Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây nền cho lúa gạo lên ngôi
02 | 12 | 2009
Hôm nay 2-12, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 1, tại Hậu Giang khép lại. Như một “cơ duyên” những ngày diễn ra fetisval sôi động, cùng lúc thị trường lúa gạo nóng lên từng ngày. Giá lúa ở ĐBSCL “đội trần” đạt 6.000 đồng/kg, tăng gấp hai lần so với giữa vụ hè-thu. Dư luận lo lắng: liệu có xảy ra sốt gạo như năm rồi? Chưa bao giờ chuyện lợi tức của người trồng lúa, chất lượng – thương hiệu gạo xuất khẩu, kho dự trữ, cách mua bán lúa gạo… lại được bàn nghiêm túc như festival lần này.

Cần thế hệ nông dân mới

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra con số ấn tượng: hơn 20 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 70 triệu tấn gạo, mang về gần 20 tỷ USD. Thị phần gạo Việt Nam có mặt ở hầu hết các nước nhập khẩu gạo như: châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ. Riêng 2009 là năm xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến đạt 6-6,2 triệu tấn. Nhưng đằng sau con số ấn tượng đó vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. “Người trồng lúa đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nhưng lợi nhuận của họ còn thấp, đời sống còn nghèo. Đó là sự thật phải quan tâm để có giải pháp giúp họ cải thiện thu nhập” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chia sẻ. Hiện trên thế giới cứ 6 người có 1 người thiếu ăn! Đây là một cảnh báo cho thấy, vấn đề an ninh lương thực là chuyện sống còn của quốc gia.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đến nay, lúa gạo là thức ăn căn bản của 39 nước và vùng địa lý trên thế giới; cung cấp từ 35%-59% nguồn năng lượng cho hơn 3 tỷ người. Dân số thế giới hiện nay, trung bình tăng thêm 1 tỷ người sau 14 năm. Thách thức đặt ra cho nhân loại là diện tích nông nghiệp giảm (1,5 tỷ ha) vào năm 2050, nước tưới cho nông nghiệp giảm, nhưng phải tăng sản lượng lương thực gấp đôi.

Vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học Việt Nam là hướng tới mục tiêu: Phát triển giống lúa, đáp ứng cả hai yêu cầu về an toàn lương thực và có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng nông sản, gia tăng thu nhập của người trồng lúa. Cụ thể là phát triển giống lúa có năng suất cao và ổn định, hướng lâu dài đột phá ngưỡng trần (>8-10 tấn/ha/vụ); phát triển giống lúa có phẩm chất gạo ngon, đáp ứng thị hiếu thị trường nội địa và xuất khẩu, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, sản xuất phát triển bền vững.

Một thực tế đáng buồn khác được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cảnh báo: Trong 5 năm tới, nếu không có kế hoạch đào tạo, không có những giải pháp để tạo ra lực hút đối với nghề trồng lúa sẽ không có nông dân trẻ làm lúa! Nông dân trẻ không phải là những người thích “tay lấm chân bùn”, mà họ cần điều khiển các phương tiện cơ giới trên đồng ruộng.

Tạo lập thương hiệu gạo Việt Nam

Theo dự báo, năm 2010, nguồn cung trên thế giới bị thu hẹp lại khoảng 10-20 triệu tấn; cơn bão số 9, số 10 vừa qua, Philippines có 1,4-1,5 triệu tấn bị mất trắng. Ấn Độ cũng bị hạn hán, giảm 15-20 triệu tấn lúa nước- mức giảm cao nhất trong 15 năm trở lại đây. Cơ hội xuất khẩu gạo “mở toang” cho Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cảnh báo: nếu Việt Nam không tiếp tục cải thiện về bao bì, giữ vững chất lượng đồng nhất của hạt gạo, nguy cơ mất thị trường cũng rất cao.

Thêm vào đó, cách đây 2 ngày, Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ trồng lúa biến đổi gen, lợi thế về biện pháp canh tác, chi phí đầu tư và họ có chiến lược tập trung vào thị trường gạo 25%. Nếu thực hiện suôn sẻ thì gạo Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều đối thủ hơn.

Nâng cao giá trị hạt gạo, không thể chạy theo số lượng mà hãy nghĩ đến giá trị dịch vụ của hạt gạo. Các nhà khoa học đã chỉ ra những yếu kém trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam hiện nay. Nổi lên là thiếu tập trung vào các giống lúa chủ lực gắn với thị trường xuất khẩu gạo; nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (khoảng 0,4 ha/hộ); thất thoát sau thu hoạch còn rất lớn (11%-13%); hệ thống kho trữ thiếu và yếu; nông dân còn bán lúa qua nhiều trung gian… Ngay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có “tuổi thọ hơn 20” nhưng hiện nay vẫn áp dụng một quy trình chế biến ngược: chế biến gạo thô rồi mới chế biến gạo xuất khẩu! Tình trạng này làm giảm chất lượng và thời gian tồn trữ gạo!?

Trong khi đó, các thương lái thường mua lúa của nông dân không đạt ẩm độ về xay xát thô, làm giá trị hạt gạo giảm ngay từ đầu. “Cần chấm dứt ngay quy trình phản khoa học tồn tại dai dẳng bấy lâu nay là xay xát lúa ướt ở ẩm độ 16%-17%” – PGS-TS Dương Văn Chín, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL bức xúc nói.

Giải pháp ”bốn nhà”

Để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần có nhiều giải pháp chiến lược và đồng bộ. Giải pháp “liên kết vùng và tham gia 4 nhà” là rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, cần phối hợp đưa ra đề án “Giải pháp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua liên kết vùng và sự tham gia của 4 nhà”.

Mục tiêu chung của ý tưởng này là góp phần thực hiện Nghị quyết về an ninh lương thực, nâng cao năng lực và liên kết “4 nhà” nhằm tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL bền vững. Trước tiên, là liên kết các đơn vị nghiên cứu khoa học như viện/trường để ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, chất lượng gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá… thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyển giao các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và sự biến đổi khí hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo vùng ĐBSCL từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản tồn trữ, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường