Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Ðồng
22 | 07 | 2009
Nền nông nghiệp nước ta phát triển khá nhanh, với những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp hiện đại là công việc cấp thiết. Lâm Ðồng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước đưa vấn đề phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao vào chương trình hành động, sau năm năm, chương trình này đã thu được những kết quả đáng khích lệ...

Ðưa nông nghiệp có kỹ thuật về buôn...

Vào thời điểm hơn mười năm trước, không ai có thể hình dung Lộc Tân, một xã vùng sâu thuộc huyện Bảo Lâm (Lâm Ðồng), nằm trong diện Chương trình 135, nơi có hơn 5.000 dân, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ canh tác lạc hậu, lại có thể trở thành trung tâm sản xuất chè chất lượng cao của vùng phía nam Lâm Ðồng. Với ưu thế về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho cây chè và cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư của chính quyền huyện, chỉ trong một thời gian không dài, trên vùng đất nhỏ này đã có 13 nhà đầu tư (trong đó có bảy doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) theo chân nhau vào mở trang trại sản xuất, chủ yếu là trồng chè chất lượng cao có nguồn gốc từ Ðài Loan (Trung Quốc). Gần 100% sản lượng thu hoạch (khoảng 9.000 tấn chè búp tươi mỗi năm) của các doanh nghiệp đầu tư tại đây đều xuất khẩu sang thị trường Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và các quốc gia vùng Trung Ðông.

Quy trình sản xuất sản phẩm chè Ô Long xuất khẩu của các doanh nghiệp được kiểm định nghiêm ngặt, khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu sạch đến chế biến, đóng gói sản phẩm. Nhờ bảo đảm được uy tín trên thị trường nên chưa có một doanh nghiệp nào đang làm ăn tại đây gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Trên chính những diện tích đất canh tác manh mún, thậm chí là từng bị bỏ hoang trước đây, các doanh nghiệp tại Lộc Tân đã thu về một lượng ngoại tệ đến con số hàng chục triệu USD mỗi năm. Ðiều đáng ghi nhận là sự ăn nên làm ra của các doanh nghiệp đã tạo nên sức hút lao động rất lớn, giải quyết việc làm thường xuyên, tại chỗ cho người dân địa phương. Ðồng thời, từ việc đi làm công trong các trang trại chè Ô Long của các doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân ở Lộc Tân và các xã lân cận đã tiếp cận được kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống chè quý và áp dụng thành công ở vườn gia đình.

Mô hình Lộc Tân chỉ là một trong những điển hình được ghi nhận trong quá trình triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, một trong những chương trình trọng điểm của Lâm Ðồng. Ở tỉnh miền núi này, sản xuất nông nghiệp kiểu mới đã có sức lan tỏa rộng, từ thành phố Ðà Lạt đến thị xã Bảo Lộc, từ Di Linh, Ðơn Dương, Ðức Trọng đến Lạc Dương. Thí dụ, huyện Lạc Dương, nơi có 4.765 ha đất nông nghiệp với số dân 18.990 người, trong đó 82% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, Lạc Dương được đánh giá là huyện nghèo nhất tỉnh. Từ năm 2004 về trước, nền sản xuất nông nghiệp của huyện hết sức lạc hậu, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, quảng canh, giá trị sản xuất chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/năm và rất nhiều đất đai hoang hóa do đồng bào thiếu vốn, kỹ thuật canh tác và thói quen dựa vào tự nhiên mà sống qua ngày. Từ sau khi triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, các nhà đầu tư và nông dân trong huyện đã chuyển đổi căn bản cơ cấu, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư công nghệ mới vào quy trình sản xuất. Ðến giữa năm 2009, diện tích canh tác cây rau trên địa bàn toàn huyện là hơn 810 ha, cùng với gần 100 ha hoa các loại. Trong đó, diện tích rau, hoa trồng trong nhà lưới, nhà kính khoảng 130 ha; diện tích rau, hoa được tưới tự động và bán tự động khoảng 585 ha. Năng suất và giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khá cao, trong đó cây rau đạt khoảng 24,5 tấn/ha, tăng 22% so với năm 2004. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của huyện miền núi nghèo Lạc Dương cho đến nay đã đạt khoảng 45 triệu đồng/ha, khá cao so với nhiều địa phương thuần nông trong nước...

Hướng đi đúng tạo sự thay đổi lớn

Lâm Ðồng là một tỉnh mà nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế. Có thể nói, thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất này thích hợp cho việc phát triển các cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, thực hiện mùa vụ đa dạng, cho năng suất và chất lượng cao. Sản phẩm nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến và các hoạt động dịch vụ. Lâm Ðồng có tám nhóm đất khác nhau, thổ nhưỡng khá màu mỡ, trong đó có 200 nghìn ha đất ba-dan phân bố tập trung tại cao nguyên Bảo Lộc, Di Linh, rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Cây cà-phê có tốc độ phát triển nhanh, đến nay có hơn 140 nghìn ha, sản lượng cà-phê nhân đạt hơn 140 nghìn tấn/năm và triển vọng lên đến 250 nghìn tấn. Lâm Ðồng cũng là vùng duy nhất ở các tỉnh phía nam thích hợp với sự phát triển của cây chè; diện tích khoảng 21.800 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 89.000 tấn, triển vọng phát triển tới 25 nghìn ha, sản lượng 200 nghìn tấn. Khí hậu Lâm Ðồng, đặc biệt là vùng Bảo Lộc, rất thích hợp cho việc nuôi tằm lưỡng hệ quanh năm và ngành này hiện cũng đang phát triển với diện tích dâu hiện có 4.250 ha, sản lượng kén 2.200 tấn; triển vọng phát triển lên 6.000 ha với sản lượng 4.500-4.800 tấn kén. Diện tích rau, hoa có 13.000 ha, chủ yếu tập trung tại Ðà Lạt, Ðơn Dương và Ðức Trọng. Rau, hoa Lâm Ðồng đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loại có giá trị cao. Ở địa bàn này cũng có một số loại trái cây đặc sản, diện tích 5.500 ha, sản lượng ước đạt 17 nghìn đến 20 nghìn tấn, trong đó có một số trái cây có giá trị cao như chuối laba, bơ, hồng, dâu tây... Bên cạnh đó, với lợi thế về khí hậu, địa phương có tiềm năng về chăn nuôi bò sữa và một tiềm năng mới được khai thác là nuôi cá nước lạnh...

Năm 2004 là thời điểm Lâm Ðồng chính thức triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết đại hội Ðảng bộ tỉnh nhấn mạnh, đó là một trong sáu chương trình trọng điểm (sau đó bổ sung thành chín chương trình trọng điểm). Qua năm năm triển khai, các doanh nghiệp, chủ trang trại và nhất là rất nhiều nông dân Lâm Ðồng đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Ðến giữa năm 2009, đã có 3.300 ha đất nông nghiệp ở Lâm Ðồng được canh tác bằng công nghệ mới, trong đó có gần 2.000 ha ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, hơn 1.200 ha sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Các giống cây trồng, vật nuôi mới không ngừng được thử nghiệm và sản xuất thành công. Qua đó, có những mô hình sản xuất rau, hoa đã đạt doanh thu cao chưa từng có, từ 500 triệu đến một tỷ đồng/ha; chè chất lượng cao đạt từ 160 đến 250 triệu đồng/ha; ớt ngọt đạt một tỷ đồng/ha/vụ; cá nước lạnh đạt doanh thu từ 4 đến 5 tỷ đồng/ha/năm; sản lượng sữa bò tươi tăng từ 2.100 tấn năm 2003 lên hơn 7.500 tấn năm 2008...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Hoàng Sỹ Sơn, cho biết: "Trong năm năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như công tác quy hoạch, cải tạo giống, xây dựng các mô hình, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân, nhất là các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 300 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 160 nghìn ha, tức là đã chiếm tới 50% diện tích, đạt doanh thu hơn 50 triệu đồng/ha/năm..."

Thành tích nói trên đã tạo ra sự thay đổi lớn trong tư duy làm nông nghiệp của người dân địa phương. Cũng ở Lạc Dương, ngoài diện tích canh tác của nông dân trong huyện, tỉnh đã quy hoạch một khu nông nghiệp công nghệ cao mang tính kiểu mẫu, với diện tích 388 ha và giao cho chính UBND huyện này quản lý. Hiện nay đã có 14 nhà đầu tư đăng ký hoặc đã trực tiếp sản xuất - kinh doanh tại khu quy hoạch này với tổng vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng. Sự có mặt của khu quy hoạch tập trung này đã trở thành nhân tố kích thích cho việc thu hút đầu tư vào huyện nghèo Lạc Dương. Trước đây, ít có nhà đầu tư nào biết đến vùng đất xa xôi này, nhưng đến nay, ngoài khu nông nghiệp công nghệ cao, trên địa bàn huyện có 22 dự án với hơn 500 tỷ đồng vốn đầu tư trồng rau, hoa, và đặc biệt là nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm Nga) - một thế mạnh mới được phát hiện. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao tạo sự thay đổi về nhận thức và tư duy của người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện này. Ở Lạc Dương đã có nhiều hộ đồng bào Cơ Ho trồng hoa trong nhà kính để xuất khẩu với hệ thống tưới nước tự động. Người nông dân không chỉ "suy nghĩ" trên luống cày của mình, họ đã mở rộng tầm mắt ra thị trường thế giới.            

Với việc triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Ðồng đã tạo nên những đột phá mới, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, khai thác và phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sự đột phá cụ thể mà nó mang lại bắt đầu từ thay đổi phương thức quản lý sản xuất, tiếp đến là những tác động về mặt kỹ thuật, về hiệu quả sản xuất, thu hút đầu tư, sức hấp dẫn và sự lan tỏa của các mô hình. Tiếp nối những thành công bước đầu, Lâm Ðồng đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ nâng diện tích rau, hoa, dâu tây ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lên 3.500 ha, chè chất lượng cao là 4.200 ha, tăng quy mô bò thịt chất lượng cao chiếm 10% tổng đàn, tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh; nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt bình quân từ 50 triệu đồng/năm trở lên, trong đó 15 nghìn ha đạt doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên...

Tuy nhiên, con đường đi phía trước vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại. Ðó là sự thách thức của quá trình hội nhập WTO mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân chưa thích ứng kịp theo yêu cầu của các hiệp định thương mại. Ðó là sự gia tăng nhanh chóng của giá cả vật tư đầu vào, ảnh hưởng quá trình đầu tư và tái đầu tư. Ðó là sự khó khăn về vốn của địa phương trong việc triển khai quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, và đối với doanh nghiệp và nông dân là chưa có một cơ chế phù hợp về tín dụng để hỗ trợ đầu tư. Bên cạnh đó, chưa có những cuộc "bắt tay" thật sự giữa doanh nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu hay vấn đề tay nghề của nguồn nhân lực...



Theo ND
Báo cáo phân tích thị trường