Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ từ biến động đất lúa
16 | 07 | 2008
Mất an ninh lương thực quốc gia có thể xảy ra nếu mức độ trưng dụng và chuyển đổi đất lúa diễn ra ồ ạt. Đây là nguy cơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nêu ra trong báo cáo số 1941BC/BNN-KH trình Chính phủ.
Chuyển mục đích đất lúa trên 50 ngàn héc ta/năm

Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2007, diện tích đất trồng lúa đã giảm 361.935 héc ta (bình quân mỗi năm giảm gần 51.705 héc ta). Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng giảm 52.047 héc ta, đồng bằng sông Cửu Long giảm 205.366 héc ta. Như vậy, tính riêng tại hai vựa lúa lớn nhất cả nước, diện tích đất trồng lúa đã giảm 257.413 héc ta, chiếm 71,1% diện tích đất lúa bị giảm.

Tính riêng trong năm năm, từ 2000 đến 2005, diện tích đất lúa chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thu tiền là 40.700 héc ta, làm cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 24.700 héc ta, chuyển sang làm đất ở 33.000 héc ta ở nông thôn và đô thị, và 220.000 héc ta chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, với diện tích đất trồng lúa bị mất đi mỗi năm lên đến 51.705 héc ta đã làm thâm hụt sản lượng thóc trên 400-500 ngàn tấn/năm và làm ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của ít nhất 100 ngàn hộ nông dân mỗi năm

Năm 2007, dân số Việt Nam đã đạt 85,2 triệu người, dự báo đến năm 2010, 2015, 2020, 2035 lần lượt đạt tới các con số 88,5 triệu, 93,6 triệu, 98,6 triệu và 130 triệu người

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của 130 triệu dân vào năm 2035 thì phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Để đạt được sản lượng thóc này cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu héc ta đất chuyên lúa hai vụ để có 6 triệu héc ta gieo trồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ của một số bộ, ngành như Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương thì nhu cầu trưng dụng đất rất lớn. Với mức độ trưng dụng và chuyển đổi đất lúa như giai đoạn 7 năm vừa qua (bình quân 51.705 héc ta/năm) thì tới năm 2020 quỹ đất lúa chỉ còn lại 3,4 triệu héc ta. Ngay cả tính đến phương án "tận dụng" là khai thác thêm 100 ngàn héc ta đất nhờ đầu tư thủy lợi vào vùng ĐBSCL và một số vùng khác thì quỹ đất lúa cũng chỉ đạt đến con số 3,5 triệu héc ta.

Và nguy cơ từ biến đổi khí hậu

Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lâu dài nguy cơ giảm diện tích đất trồng lúa tại vùng ĐBSCL và một số vùng đồng bằng ven biển rất cao khi phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng. Bộ cho biết chỉ cần nước biển dâng lên thêm 1 mét thì sẽ có tới 70-80% diện tích đất bị ngập mặn. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ đất rất khó khăn do vừa phải đối phó với nước biển dâng, vừa phải đối phó với nước lũ sông Mê Kông. Đó là chưa kể đến các yếu tố khác khó lường như hạn hán, bão, dịch bệnh.

Mặc dù đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có phương án quy hoạch sử dụng đất chính thức đến năm 2020 của cả nước. Nhưng nhìn vào nhu cầu trưng dụng đất của các bộ, ngành cùng với việc nếu không có các phương án xử lý dự phòng, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia hoàn toàn có thể xảy ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Phương án tối ưu được bộ này đề xuất lên Chính phủ nhằm phòng tránh nguy cơ đất lúa bị xâm hại nghiêm trọng là hạn chế đến tối đa việc trưng dụng đất lúa cho các mục đích phi nông nghiệp.

Các địa phương phải hạn chế tối thiểu cấp đất xây dựng khu công nghiệp trên vùng đất lúa. Nhà nước phải có chính sách ưu đãi đối với các địa phương có đất lúa nhằm hạn chế việc bán, cấp đất lúa cho các mục đích phi nông nghiệp.



Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường