Giấc mơ làm giàu trên những cánh đồng lúa bạt ngàn của nông dân Thái Lan phút chốc đã bị cuốn trôi cùng dòng lũ. Hiện hàng triệu dân vẫn phải sống trong những căn lều tạm và có khoảng 260.000 người có nguy cơ mắc các dịch bệnh liên quan đến lũ lụt. Tại một số vùng nông thôn, người dân đành phải chấp nhận phương án xả nước lũ vào đất canh tác để cứu mạng sống của con người.
Cũng theo đánh giá của Bộ Thương mại Thái Lan, hậu quả tàn phá của trận lũ sẽ khiến vào đầu năm 2007, các mặt hàng nông sản chủ yếu như các loại gạo của Thái Lan sẽ tăng giá khoảng từ 2 - 5% so với mức giá hiện nay. Nhiều người lo ngại rằng, nếu không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn dòng nước lũ, Thái Lan sẽ có nguy cơ từ một nước xuất khẩu gạo số một thế giới lại phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước.
Không chỉ thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, hàng trăm ngôi chùa ở khu vực miền Trung Thái Lan, trong đó nhiều chùa là các di sản văn hoá nổi tiếng của nước này, đang bị lũ lụt tiếp tục dâng cao, đe dọa tàn phá. Nước sông Chao Phraya dâng cao ở tỉnh Ayutthaya, cách bắc Bangkok 90km đã làm ngập ít nhất 25 ngôi chùa thờ Phật. Hiện tại, 25 khu vực khảo cổ học quan trọng đều bị chìm trong nước, hơn 13 khu vực khác gặp nguy hiểm khi nước tiếp tục dâng cao. Tỉnh Ayutthaya từng là kinh đô Thái Lan từ 1350 đến 1767 với rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo, bao gồm cả chùa Wat Phra Mahathat. Toàn bộ tỉnh này được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới với hơn 500 đền đài, chùa chiền. Di tích nổi tiếng của Wat Chaipattanaram bên bờ sông Chao Phraya gặp nguy hiểm khiến chính quyền địa phương phải xây đê và bơm nước ngăn lũ lụt, cứu nơi cổ xưa.
Trong khi đó, tại Myanmar mưa lũ đã làm ít nhất 13 người ở nước này thiệt mạng, 10.000 người ở ngoại ô thành phố Mandalay phải sơ tán khẩn cấp. Lũ lụt cũng đã nhấn chìm hơn 3.000 ngôi nhà và 364ha đất nông nghiệp.