Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoà Bình: Tìm đầu ra ổn định cho cây chè tuyết
05 | 10 | 2007
Hiện nay, tỉnh miền núi Hoà Bình có khoảng 550 ha đất trồng chè tuyết. Trong khi đó, duy nhất Công ty TNHH sản xuất kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền triển khai trồng, thu mua, chế biến ước đạt 1/3 tổng sản lượng.

Theo thống kê năm 1999, toàn tỉnh đã có gần 92 vạn cây chè tuyết được trồng rải rác khoảng trên 60 ha. Trong đó, phần nhiều là cây cổ thụ, có cây tuổi đến gần 200 năm. Thực hiện Quyết định 1119 năm 1999 của UBND tỉnh về phê duyệt xây dựng vùng chè tuyết nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng theo mô hình phòng hộ, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 494 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mai Châu, Đà Bắc và Tân Lạc, nâng tổng số chè tuyết lên trên 550 ha. Dự kiến đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ đạt 1000 ha với trên 3000 hộ dân tham gia sản xuất.

Chất lượng chất chè tuyết nói chung từ lâu đã được khẳng định. Ngoài ra, chè tuyết còn là loại hàng hoá đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Với lợi thế về địa lý, khí hậu, tỉnh có điều kiện phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu cho thu nhập cao; chè tuyết được xem là cây mũi nhọn giúp cho vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, loại cây đặc sản vùng cao này chưa thực sự lên ngôi, việc trồng và kinh doanh chè tuyết ở Hoà Bình vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, giá thu mua búp chè tuyết trồng mới từ 2000 - 3000 đồng/kg. Búp chè cổ thụ giá từ 6000 - 7000 đồng/kg.Theo ông Sa Hồng Diên, phó Trưởng Ban Dân tộc- Tôn giáo tỉnh: Hiện nay, chè tuyết Hoà Bình thường được trồng theo mô hình phòng hộ nên mật độ cây thấp, từ 3000 - 6000 cây/ha, chưa đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người trồng chè. Nếu người dân trồng theo mô hình kinh tế, mật độ sẽ lên đến 15.000 - 17.000 cây/ha. Theo đó thì sản lượng trung bình từ 13 - 18 tấn/ha/năm. Giá thấp nhất cũng thu từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Mặt khác, việc tiêu thụ chè tuyết vẫn còn bấp bênh, gia đình ông Triệu Văn Thắng ở xóm Ngù, xã Hiền Lương có đến gần 50 cây chè cổ thụ nhưng không có người đến thu mua. Mỗi năm, gia đình ông Thắng chỉ hái một lần về sao, dùng trong gia đình.Gia đình anh Triệu Văn Huệ cũng ở xóm Ngù trồng chè tuyết từ hàng chục năm nay. Khu đồi trước đây ông Huệ gieo được 100 kg thóc giống - nhưng giờ, toàn bộ diện tích đó đã trồng hết chè tuyết. Cũng như nhiều gia đình khác, ông Huệ không bán được nên không có tiền tái đầu tư. Do không đủ điều kiện chăm sóc nên năng suất thấp. Một số nơi khác như xã Cao Sơn mặc dù có cơ sở thu mua nhưng manh mún, công nghệ lạc hậu và không có thương hiệu rõ nét.

Trao đổi về vấn đề này, anh Đỗ Ninh Hoà, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền cho biết: Công ty mới thành lập, vốn không nhiều nên việc thu mua còn nhiều hạn chế. Mặt khác, thương hiệu chè tuyết Hoà Bình chưa được người tiêu dùng biết đến nên Công ty chưa dám thu mua hết. Trong 1 - 2 năm vừa qua, Công ty đang đào tạo cán bộ địa bàn và đầu tư cũng như chuyển giao KH-KT cho nhân dân. Do vậy, Công ty đang triển khai thu mua tại các khu vực Mai Châu, xã Yên Hoà, Trung Thành (Đà Bắc) với 1/3 sản lượng chè tuyết trong tỉnh. Trong một vài năm tới khi đã hoàn thiện bộ máy, Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư và thu mua sản phẩm. Mặt khác, Công ty từng bước giới thiệu thương hiệu chè tuyết Hoà Bình trong nước và ngoài nước.



Nguồn: vitas
Báo cáo phân tích thị trường