Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Thiên thời, địa lợi” cho nông sản thực phẩm chế biến
25 | 06 | 2008
Nhìn vào cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2008 cho thấy, nông lâm nghiệp tiếp tục là lĩnh vực chưa được khơi thông. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm lại đang tỏ ra có sức hút lớn.
Năm tháng đầu năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 6 tỉ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2007. Bên cạnh nguyên nhân giá trị sản xuất ngành nông lâm thuỷ sản đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2007, một nguyên nhân quan trọng hơn làm giá trị thương mại nông sản tăng là nhờ thuận lợi về giá xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thế giới tăng mạnh. Mặc dù vậy, ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thô có thể biến cơ hội này thành lợi nhuận.

Số dự án đầu tư nước ngoài theo lĩnh vực đầu tư, 5 tháng đầu năm 2008



Nguồn: Tổng Cục Thống kê


Trong 5 tháng đầu năm gạo là yếu tố chính tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản, tổng lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước 2,27 triệu tấn, kim ngạch 1,15 tỉ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 22% về lượng và gấp 2 lần về giá trị. Đặc biệt, gạo là mặt hàng có mức tăng giá cao nhất, giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 508 USD/T, tăng 193 USD/T, tăng 61% so cùng kỳ. Tính trong 5 tháng đầu năm 2008, Việt Nam vẫn đứng vững vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu. Theo dự báo của Tổ chức lương thực Thế giới (FAO), trong điều kiện thời tiết diễn ra bình thường, thì sản lượng gạo thế giới năm 2008 dự báo tăng trưởng 1,8%, tức là tăng thêm khoảng 12 triệu tấn so với năm 2007, sản lượng lúa tăng trưởng khoảng 1% và sẽ đạt gần 650 triệu tấn. Ngày 12/5/2008, dự báo mới nhất của FAO cho biết , nhờ sản xuất gạo thuận lợi tại Châu Á, Phi, Mỹ Latinh, sản lượng lúa thế giới sẽ đạt 666 triệu tấn, (tương đương với 430 triệu tấn gạo), tăng 2,3% so với năm 2007. Vì vậy, trong các năm tiếp theo, sản lượng lúa gạo thế giới sẽ có thể tăng cao hơn nữa khi các những chiến dịch và biện pháp khuyến khích mở rộng sản xuất lúa một loạt nước gần đây có tác dụng tích cực trong thời gian tới, và ngành lúa gạo Việt Nam sẽ cần cân nhắc đến yếu tố này trong việc bảo vệ vị thế kinh tế của mình trên thị trường gạo thế giới.

Niên vụ 2007-2008, giá cà phê thế giới tăng cao đến mức kỷ lục trong vòng 15 năm qua. 5 tháng đầu năm 2008, tổng xuất khẩu cà phê đạt 483 ngàn tấn, giá trị 987 triệu USD, không tăng trưởng nhiều so với kết quả đạt được trong quý I/2008 (lượng xuất khẩu 348 nghìn tấn và trị giá 692 triệu USD). Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam quí I năm 2008 trung bình đạt 2182 USD/tấn, tăng 27,0% so với mức giá trung bình của năm 2007. Nguyên nhân của việc tăng giá là do sự thiếu hụt lượng cung trên toàn thế giới. Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê vụ 2007/08 này là 117 triệu bao, tiêu thụ cà phê thế giới năm 2008 vẫn giữ nguyên dự báo ở 125 triệu bao. ICO cho rằng, do giá dầu và các sản phẩm dầu đang tăng mạnh và liên tục ghi các mức cao kỷ lục, thì chi phí cho cây cà phê tất yếu cũng tăng theo. Mặc dù giá cà phê tăng cao, xong hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đắk Lắk đang gặp khó khăn do lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao trong khi doanh số, lợi nhuận từ xuất khẩu đang giảm do chi phí lãi vay tăng cao. Nguồn vốn kinh doanh xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn của ngân hàng. Trong những tháng gần đây, lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng ở Đắk Lắk tăng cao, hiện lên đến 13% - 22%/năm, so với mức lãi suất trước đây khoảng 11,4% - 15%/năm.

Những thách thức trên thị trường gạo và cà phê, 2 nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam càng cho thấy, đã tới lúc suy tính thêm về chiến lược sản xuất và kinh doanh các nông sản gắn với ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới trong tương lai.


Bài viết hợp tác AGROINFO và Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Liên hệ với người viết tin này:
Phạm Hoàng Ngân (Agroinfo)



Báo cáo phân tích thị trường