Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp hậu WTO: Xuất hiện tư duy mới?
30 | 09 | 2007
Hiện tượng "nông dân không ruộng" đã manh nha trong vài năm trở lại đây và càng biểu hiện rõ rệt khi Việt Nam vừa vào WTO. Sự kiện trên khiến không ít người phân vân quan ngại giữa hai luồng tư duy ’’người cày có ruộng’’ và tích tụ ruộng đất, phân công lao động để sản xuất nông sản hàng hoá- một thế mạnh của Việt Nam trong sân chơi WTO.

Ông Vương Quốc Thới, Chủ tịch Hội Nông dân Tây Ninh cho NNVN biết, Hội vừa kết thúc cuộc điều tra sơ bộ tình trạng ''người cày không ruộng'' ở Tây Ninh. Theo đó, ngoại trừ những trường hợp khó khăn về cuộc sống sang nhượng đất nông nghiệp để trở thành ''nông dân không ruộng'' thì Tây Ninh có đến hơn 2.300 hộ nông dân cho người khác thuê đất, với diện tích hàng chục ngàn ha.

Ông Thới nói ''Có nhiều quan điểm khác nhau về hiện tượng này. Ví như suy nghĩ đã là nông dân thì phải có đất sản xuất. Không đất, đời sống nông dân sẽ ngày càng khó khăn hơn và ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề khác!''. Ở luồng tư duy này, nhiều cán bộ Tây Ninh trao đổi với PV cho rằng đây là những dấu hiệu "tổn thương'' đến nông nghiệp, nông thôn. Minh chứng điển hình có thể thấy ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu- Tây Ninh), gần 1/3 hộ dân của xã (khoảng 500/1.660 hộ dân) cho người khác thuê đất trồng mía với diện tích hơn 700 ha, chiếm tới 30% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sau khi cho thuê, chủ đất lại đi làm thuê ngay trên chính mảnh ruộng của mình! Sự tổn thương còn nặng nề hơn ở xã Long Phước (huyện Bến Cầu) khi có tới gần một nửa hộ dân toàn xã (178/357 hộ) không đất sản xuất vì sang nhượng cho người khác. Đa phần những hộ này sau đó phải làm thuê nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Nguyên nhân bởi do thiếu lao động, thiếu vốn, hoặc sản xuất không có hiệu quả, nên nông dân tự ý sang nhượng ruộng đất.

Tuy nhiên vẫn có những nông dân ''không ruộng'' làm thuê trên đất của chính mình hoặc chuyển nghề khác thu nhập lại cao hơn lúc trực tiếp sản xuất. Trong khi đó, nhiều người thuê đất đa phần có trình độ quản lý, thương mại hoặc KHKT ở nhiều địa phương khác đặc biệt ở TP.HCM khẳng định với PV họ sản xuất có hiệu quả. ''Không phải không làm giàu được từ nước phân cần giống đâu. Quan trọng là anh biết cách tổ chức, cách làm phù hợp thị trường. Còn anh sản xuất manh mún, không có vốn đầu tư cơ giới hoá, KHKT và có mối quan hệ để tiêu thụ thì làm sao có giá thành rẻ, chất lượng đồng đều để có lời được!", Ông N.V.T, một người thuê đất ở Tây Ninh nôi với PV. Tuy vậy vì có trình độ, ông T cũng phập phồng cho chuyện tích tụ ruộng đất!

''TỔN THƯƠNG'' HAY DẤU HIỆU SẢN XUẤT THỜI WTO?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Các ngành Sinh học Việt Nam và là chủ nhiệm Chương trình Tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân tỏ ra lo lắng cho thực trạng cả nước đang có tới 70 triệu thửa ruộng manh mún, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7 ha canh tác. Sản xuất manh mún, trình độ KHKT yếu thì làm sao mà sản xuất nông sản hàng hoá đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập đang xâm lấn thị trường ta. Còn GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang thì thẳng thắn ''Không tưởng tượng nổi một quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới lại do hàng chục triệu nông dân cá thể sản xuất trên hàng triệu mảnh đất manh mún, mỗi mảnh không quá 3 ha với hàng trăm giống lúa khác nhau!''.

Vì vậy, với dấu hiệu ở Tây Ninh, trước ý kiến quan ngại gọi đó là ''tổn thương thời WTO'', các nhà nghiên cứu lại cho rằng đó chính là quy luật tất yếu của sản xuất nông sản hàng hoá khi đã vào cái "chợ" toàn cầu. "Nhiều nghiên cứu kinh tế cho thấy, tình trạng nghèo đói tại khu vực nông thôn của các nước đang phát triển không phải do họ làm nông nghiệp, mà do có quá nhiều người cùng sản xuất trên một đơn vị diện tích nông nghiệp. Tuân theo quy luật lợi nhuận biên giảm dần, sự gia tăng liên tục lượng người sản xuất trên diện tích nông nghiệp giới hạn sẽ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên và là cái bẫy nghèo đói không thể thoát ra của khu vực nông thôn!'' - Ông Trần Đức Tụng (nguyên chuyên viên Bộ NN-PTNT, người nhiều năm theo sát diễn tiến phát triển nông nghiệp nông thôn ở ĐBSCL) phân tích với PV!

Từ thực tiễn, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc tư duy ''người cày có ruộng'' và ''hạn điền'' cần phải thích nghi trong điều kiện mới. Khác với sản xuất công nghiệp... sản xuất nông nghiệp có đặc thù riêng, phụ thuộc lớn vào môi trường, thời tiết, thời vụ, thuỷ lợi, giống. Không thể manh mún, kẻ làm trước người làm sau được mà phải đồng đều, nhịp nhàng. Sản xuất nông sản hàng hoá xuất khẩu được xem là ưu thế cần phát huy để giảm thiểu ''tổn thương'' trong sân chơi WTO. Tuy nhiên muốn sản xuất hàng hoá hoá thì không thể để 70 triệu mảnh ruộng rời rạc như hiện nay.

GIẢM ''TỔN THƯƠNG" CHO NÔNG DÂN ?

ÔNG TRẦN ĐỨC TỤNG: Xu hướng tích tụ đất đai để SX nông sản hàng hoá đồng đều chất lượng, mẫu mã và đảm bảo truy nguyên nguồn gốc nhằm giành thị phần trong "thị trường WTO" sẽ xảy ra. Và như vậy sẽ có một bộ phận không nhỏ nông dân không đất. Nhưng đó là sự vận động đúng quy luật. Vấn đề nằm ở chỗ ta nên chọn mô hình nào để giảm thiểu ''tổn thương" cho nông dân. Ở Đài Loan trước đây nông nghiệp cũng manh mún như ta. Tuy nhiên hiện nay 10-15 hộ nông dân góp đất vào với nhau lập Cty nông nghiệp nhỏ và vừa để hình thành vùng SX tập trung, đồng nhất khép kín các khâu từ SX, chế biến đến tiêu thụ. HĐQT sẽ phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp. Cách này không mang tiếng phải làm thuê trên đất mình mà làm chủ. Tôi cho rằng các nhà quản lý cũng nên tham khảo cách làm của Đài Loan, chưa vội ''đi xa" đến những mô hình ở các nước khác khi một nông hộ của họ có thể sở hữu hàng trăm ha SX chế biến khép kín.

GS. NGUYỄN LÂN DŨNG: Chúng ta chủ trương đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Từ nay đến đó chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, lao động trong nông nghiệp phải tụt xuống chỉ còn khoảng 23% (công nghiệp là 47%, và dịch vụ là 30 %), cơ cấu kinh tế chỉ còn 10% là thuộc về nông nghiệp (trong khi công nghiệp là 52% và dịch vụ là 38%). Làm thế nào để đạt tới các chỉ tiêu này? Đây là một bài toán khó. Vấn đề quan trọng là phải chuyển khoảng 50% lao động nông nghiệp hiện nay sang các ngành kinh tế khác và phải quy tụ ruộng đất lại để có thể cơ giới hóa các khâu canh tác và thu hoạch.



Báo cáo phân tích thị trường