Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nét mới Bảo Lâm
11 | 07 | 2007
Cao nguyên đang vào mùa khô, tiết trời thật đẹp. Con đường nhựa phẳng lỳ thẳng tắp tới tận buôn làng xa. Bát ngát rừng nguyên sinh. Xanh ngút mắt những nương chè giống mới và cà-phê vừa qua mùa thu hoạch. Bảo Lâm - huyện vùng sâu, chiến khu cách mạng ngày nào của tỉnh Lâm Ðồng nay không còn là địa bàn xa cách nữa...
Mỗi lần nhắc đến những địa danh thuộc vùng đất Bảo Lâm ngày nay là mọi người lại hồi tưởng về những năm tháng oai hùng của một thuở chiến tranh giữ nước. Ở nơi xa xôi ấy, dưới những cánh rừng cổ sinh là những làng, buôn, không gian sinh tồn ngàn đời của đồng bào Cơ Ho, Châu Mạ. Họ là những cư dân ở rừng, có khí phách hiên ngang như núi và tâm hồn phóng khoáng, hồn nhiên như rừng.

Họ yêu tha thiết suối đồi, nương rẫy, mái nhà sàn bình yên, người thân và cộng đồng. Giặc đến đốt phá làng, buôn. Mang theo lòng căm thù và ngọn lửa nhiệt tình, đồng bào Châu Mạ, Cơ Ho một lòng đi theo Ðảng, đoàn kết giữ lấy giang sơn. Những người lãnh đạo phong trào cách mạng của Khu 6, của chiến trường Lâm Ðồng - Tuyên Ðức ngày nào mãi mãi khắc sâu những năm tháng "nếm mật nằm gai" gây dựng và phát triển lực lượng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà hạt nhân bắt đầu từ chiến khu Lộc Lâm, Lộc Bắc thuộc Bảo Lâm hôm nay.

Các chiến sĩ quân chủ lực hay bộ đội địa phương cũng nhớ như in một thời sẻ chia với đồng bào từng củ nâu, củ chụp, lá bép, măng rừng và cùng góp sức lực, máu xương làm nên những chiến công oanh liệt...

Ngày xưa ấy chưa lùi về dĩ vãng mà giai đoạn gian khổ, khó khăn sau ngày nước nhà thống nhất cũng chưa xa. Sau năm 1975 cho đến ngày đầu thành lập huyện mới, nhắc đến vùng sâu này, người ta vẫn hình dung về một địa bàn cư dân đầy gian khó.

Ở nơi đó có những người đàn ông quanh năm suốt tháng đóng khố, cởi trần, những người đàn bà ủ rũ, teo tóp, những đứa trẻ bủng beo, vàng vọt. Họ sống cuộc đời bần hàn, dưới những nếp nhà sàn ẩm ướt, cheo leo bên sườn núi vắng. Ðã có một thời như vậy nhưng thời ấy giờ đây đã qua rồi...

Năm 1994, huyện Bảo Lâm được thành lập trên cơ sở huyện Bảo Lộc được nâng cấp lên thành thị xã.

Bảo Lâm là một phần diện tích và dân cư tách ra từ Bảo Lộc cũ với mười xã và một thị trấn, trong đó đã có tới bốn xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Vũ Văn Thả, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm khóa đầu tiên, khái quát lại rằng: "Thời điểm thành lập huyện, có 62 nghìn dân. Ðịa hình của huyện đa dạng, với nét đặc thù là nhiều rừng núi, phân tán và chia cắt. Kết cấu hạ tầng gần như chưa có gì: không có điện; giao thông chủ yếu là đường đất; trường học và trạm y tế nơi có, nơi không. Ðồng bào các dân tộc địa phương trải qua hai cuộc kháng chiến vẫn một lòng kiên trung với Ðảng, nhưng đời sống rất khó khăn, trình độ dân trí thấp. Nhân dân từ mọi miền trong nước tụ về cũng phần lớn là dân nghèo đi tìm đất mưu sinh, vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm sản xuất...".

Từ việc đánh giá chính xác thực tiễn, ngay từ ngày đầu thành lập, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã chọn được hướng đi phù hợp hoàn cảnh địa phương. Ðó là: Tập trung mọi nguồn lực cho nông nghiệp, trong đó, mỗi gia đình phải có được một mảnh vườn trồng cây công nghiệp, với cây chè là chính. Ðối với đồng bào dân tộc thiểu số, vừa giúp họ làm quen với cây công nghiệp, xóa bỏ dần kinh tế tự cung tự cấp nhưng vẫn phải chủ động cái ăn. Có nghĩa là vừa lập ra cái vườn mới tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa nhưng chưa thể bỏ ngay cái nương, cái rẫy đang trồng lúa...

 Ðến với Bảo Lâm và chứng kiến cuộc sống đổi thay của người dân ở huyện mới này, mới thấy được kết quả thật sự của những quyết định đúng đắn vào buổi ban đầu ấy. Ðời sống các vùng dân cư trong huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đã thật sự khởi sắc và một trong những nhân tố quan trọng làm nên sự khởi sắc ấy chính là những mảnh vườn trồng cây công nghiệp của họ.

Ở xã vùng sâu Lộc Bắc, già làng K'Noi, người Châu Mạ, nói rằng: "Ngày xưa đói lắm, năm nào cũng thiếu cái ăn mấy tháng, phải vào rừng đào củ. Nay thì khác, cuộc sống đã khá rồi. Gia đình già có gần hai ha chè, một nửa trong đó là chè giống mới, cùng với gần một ha ruộng trồng lúa nước. Thu nhập hằng năm cả chục triệu đồng. Nhà nước lại vừa xây cho cái nhà kiên cố. Bây giờ không phải lo nhiều nữa". Hoàn cảnh đổi thay trong đời sống gia đình già K'Noi cũng là hoàn cảnh chung của số đông đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên quê hương Bảo Lâm.

 Từ bước đầu làm quen với kinh tế vườn hộ, đến nay toàn huyện đã có 39 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 25 nghìn ha cà-phê, 12 nghìn ha chè thương phẩm. Trung bình, mỗi hộ dân ở huyện mới này có một ha vườn. Bên cạnh đó là phát triển chăn nuôi, kinh tế rừng và nhiều ngành nghề khác. Ðó chính là cái nền cho sự bảo đảm ổn định cuộc sống và giúp họ tiếp cận dần sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghệ cao.    

Có thời kỳ, tỉnh Lâm Ðồng xác định Bảo Lâm là vùng sản xuất nông sản nguyên liệu. Vì vậy, sản phẩm của nông dân làm ra gần như phó mặc vào sự may rủi từng mùa. Giá chè búp tươi có lúc rất rẻ vì thu hoạch xong, nhà máy quốc doanh không thu mua được hết, đường sá vận chuyển khó khăn, lại bị tư thương ép giá.

Trước hoàn cảnh này, huyện chủ động xin tỉnh đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tại chỗ và lập trạm thu mua đến tận thôn buôn. Ngay sau đó, thêm một nhà máy chè được xây dựng ngay tại vùng nguyên liệu là xã vùng sâu Lộc Bắc. Cơ sở sơ chế chè và cà-phê mọc lên nhiều nơi. Cũng là thời điểm mà tỉnh Lâm Ðồng áp dụng việc trợ giá, trợ cước, vận chuyển nông sản. Từ đó, Bảo Lâm cũng như nhiều vùng khác giải quyết được phần nào ách tắc đầu ra sản phẩm nông sản. Người nông dân ở huyện chuyên canh cây công nghiệp này có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và hướng tới làm giàu.

 

Sửa chữa đường vào

vùng sâu Bảo Lâm.

Chỉ mới hơn mười năm, kể từ ngày thành lập huyện mới, nhưng Bảo Lâm hôm nay đã mang trên mình một gương mặt khác. Cùng với nền kinh tế - xã hội tăng trưởng, đời sống dân cư khởi sắc thì sự phát triển nhanh của hệ thống hạ tầng là điều thể hiện rõ nhất về sự đổi thay. Ðường nhựa đã nối liền trung tâm đến với tất cả các vùng sâu, vùng xa nhất trong huyện. Nhiều công trình thủy lợi mới được hoàn thành cùng với hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình nước sạch, trạm truyền thanh, nhà văn hóa và sinh hoạt cộng đồng. Một Bảo Lâm phồn vinh trong tương lai đã bắt đầu hiện rõ dần dáng nét từ ngày hôm nay. Trên bản đồ phát triển của địa phương không chỉ là những vùng xanh đậm của rừng, xanh nhạt của vườn chè, cà-phê, ruộng lúa mà bắt đầu mọc lên những ô nâu, ô đỏ của các công trình công nghiệp có quy mô lớn. Tại Bảo Lâm, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã bắt đầu triển khai dự án Tổ hợp bôxít-nhôm lớn nhất nước. Các nhà máy thủy điện quốc gia như Ðồng Nai 3, Ðồng Nai 4, Ðồng Nai 5, Ðạmry 1, Bảo Lộc đều đã đến Bảo Lâm. Hai cụm công nghiệp địa phương được quy hoạch đã hình thành rõ nét và đang phát triển khá nhanh là Lộc An và Lộc Thắng. Cụm sản xuất nông - công nghiệp Lộc Tân lúc đầu ra đời tự phát nhưng nay đã trở thành một điểm sáng của mô hình "công nghiệp về làng".

Nhiều doanh nghiệp có tiếng trong và ngoài nước đã tìm đến vùng đất này và Bảo Lâm đã trở thành đất hứa cho các nhà đầu tư. Lãnh đạo huyện giới thiệu với chúng tôi những tiềm năng, thế mạnh, những dự định, kế hoạch và các giải pháp nhằm đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn 2006 -2010. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy và chính quyền Bảo Lâm trong thời gian tới là hết sức nặng nề, khi phải phấn đấu hoàn thành năm chương trình trọng tâm và chín công trình trọng điểm mà đại hội đảng bộ huyện đề ra. Gương mặt mới hứa hẹn sự phồn vinh của vùng đất Bảo Lâm đang hiện dần lên trên những đường nét quy hoạch, trên cây thước chỉ bản đồ của người lãnh đạo và cả niềm hy vọng trong câu chuyện của những người dân chúng tôi gặp trên đường...



(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường