Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mục tiêu phát triển 500ha chè ở Tủa Chùa: Muôn vàn điều khó
26 | 08 | 2008
Nói đến Tủa Chùa, nhiều người nghĩ ngay đến đặc sản chè Shan Tuyết. Chính điều này là cơ sở để UBND tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu phát triển diện tích chè lên 500ha vào năm 2010. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp cần phải có biện pháp khắc phục hạn chế khó khăn như: thiếu vốn, đất, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, khâu tiêu thụ...

Tiềm năng sẵn có

Huyện Tủa Chùa hiện có trên 10.000 gốc chè cổ thụ, trong đó có 12 cây được Viện Chè Việt Nam khoanh vùng bảo vệ nguồn gien và chọn làm giống để nhân rộng.

Ngoài chè cây cao, Tủa Chùa còn có hàng trăm hécta chè Shan Tuyết cây thấp được trồng từ năm 1972 đến nay. Năm 2007, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt 64 tấn, chế biến được 8 tấn chè khô, với mức giá trung bình 90.000 đồng/kg chè khô, tổng thu nhập từ chè đạt 720 triệu đồng.

Ông Vừa Vả Mua ở Sín Chải được xem là người giàu nhất xã nhờ trồng chè. Gia đình ông có trên 200 cây chè cổ thụ, mỗi năm hái 4 lứa, thu gần 20 triệu đồng. Ở Sín Chải, Tả Sìn Thàng..., số hộ có thu nhập 7 - 8 triệu đồng/năm từ trồng chè không phải là hiếm. Chè trở thành cây “tậu trâu, cưới dâu, làm nhà và mua xe máy...” của nhiều gia đình.

Chính vì vậy, Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2006 - 2010, đã xác định, chè là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con các xã vùng cao và dự kiến đến năm 2010 sẽ đạt 500ha. Riêng trong năm 2008, huyện sẽ trồng mới 50ha chè Shan Tuyết cây thấp. Để thực hiện mục tiêu này, Trại Giống nông nghiệp huyện (trực thuộc Công ty Giống nông nghiệp tỉnh) chịu trách nhiệm ươm chè giống. UBND huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo trồng chè, giao Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường khảo sát, lập dự toán kinh phí.

Thiếu vốn và kỹ thuật

Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm... có thể khắc phục, nhưng nếu người dân thiếu lòng tin, tư tưởng chưa thông thì rất khó đạt mục tiêu.

Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế, việc mở rộng diện tích chè gặp không ít khó khăn. Nguồn kinh phí để trồng chè chưa có, sắp tới, nếu được phân bổ cũng muộn hơn rất nhiều so với kế hoạch. Huyện dự kiến dùng một phần vốn Chương trình 135 (giai đoạn 2) để hỗ trợ nông dân trồng chè, nhưng xã Sính Phình lại không được hưởng lợi từ chương trình này. Còn nguồn vốn Chương trình 134 lại có hạn, chỉ hỗ trợ được một phần tiền khai hoang, cải tạo đất với mức 2 triệu đồng/ha.

Không riêng thời gian này mà nhiều năm trước đó, việc mở rộng diện tích chè đã được đặt lên “bàn nghị sự”, nhưng do chính sách hỗ trợ kinh phí “nhỏ giọt” nên dự án vẫn chỉ khả thi... trên giấy.

Bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn, một yếu tố khác khiến việc mở rộng diện tích chè gặp nhiều khó khăn, đó là thói quen canh tác lạc hậu của người dân. Từ trước tới nay, phần lớn nông dân trồng chè theo kiểu được chăng hay chớ. Có dự án, bà con nhận giống về trồng, nhưng sau đó cây sống hay chết không mấy quan tâm. Chính vì lý do này mà hiện huyện Tủa Chùa chỉ có khoảng 230ha chè (cả cây cao lẫn cây thấp), trong khi từ năm 1972 đến nay có rất nhiều mô hình, dự án trồng chè đã được triển khai với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.

Đơn cử như trong hai năm 2006 - 2007, Tủa Chùa trồng mới 15ha chè Shan Tuyết cây thấp tại Tà Là Cáo, Sính Phình. Bình quân trồng 8.500 - 9.000 bầu chè/ha, nhưng hiện tại số cây sống chỉ còn một nửa. Vì chưa nắm vững kỹ thuật nên đa phần bà con đều đào hố sai quy cách, không có đường đồng mức để hạn chế sự xói mòn đất, giữ nước sau mỗi trận mưa... Do chăm sóc kém nên ở hầu hết các vườn, cỏ dại mọc choán cả cây chè, ngọn thì bị trâu, bò thả rông ăn gần hết. Hàng năm, bà con không làm cỏ, vun gốc nên cây chết dần hoặc ngày càng cằn cỗi.

Một nguyên nhân nữa khiến chè chết nhiều là do người dân nhân giống bằng giâm cành. Ưu việt của chè giâm cành là thời gian từ khi trồng đến thu hoạch (chè kinh doanh) mất khoảng 4 năm, trong khi nhân bằng hạt là 5 năm; chè giâm cành thường cho năng suất cao hơn gieo bằng hạt. Cây chè thuộc nhóm rễ cọc ăn sâu hàng mét xuống đất, nhưng với chè giâm cành thì gần như là rễ chùm, ăn ngang và bám đất rất nông. Với Tủa Chùa, 6 tháng mùa nắng, tầng nước ngầm xuống thấp, không đủ chất dinh dưỡng nuôi cây, nên tỷ lệ chè giâm cành chết nhiều là điều dễ hiểu.

Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm

Một trong những vấn đề làm cán bộ và người dân vùng chè lo lắng là đầu ra cho sản phẩm. Kể từ vụ chè xuân 2007 đến nay, giá thu mua bình quân là 4.000 đồng/kg chè Shan Tuyết cây thấp và 5.000 đồng/kg chè cổ thụ (tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với trước), nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nơi khác.

Công ty Giống nông nghiệp, đơn vị nhận bao tiêu chè cho bà con cũng đã xây dựng 4 xưởng chế biến; UBND tỉnh, huyện ban hành chủ trương trợ giá để đơn vị mua hết chè cho dân. Tuy nhiên, do công suất xưởng chế biến nhỏ, giao thông không thuận tiện nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, năm 2006, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư kinh phí xây dựng 1 lò sấy chè bán thủ công tại bản Hâu Chua (xã Sín Chải), mỗi ngày sấy được 1 - 1,5 tạ chè tươi. Được cán bộ Trại Giống nông nghiệp huyện hướng dẫn, nhiều người dân trong bản đã biết cách chế biến chè, giảm áp lực thừa nguyên liệu. Trong điều kiện giao thông tại các xã vùng trồng chè không thuận lợi, điện lưới quốc gia chưa đến với nhiều thôn, bản, thì giải pháp tối ưu là hỗ trợ kinh phí cho dân mua lò sao chè thủ công để tự chế biến.

Để mở rộng diện tích chè lên 500ha trong những năm tới, huyện Tủa Chùa cần làm tốt công tác tuyên truyền, phân tích cái hay, lợi thế, giúp người dân thay đổi nhận thức, tự giác dành đủ quỹ đất trồng chè hàng năm. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm... có thể khắc phục, nhưng nếu người dân thiếu lòng tin, tư tưởng chưa thông thì rất khó đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho chè Shan Tuyết Tủa Chùa cũng cần được tính đến.




Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường