Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giữ gìn an ninh lương thực: Ổn định đất trồng lúa
26 | 06 | 2008
Lúa là loại cây lương thực quan trọng của Việt Nam. Việc bảo vệ và phát triển diện tích trồng lúa chính là cơ sở để đảm bảo an toàn lương thực bền vững và thực hiện các mục tiêu xây dựng đất nước.
Trong nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khai hoang, lấn biển, mở rộng diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa ở những nơi có điều kiện như vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên... Ở nhiều địa phương, nhân dân đã cố gắng thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng năng suất lúa, tăng sản lượng lương thực. Từ khi Luật Đất đai ra đời, một số địa phương đã quan tâm chỉ đạo, quản lý quỹ đất nông nghiệp có giá trị cao, và đặc biệt là diện tích trồng lúa nước, hạn chế việc chuyển quỹ đất này sang sử dụng vào các mục đích khác không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, việc đổi mới cơ chế quản lý và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã góp phần ổn định và phát triển sản lượng lương thực đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Năm 1989, lần đầu tiên nước ta xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 310 triệu USD. Mười năm sau, năm 1999, Việt Nam xuất khẩu 4,5 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo đạt 12%/năm. Hiện nay, năng suất bình quân của cả nước đạt khoảng 9-10 tấn, còn có thể nâng lên 11-12 tấn/ha/năm là khả thi. Tuy nhiên, mức sản lượng này chỉ có thể đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 100 triệu dân. Nếu dân số tiếp tục gia tăng, đi kèm với diện tích đất trồng lúa giảm xuống thì chắc chắn sẽ xảy ra nguy cơ mất cân đối an ninh lương thực. Để đảm bảo ngưỡng an toàn thì diện tích đất trồng lúa của cả nước cần được giữ như hiện nay.

Quỹ đất trồng lúa ngày càng thu hẹp

Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 cho thấy, tổng diện tích trồng lúa của cả nước là 4.165.277 ha, trong đó khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long xấp xỉ 2 triệu ha và Đồng bằng Sông Hồng là 631.416 ha. Giai đoạn 2001-2005, tổng diện tích nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là trên 366.000 ha (lớn hơn tổng diện tích đất tự nhiên của Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên và Bắc Ninh), chiếm xấp xỉ 4% tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng. Đáng chú ý là diện tích trồng lúa nước của chúng ta giảm 234.110 ha so với năm 2000, trong khi đó, diện tích chuyển sang trồng lúa chỉ là 185.210 ha do phát triển thuỷ lợi. Dự báo đến năm 2010, đất trồng lúa nước sẽ tiếp tục giảm thêm 172.360ha.

Điều đáng nói là những khu công nghiệp, khu đô thị tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam đa phần đều sử dụng quỹ đất "bờ xôi, ruộng mật", chuyên trồng lúa. Lợi ích thu được từ các KCN là không nhỏ, nhưng nhìn tổng thể, thực tế người dân các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào vốn mất nhiều đất lúa xây nhà máy, không khá hơn so với nông dân huyện Văn Giang, một địa phương cơ bản thuần nông và kinh doanh nhỏ, nằm sát Hà Nội nhưng chưa chuyển đổi đất vào mục đích phi nông nghiệp. Không chỉ riêng Hưng Yên mà tất cả các tỉnh đồng bằng Sông Hồng đều đang phải đối mặt với bài toán mất đất lúa cho KCN hoặc xây cơ sở hạ tầng. Dự kiến đường 5 cao tốc khi hoàn thành vào năm 2011, chắc chắn diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp không nhỏ.

Ở phía Nam, Long An, một địa phương sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, chỉ trong hai năm trở lại đây cũng chấp thuận cho đầu tư 13 dự án sân golf, đồng thời tiếp nhận hồ sơ 5 sân golf khác với diện tích sử dụng trên 10.000ha.

Một thực tế khác là trong khi hàng chục nghìn nông dân mất tư liệu sản xuất thì ngược lại có nhiều KCN quy hoạch treo, chưa biết đến bao giờ mới được đầu tư xây dựng. Một khảo sát mới đây tại 4 tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên, có đến 50% diện tích đất đã giải phóng mặt bằng là "quy hoạch treo".

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy nhanh nhưng nước ta vẫn có khoảng 75% dân số làm nông nghiệp. Tại nhiều địa phương, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân đất sản xuất bị thu hẹp, lực lượng lao động có xu hướng đi làm ăn xa ngày càng gia tăng. Các gia đình nông thôn chỉ còn lại ông bà và trẻ con đã trở thành phổ biến. Số lao động dôi dư ngày càng nhiều, kể cả những tỉnh có nhiều KCN. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp trong năm năm vừa qua đã tác động không nhỏ tới đời sống của 2,5 triệu người, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

Đất lúa: thiếu quy hoạch

Để có được những cánh đồng lúa nước hai vụ với năng suất 10 tấn/ha/năm phải qua quá trình diễn biến tự nhiên cùng với công sức của nhiều thế hệ nông dân. Ngày nay, kỹ thuật mới có thể tạo ra hàng chục vạn hecta đất mới để trồng trọt, song phần lớn là những vùng đất bấp bênh khi khí hậu thay đổi, dễ xói mòn, bạc màu và điều quan trọng là những dinh dưỡng trong sản phẩm không cao bằng sản phẩm ở những cánh đồng lúa thâm canh nhiều đời. Diện tích đất canh tác của ta hiện nay vào diện thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0,12ha/người trong khi của Thái Lan là 0,3ha/người). Mặt khác, đất trồng lúa không phải chỗ nào cũng làm được, hàng nghìn năm mới hình thành sinh thái đất lúa và một khi đã bị bê tông hoá sẽ không còn cơ hội quay lại sản xuất nông nghiệp. Do vậy, bằng mọi giá phải giữ lại 3,8 đến 4 triệu ha đất lúa và coi đó là vùng bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện lại đang thiếu bản quy hoạch cụ thể về đất nông nghiệp. Các địa phương, trên cơ sở cân nhắc thận trọng khi sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước, rất cần xử lý các dự án quy hoạch treo. Dự án nào nhất thiết phải lấy sang đất nông nghiệp thì chỉ lấy ở mức tối thiểu và ở những phần đất cằn cỗi, không phù hợp với trồng lúa.

Trồng lúa không chỉ là một ngành kinh tế thuần tuý mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề an ninh lương thực và an sinh xã hội. Nhà nước cần có biện pháp giữ đất lúa bằng chính sách chứ không chỉ quy định cho nông dân phải trồng lúa.

Thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ theo hướng hết sức tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên và kiểm soát chặt đầu tư công, giảm dần bội chi ngân sách. Thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2008 vượt dự toán tối thiểu 5% để bảo đảm các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán. Dành toàn bộ các khoản thu vượt để bổ sung dự phòng ngân sách, ưu tiên chi cho việc phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bù giá xăng dầu, bảo đảm an sinh xã hội.



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường