàu này đã nhận được tin bão và trên đường tìm nơi trú ẩn.

Bóng màu xanh là khu vực tâm bão có thể đi qua. (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương).

Bình Định, Phú Yên: Nằm xa tâm bão nhưng không chủ quan

Bình Định và Phú Yên là 2 tỉnh theo dự báo chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ bởi đuôi bão, song công tác chuẩn bị cũng đang ráo riết. Hơn 10.000 dân Bình Định ở vùng biển, núi có nguy cơ sạt lở, nước dâng... sẽ phải di dời, đặc biệt là khu vực huyện đảo Lý Nhơn. 80 chiếc tàu của Bình Định vẫn còn ngoài khơi, đang tìm nơi trú ẩn hoặc trên đường quay về đất liền.

Trong khi đó, hôm nay Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên đã họp suốt ngày để triển khai đến các địa phương, đồng thời mời cả Bí thư tỉnh ủy dự họp để nắm vững tình hình. Hiện Phú Yên bắt đầu đã chịu những đợt gió Đông bắc cấp 4, trời không mưa.

Ở miền Đông Nam Bộ, không lọt vào tâm bão nhưng TP HCM đang chuẩn bị để phòng mưa to gây ngập lụt thành phố. Báo cáo của Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão TP HCM cho hay, hiện còn 42 tàu thuyền của thành phố vẫn còn ngoài khơi, tuy nhiên đều nằm ngoài khu vực ảnh hưởng của bão như đang ở Côn Đảo, vùng biển Cà Mau, Kiên Giang...

TP HCM lo ngập trên diện rộng

Lo nhất của TP HCM hiện nay là ảnh hưởng bão sẽ gây mưa lớn, kết hợp triều cường khi vỡ đê bao, ngập lụt thành phố. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, Phó chi cục Phạm Văn Thắng nhận xét, hiện triều đang ở mức thấp nên khó có khả năng sẽ cộng hưởng tác động với mưa bão. TP HCM đã làm việc với các đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ... đề nghị không xả lũ trong trường hợp có mưa bão lớn, đề phòng trường hợp mưa to, nước lớn sẽ gây ngập vùng hạ lưu.

Song, dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, TP HCM sẽ chịu ảnh hưởng xấu của hoàn lưu bão. Ngày mai, TP HCM sẽ có mưa vừa đến mưa to. Sau một đêm cực kỳ oi nồng hôm qua, sáng nay thành phố có mưa nhỏ, trời xám xịt, lặng gió.

Chưa thể khẳng định vị trí bão đổ bộ

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết, sau khi đổ bộ vào đảo Luzông, Philippines, bão Cimaron di chuyển chậm lại với tốc độ khoảng 10 km/h. Vì di chuyển chậm nên hướng đi của bão thay đổi nhiều, gây khó khăn cho công tác dự báo. “Đêm 30/10, bão Cimaron di chuyển thuần túy hướng tây. Nhưng đến sáng 31/10, nó đã chuyển hướng tây tây bắc”, ông Bảy dẫn chứng.

Một nguyên nhân khác, bão Cimaron đang phải cùng lúc chịu sự tác động của nhiều hệ thống thời tiết có tính chất giằng co. Trường khí tượng trên cao thuận tiện cho bão di chuyển về phía Bắc, trong khi trường khí tượng dưới thấp lại thuận tiện cho bão di chuyển về phía tây nam. Hiện các hệ thống thông tin dự báo của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong lại cùng lúc đưa ra nhiều dự báo không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Đến chiều 31/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương chưa thể đưa ra câu trả lời bão sẽ đổ bộ vào địa phương nào. “Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định, trong 24 đến 48 giờ tới, thậm chí là 72 giờ tới (có nghĩa là cho đến ngày 3/11), bão chưa thể đổ bộ vào đất liền”, ông Nguyễn Văn Bảy nói.

Ông Bảy cũng nhấn mạnh, mặc dù bão còn ở xa, nhưng do ảnh hưởng hoàn lưu xa của bão, ngày 2/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có gió bão mạnh dần lên từ cấp 6 đến cấp 8. Biển động rất mạnh. Ngoài ra, phía tây quần đảo Trường Sa có mưa dông rải rác và có gió mạnh cấp 6-7; trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc.

Ông Bảy cũng cho biết, bão cũng có khả năng mạnh lên nhưng khả năng này không nhiều.



(Nguồn: VnExpress)
Báo cáo phân tích thị trường