Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
39% nông dân ở ĐBSCL không có đất sản xuất
10 | 10 | 2008
Mặc dù là vựa lúa trọng điểm phía Nam với diện tích đất nông nghiệp rất lớn nhưng nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có đất để sản xuất. Con số này lên tới 39% và có nguy cơ ngày càng gia tăng.
ĐBSCL: Bức tranh nhiều gam màu đối lập

Chính việc không có đất là nguyên nhân khiến rất nhiều người dân ở ĐBSCL rơi vào tình trạng nghèo đói. Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (CS&CLPTNNNT) thì năm 2007, tỉ lệ hộ nghèo của vùng là 12,85% thì khoảng 99% hộ nghèo là do không có đất hoặc ít đất.

Vì không có tư liệu để sản xuất nên công việc chính của họ là đi làm thuê cho những chủ đất có nhiều ruộng canh tác hoặc dựa hoàn toàn vào thiên nhiên như kiếm sống nhờ vào nguồn thủy sản khi mùa nước nổi đến. Ngoài ra còn một bộ phận thì di cư tới các thành phố lớn để kiếm việc và chủ yếu làm lao động phổ thông.

T.S Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà Dịu
Sở dĩ dân di cư ở ĐBSCL lên thành phố chủ yếu là lao động phổ thông vì trình độ dân trí thấp, lại không được đào tạo tay nghề. Theo thống kê thì có khoảng 38,9% người nghèo mù chữ và chỉ có khoảng 40% là tốt nghiệp cấp I. Ở những vùng miền núi và dân tộc của ĐBSCL thì con số này còn cao hơn tỉ lệ mù chữ chiếm đến 52% và chỉ có 21% là tốt nghiệp cấp I.

Việc không có trình độ học vấn là một rào cản rất lớn để có thể giúp người dân ĐBSCL thoát nghèo vì họ bị hạn chế trong việc tiếp cận với những tiến bộ của xã hội cũng như những cơ hội làm giàu.

Và một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ nghèo đói ở ĐBSCL chính là văn hóa và yếu tố tự nhiên. Do được thiên nhiên ưu đãi nên một bộ phận rất lớn dân cư có cách sống làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu nên không có tư tưởng tích lũy. Điều này dẫn đến một bộ phận rất lớn hộ nghèo vùng ĐBSCL không có tiền để xây nhà phải sống nhà tạm bợ. Theo con số khảo sát của UBND Tiền Giang thì tỉ lệ hộ nghèo ở tỉnh sống trong nhà tạm bợ lên đến 54%.

Tại hội thảo, tất cả các đại biểu đều băn khoăn khi nghe trình bày về bức tranh nghèo đói của ĐBSCL và đặt ra câu hỏi: Tại sao có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng mà sao người dân nơi đây nghèo vẫn hoàn nghèo?

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì do những chính sách đó không tới được với những người nghèo. Khảo sát cho thấy, người nghèo khó tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức và 30% hộ nghèo phải vay vốn tư nhân. Các dự án khuyến nông, khuyến ngư và các dịch vự dạy nghề, xúc tiến việc làm ít đến được với người nghèo nhất là người dân tộc. Chỉ 6% hộ nghèo được đào tạo, tập huấn khuyến nông trong khi tỉ lệ này ở những hộ khá và trung bình là 40%.

Trong khi đó, với những hộ có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay chính thức thì lại sử dụng không hiệu quả. Đa số vốn vay được sử dụng vào việc trả nợ chứ không phải đầu tư cho sản xuất.

Muốn xóa đói, giảm nghèo phải xây dựng từ nội lực của chính người dân

Phải thay đổi ý thức, nếp nghĩ và dựa vào chính nội lực của họ là giải pháp mang tính lâu dài mới có thể giúp những người dân nghèo Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi cảnh nghèo đói. Đó là ý kiến mà TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo TS. Đặng Kim Sơn thì từ trước đến giờ, người nghèo ở ĐBSCL hay được trợ cấp nhân đạo như thiếu lương thực thì trợ cấp lương thực, thiếu nhà thì cấp nhà nên chỉ giải quyết đói nghèo ở mức tạm thời. Muốn giải quyết rốt ráo thì phải tạo cho họ cái “cần câu cơm” để họ dựa vào chính sức mình kiếm cái ăn.

Du lịch sinh thái ở miền Tây đang ngày càng thu hút khách từ các thành phố xuống. Ảnh: Hà Dịu

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra ý kiến vì ĐBSCL là vùng có nhiều đặc sản nên phải tạo điều kiện nhân rộng và phổ biến những đặc sản của vùng ra bên ngoài và xây dựng thành thương hiệu mạnh để nâng cao giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó thì cũng cần phát triển và phục hồi những ngành nghề truyền thống tại địa phương.

Cần phải nâng cao nhận thức của người dân nơi đây và tạo cho họ có ý thức vươn lên thoát nghèo. Muốn làm được vậy thì cần phải đầu tư phát triển giáo dục, không để tỉ lệ trẻ em thất học tăng cao. Khi có trình độ học thức nhất định những nếp nghĩ xưa cũ của người dân cũng sẽ thay đổi.

Đào tạo nghề cũng là một nội dung quan trọng giúp người dân vùng ĐBSCL thoát nghèo. Vì không có nghề nên đa số người dân ở đây đi làm thuê hoặc làm lao động phổ thông nên thu nhập không cao và rất bấp bênh. Có thể đưa lớp dạy nghề về tận địa phương hoặc mở những khóa huấn luyện ngắn ngày về kỹ thuật nông nghiệp để giúp người dân áp dụng nâng trong sản xuất nâng cao năng suất lao động.

Một trong những giải pháp cần thiết là tạo dựng một môi trường tốt cho vùng như xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư về đây mở rộng kinh doanh sản xuất tạo việc làm cho người nghèo tại địa phương.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn cũng là một cách tạo việc làm cho người dân ở đây. ĐBSCL vốn có tiềm năng du lịch nhưng hầu như chưa được khai thác triệt để. Khi du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều hoạt động phi nông nghiệp cũng sẽ phát triển giúp người nghèo không có đất nâng cao được thu nhập.

Ngoài ra, với những hộ nghèo không có đất sản xuất thì cần có giải pháp đưa họ ra khỏi vùng nông thôn bằng cách xuất khẩu lao động ra nước ngoài hoặc đưa họ lên các thành phố lớn kiếm việc làm. Đây cũng là một cách giảm tỉ lệ thất nghiệp tại các địa phương.

Mặc dù tiêu đề của hội thảo có nhắc đến giải pháp giúp đối tượng phụ nữ thoát nghèo nhưng hầu như trong báo cáo của Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn đã không đề cập nhiều đến đối tượng này. Có lẽ đó là cái chưa làm được theo đúng mục đích mà hội thảo này hướng tới.



Nguồn: www.vnn.vn
Báo cáo phân tích thị trường