Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sở hữu trí tuệ địa danh cho hàng nông sản: Cần sức mạnh “đồng tâm, hợp lực”
21 | 07 | 2008
Bảo hộ sở hữu trí tuệ địa danh có một ý nghĩa quan trọng với các mặt hàng nông, lâm sản. Điều này xuất phát từ đặc điểm mặt hàng này đòi hỏi diện tích sản xuất trên quy mô rộng lớn, gắn liền với các điều kiện về địa lý của nơi sản xuất và xuất phát từ những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên và truyền thống sản xuất của đất nước. Mặc dù Việt Nam có lợi thế là nước nông nghiệp với nhiều địa danh nổi tiếng nhưng nhiều DN lại chưa ý thức được việc sở hữu trí tuệ địa danh cho sản phẩm nông sản của mình.

Rất nhiều sản phẩm nông, lâm sản trên thị trường hiện nay đều gắn liền với những địa danh nổi tiếng. DN sản xuất thường lấy tên chính quê hương của sản phẩm đó để làm nhãn hiệu sản phẩm vừa như nét đặc thù của sản phẩm nhưng cũng là niềm tự hào của địa danh, chẳng hạn như: mận hậu Bắc Hà, gạo tám Điện Biên, nhãn lồng Hưng Yên, mơ chùa Hương, sầu riêng Cái Mơn…Nhiều sản phẩm cũng đã nổi tiếng ở thị trường nước ngoài và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, Thanh Long Bình Thuận, chè Tân Cương, bưởi đoan Hùng, vải thiều Thanh Hà…

DN đăng ký nhãn hiệu nông sản còn ít

Một chuyên gia về nông sản cho biết, ở Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, nhưng chủ yếu dưới dạng thô, còn trên 90% lượng hàng xuất ra thế giới phải thông qua trung gian, “đội lốt” nhãn hiệu hàng hoá nước ngoài. Các mặt hàng nông sản, các loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam XK ra nước ngoài nhưng lại ít được người tiêu dùng thế giới biết có xuất xứ từ Việt Nam.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, ngay cả ở những mặt hàng nông sản XK nổi tiếng của Việt Nam như cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều…hầu như cũng chưa có thương hiệu riêng cho mình. Rất nhiều sản phấm ở nhiều địa danh nổi tiếng như: cà phê Arabica Sơn la, Cà phê Dakmil, cà phê Đức Lập, cà phê Buôn Mê Thuột…lại chưa có thương hiệu riêng cho mình trên thị trường thế giới. Theo thống kê, hiện mới chỉ có 1/15 địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó là Buôn Mê Thuột cho sản phẩm cà phê, 1 nhãn hiệu tập thể được cấp văn bằng bảo hộ là Chư Sê cho hồ tiêu và một nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thế là Tiên Phước cho sản phẩm hồ tiêu.Còn lại đa số các sản phẩm vẫn chưa có  thương hiệu riêng cho mình

Thời gian gần đây các DN đã ý thức được việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho hàng nông sản, song số lượng các DN đăng ký nhãn hiệu với nước ngoài còn ít. Nhiều loại nông sản mang tính bản địa, đặc sản của từng địa phương chưa được chú ý đến. Thậm chí rất ít cán bộ quản lý chú trọng đến công tác này. Hầu hết những hiểu biết về đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của các DN mới dừng lại là để chống hàng giả. Mặt khác,  nhận thức của cộng đồng các nhà sản xuất thấp, không đồng tâm, hợp lực để cùng xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý cho đặc sản của địa phương mình.

Bảo hộ dưới hình thức nào?

Theo ông Lưu Đức Thanh - Cục sở hữu trí tuệ , đứng ở góc độ quản lý Nhà nước có thể thấy rằng truớc hết cần phải xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam cho các mặt hàng nông sản, các sản phẩm phải gắn với địa danh có điều kiện đặc trưng của vùng sản xuất, đồng thời khuyến khích DN, nhà sản xuất có sự đầu tư thích đáng đối với việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu riêng của DN mình.

Một vấn đề đặt ra ở đây là cần quản lý việc sử dụng các địa danh này như thế nào và cần phải làm gì để duy trì, bảo vệ loại hình tài sản này. Địa danh đuợc sử dụng cho các sản phẩm của địa phương được coi là một đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp, và có thể lựa chọn một trong các hình thức bảo hộ: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ông cũng khuyên các địa phương cần cân nhắc kỹ để lựa chọn hình thức xác lập quyền cho sản phẩm mang tên địa danh của địa phuơng mình. Nếu sản phấm đã có danh tiếng trên thị trường và các các tính chất chất lượng đặc thù được quyết định bởi điều kiện địa lý, địa phương có thể bảo hộ địa danh theo hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Đối với các sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ theo hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì có thể lựa chọn hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.

Tuy nhiên, theo ông Thanh trong tất cả các hoạt động nói trên thì vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương có các sản phẩm mang tên địa danh rất quan trọng. Địa phương cần phải có một chính sách tổng thể trong việc phát triển ngành hang nông sản đó, trong đó bao gồm cả kế hoạch về mặt xây dựng, phát trỉen, bảo vệ tài sản trí tuệ  của địa phương mình.

Ngoài ra, địa phương cũng cần chủ động trong việc xác lập quyền đối với địa danh dùng cho các sản phẩm, đồng thời có kế hoạch quản lý việc sử dụng địa danh đó. Đối với chỉ dẫn địa lý, địa phương có thể trực tiếp quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý sau khi đã được đăng bạ có thể trao quyền cho tổ chức khác…Đối vói nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, địa phương cần hỗ trợ việc thành lập Hiệp hội sản xuất, hỗ trợ họ trong việc đăng ký bảo hộ địa danh theo các hình thức trên.

 



Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử
Báo cáo phân tích thị trường