Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc: Nông dân được mua bán quyền sử dụng đất
13 | 10 | 2008
Cuối tuần qua, uỷ ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc họp bàn về kế hoạch cải tổ ruộng đất, cho phép nông dân được mua bán quyền sử dụng đất
Nếu chính sách này được thông qua, 800 – 900 triệu nông dân Trung Quốc được quyền bán quyền sử dụng đất cho nông dân khác, hoặc cho các công ty nông nghiệp. Nói một cách dễ hiểu, nông dân được tự do mua bán mảnh đất được chính phủ cấp quyền sử dụng đất.

Người nông dân đang thu hoạch khoai tây tại một cánh đồng ở tỉnh Sơn Tây. Ảnh: Reuters

“Chính sách này sẽ tự do hoá dòng vốn đang chết và cho phép các tài sản này đi vào giao dịch. Chính sách này sẽ là một động lực khổng lồ để phát triển nông thôn”, luật sư Khả Linh Châu, viện Nghiên cứu phát triển nông thôn Trung Quốc, trụ sở tại Seattle, Mỹ nhận định. Chính sách này tạo hứng khởi cho nông dân bám trụ ở quê nhà, tăng gia sản xuất.

Lấy lòng nông dân

Một điểm đáng chú ý trong lần cải tổ này là nâng thời hạn quyền sử dụng đất từ 30 năm lên 70 năm, để quyền sử dụng đất của nông dân được an toàn và giá trị hơn. Với chính sách này, quyền lợi của người nông dân trên mảnh đất của họ được bảo vệ đầy đủ hơn, ai muốn mua đất phải đàm phán trực tiếp với người nông dân chủ mảnh đất.

Xưa nay nông dân Trung Quốc cày cấy trên mảnh ruộng nhỏ bé được chia lại nguồn đất khổng lồ thuộc sở hữu toàn dân, với hợp đồng sử dụng đất 30 năm. Nhà nước vẫn là chủ sở hữu của mảnh đất. Do đó, khi Trung Quốc cải cách kinh tế theo hướng công nghiệp, sản xuất, như cầu đất tăng cao, các quan chức địa phương sẵn sàng lấy đất của nông dân, phân lô lại chia cho người khác. Việc tước đoạt ruộng đất của nông dân được thực hiện nhân danh quyền lợi chung và quyền lực công, mà không đền bù hoặc đền bù không thoả đáng cho nông dân.

Những bất công này làm nảy sinh hàng ngàn cuộc biểu tình mỗi năm của nông dân và hàng triệu nông dân bỏ làng lên thành phố kiếm sống. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, có ít nhất 74.000 vụ “khiếu kiện tập thể”, hay biểu tình của nông dân Trung Quốc hồi năm 2004, thu hút 3,7 triệu nông dân tham gia. Con số này tăng lên 87.000 vụ trong năm 2005, và năm 2006 là 90.000 vụ.

Sử gia Trương Lý Phàm, từng làm việc cho học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nói: “Dưới góc độ lịch sử, sự hưng thịnh hay suy vong của một triều đại đều liên quan đến ruộng đất và nông dân. Chính sách mới này có mục đích ổn định đời sống nông thôn, lấy lòng nông dân”.

Tăng thu nhập, kích cầu nội địa

Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ suy thoái xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng bị chậm, nên giới lãnh đạo Trung Quốc muốn kích cầu tiêu dùng nội địa. 800 triệu nông dân Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ khổng lồ mà xưa nay bị cách ly khỏi các hoạt động mua sắm rộn ràng của thành thị, vì quá nghèo. Chính sách này sẽ giúp nông dân có thu nhập để kích cầu nội địa.

Ông Lữ Tiết Nghĩa, một giáo sư chuyên về những vấn đề nông thôn của CASS, nói: “Nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn nhiều lắm, nhưng người dân ở đây chiếm 70 – 80% dân số lại không có tiền để mua những thứ như ti vi, quần áo… Chỉ khi nào cải cách làm tăng thu nhập ở nông thôn, lúc đó mới có thể kích cầu nội địa”.

Chính phủ Trung Quốc thừa nhận thu nhập ở nông thôn cách quá xa thành thị khiến Trung Quốc trở thành nơi có khoảng cách thu nhập lớn nhất thế giới. Số liệu của Liên hiệp quốc, năm 2007, cho thấy Gini Trung Quốc, hệ số phản ánh sự bất bình đẳng phân phối thu nhập, vượt ngưỡng báo động 0,4. 20% dân số nghèo nhất nước nắm giữ 4,7% tài sản quốc gia, trong khi đó 20% dân số giàu nhất nước nắm giữ 50% tài sản quốc gia.

Ngôi làng Tiểu Cang và Đặng Tiểu Bình thứ hai

Cuối tháng 9 vừa qua khi chính sách này còn trong vòng tranh cãi, ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm làng Tiểu Cang, phía đông tỉnh An Huy, biểu tượng của quá trình cải tổ ruộng đất. Lúc đi thăm làng, ông Hồ Cẩm Đào nói: “Không chỉ hợp đồng sử dụng đất hiện tại được bảo vệ vững vàng và không thay đổi theo thời gian, nông dân còn được trao quyền hạn rộng hơn để bảo vệ đất. Hơn nữa, nếu nông dân muốn, họ được quyền chuyển giao hợp đồng sử dụng đất và quyền quản lý bằng nhiều cách”.

Năm 1978, trước khi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chính thức thông báo chính sách cải tổ và mở cửa, 18 gia đình ở làng Tiểu Cang và các quan chức địa phương âm thầm chia đất công ra phân phát lại cho các hộ gia đình này. Trong thời điểm đó, hành động của họ bị xem là liều mạng, vì nếu bị phát hiện sẽ bị gán tội “phản động”, “phản cách mạng”, “phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. May mắn thay, cuối cùng hành động của họ được ông Đặng Tiểu Bình ủng hộ và đưa vào chính sách cải cách lúc đó. Lúc đó, làng Tiểu Cang được tuyên truyền khắp Trung Quốc như một tấm gương cải cách. Hợp đồng bí mật với 18 dấu vân tay điểm chỉ của đại diện 18 hộ gia đình năm nào bây giờ được long trọng trưng bày trong bảo tàng cách mạng Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Tiếc rằng từ đó trở đi, những cuộc cải cách chủ yếu nhắm vào thành thị, nông thôn bị quên lãng. Người thành thị được tự do trao đổi, mua bán quyền sử dụng đất, nhưng nông dân thì không.

Cuộc cải cách lần này được công bố trong tháng 10, do ông Hồ Cẩm Đào công bố cùng thời gian với lần cải cách 30 năm về trước của ông Đặng Tiểu Bình. Cả hai lần cải cách đều nhắm vào nông dân. Do đó, nhiều nhà bình luận cho rằng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chọn thời điểm này để công bố kế hoạch cải tổ ý muốn nói ông là một Đặng Tiểu Bình thứ hai.



Nguồn: SGTT
Báo cáo phân tích thị trường