Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ì ạch công nghệ chế biến chè Yên Bái
13 | 04 | 2008
Trong hai năm qua tốc độ phát triển cây chè ở Yên Bái diễn ra mạnh mẽ, những vùng chè đặc sản, vùng chè chất lượng cao đang khẳng định vị thế trên thương trường. Tuy nhiên công nghiệp chế biến chè ở Yên Bái vẫn là những chuyện phải bàn...
Theo qui hoạch từ năm 2006 đến năm 2010 diện tích chè của tỉnh Yên Bái sẽ là 13.300 ha, tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên..., chè đặc sản ở các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Số diện tích chè tỉnh Yên Bái dự kiến trồng mới và thay thế là 2.230 ha, trong đó trồng mới 710ha, thay thế 1.520 ha chè cũ.

Chỉ qua 2 năm thực hiện Yên Bái đã trồng mới và cải tạo được 1.216 ha, trong đó diện tích trồng mới 202 ha, cải tạo thay thế 1.014 ha. Điều đáng chú ý diện tích chè thay thế là những giống chè chất lượng cao, như chè: LDP1, LDP2 với diện tích 300 ha, chè Shan 103 ha, chè nhập nội: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên...với diện tích 813 ha. Theo kết quả khảo nghiệm, điều tra các giống chè mới phát triển tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của các địa phương đang cho thu nhập cho người trồng chè. Như vậy, cho đến đầu năm 2008 diện tích chè của tỉnh Yên Bái 12.516 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 10.671 ha. Cơ cấu giống chè đã thay đổi, diện tích chè trung du đang dần thu hẹp chỉ còn 7.214 ha, diện tích chè đặc sản Shan 2.896 ha, chè lai 1.205 ha, các giống chè nhập nội 1.201 ha.

Như vậy, có thể thấy hai năm qua tốc độ phát triển diện tích chè của Yên Bái tăng khá nhanh, điều đó khẳng định người trồng chè đã đặt niềm tin vào cây chè, không phải trồng theo kiểu “phong trào” mang tính áp đặt như một số cây trồng khác đã từng thất bại nhiều lần ở Yên Bái. Việc phát triển cây chè không chỉ phù hợp với nguyện vọng, điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của người dân, tỉnh Yên Bái còn trích ngân sách địa phương hỗ trợ 4 triệu đồng/ha trồng giống mới, 2 triệu đồng/ha phá bỏ giống cũ nhằm khuyến khích người trồng chè. Với tổng số tiền hỗ trợ nông dân là 9,7 tỷ, các ngân hàng cho vay đầu tư kinh doanh chế biến, trồng mới, cải tạo đồi chè... trên 60 tỷ. Lộ trình phát triển cây chè ở Yên Bái không chỉ mở rộng diện tích mà đang thay đổi về chất lượng phù hợp nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, nhất là mấy năm qua giá chè có lợi cho người nông dân.

Năm 2007 tổng sản lượng chè búp tươi của Yên Bái đạt 70.071 tấn, chế biến được trên 30.000 tấn chè khô các loại. Ngoài một số sản phẩm: chè xanh Suối Giàng, chè xanh Bát Tiên Trấn Yên, chè O long Thành Công, Lục Yên...còn lại chủ yếu là chè đen chiếm 85%. Mặc dù diện tích và sản lượng chè của Yên Bái đứng trong tốp đầu các tỉnh trồng và chế biến chè, nhưng chất lượng và giá trị xuất khẩu chè Yên Bái lại đứng ở tốp cuối. Đó là nghịch lý mà hàng chục năm qua Yên Bái vẫn chưa thể khắc phục được.

Đồi chè năng suất cao xã Nậm Púng
Theo thống kê mới nhất, hiện nay Yên Bái có 67 đơn vị, CTy, HTX, cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh chế biến chè với 88 nhà máy công suất từ 5- 42tấn/ngày, tổng công suất chế biến 680 tấn búp chè tươi/ngày. Tuy nhiên, các nhà máy mới chỉ SX được 1/2 công suất. Ngoài ra còn hàng ngàn thùng chè quay tay có mặt ở khắp các thôn bản, mấy năm qua vào mùa thu hái thị trường chè ở Yên Bái trở nên vô cùng náo nhiệt. Đó là sự phát triển thiếu qui hoạch giữa cơ sở chế biến và diện tích chè hiện có, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Người trồng chè thì sử dụng các loại phân vô cơ, thuốc kích thích để rút ngắn chu kỳ thu hái. Dẫn đến chất lượng chè Yên Bái thấp nhất trong cả nước. Điều không thể phủ nhận là hiện nay Yên Bái không có một CTy nào có thể XK trực tiếp ra nước ngoài, sản phẩm chè Yên Bái chủ yếu là hàng bán thành phẩm, hàng gia công cho các công ty XNK. Vì thế lợi nhuận của các CTy chè rất thấp, không có khả năng tài chính đầu tư cho vùng chè chất lượng cao. Bởi thế, nên mấy chục năm qua ngành chè của Yên Bái vẫn trong cái vòng luẩn quẩn: Năng suất và sản lượng cao, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm lại quá thấp.

Hai năm qua Yên Bái đã trồng mới và cải tạo được trên 1.200 ha chè các loại, trong khi đó các cơ sở chế biến lại chậm đổi mới, chỉ có 2 CTy Chè Văn Hưng và Phú Tân thay đổi dây chuyền chế biến chè đen công nghệ CTC và 2 dây chuyền chế biến chè xanh Nậm Púng và Liên Sơn, ngoài ra còn cơ sở chế biến chè O Long Thành Công và Lục Yên, nhưng với số lượng SX không nhiều. Còn lại hầu hết hơn 60 cơ sở, nhà máy vẫn “trung thành” với dây chuyền chế biến cũ kỹ, lạc hậu, chấp nhận làm hàng gia công cho những công ty XNK. Việc phát triển cây chè ở Yên Bái chỉ thật sự bền vững khi gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến và thực hiện nghiêm Nghị định 80 của Chính phủ.

Tỉnh Yên Bái dự kiến trong tháng 5/2008 sẽ tổ chức một đoàn kiểm tra việc thực hiện Quyết định 4747/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp-PTNT, qui định về tiêu chuẩn cơ sở chế biến chè, sẽ kiên quyết đóng cửa những cơ sở nào không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu làm được điều đó thì mới buộc các cơ sở chế biến đầu tư dây chuyền SX tiên tiến, công nghệ chế biến nâng cao giá trị sản phẩm cũng như vị thế của chè Yên Bái trên thương trường, bằng không chỉ là chuyện nói cho vui.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Báo cáo phân tích thị trường