GS Trần Đình Long - Hội Giống cây trồng Việt Nam: Không xây dựng các KCN trên đất trồng lúa
Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia một cách bền vững, cần một số giải pháp: (1) Áp dụng các quy trình công nghệ cao trong chọn tạo, phát triển và kỹ thuật thâm canh tổng hợp các giống lúa có năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu tốt sâu bệnh và các điều kiện bất thuận. (2) Phát triển công nghệ sau thu hoạch để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 5%. (3) Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong chế biến để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, giá trị từ các sản phẩm từ lúa gạo. (4) Hạn chế và giảm dần khối lượng xuất khẩu, nhưng tăng giá trị xuất khẩu trên đơn vị khối lượng. (5) Tăng hệ số sử dụng đất đạt trên 2%. (6) Hạn chế và tiến tới cấm không sử dụng đất trồng lúa cho mục đích đô thị hóa và xây dựng các KCN trên đất trồng lúa.
|
Thu hoạch lúa Nàng thơm chợ Đào ở Long An để chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: ĐỨC THÀNH |
Để thực hiện được giải pháp thứ 6, cần phải tập trung vào các vấn đề cụ thể sau: Kiểm kê hiện trạng của quy hoạch xây dựng đô thị, KCN và các đường giao thông để có số liệu chính xác về tình hình sử dụng đất không phù hợp với mục tiêu bình ổn diện tích đất canh tác lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Xác định các vùng có loại đất thích hợp (không phải đất trồng lúa) cho xây dựng đô thị và KCN. Nguyên tắc lựa chọn và xác định vùng xây dựng đô thị và KCN phải dựa trên cơ sở gắn kết quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, KCN và quy hoạch kinh tế - xã hội.Cần bổ sung, sửa đổi và xây dựng một số chính sách đúng đắn và phù hợp cho việc sử dụng đất để xây dựng đô thị và KCN nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và công bằng về lợi ích cho mọi thành phần kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho cộng đồng nông dân.
TS Phạm Sỹ Liêm - Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Lo lương thực nuôi sống thêm khoảng 40 triệu người
Ngoài lý do quốc phòng an ninh, mục đích Nhà nước thu hồi đất là để phát triển kinh tế – xã hội. Điều đó có nghĩa rằng, người bị thu hồi đất là người “tham gia vào quá trình phát triển kinh tế đất nước”, vì đất đai cùng với tiền vốn, lao động và công nghệ là 4 nguồn lực cơ bản để phát triển. Do đó, ngoài phần được bồi thường với giá đất theo mục đích sử dụng khi thu hồi (tức là phần vốn), thì người đó còn phải có quyền được hưởng tương xứng trong phần lợi nhuận mà đất đem lại sau khi đầu tư phát triển.
Như vậy mới có sự công bằng giữa người đóng góp tài nguyên đất đai với người bỏ vốn đầu tư. Hiện nay người có đất đai bị thu hồi chỉ được xem là người bị thiệt hại vì vậy mà được bồi thường, tức là trở thành đối tượng chứ không phải là chủ thể phát triển.
Một nhược điểm khác của chính sách này là không gắn với chủ trương “gìn giữ đất nông nghiệp”, nhất là đất ruộng lúa nước, loại đất đã phải trải qua nhiều thế kỷ mới trở thành đất thục và gắn liền với nền văn minh lúa nước, hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Kết quả là đã có những quyết định xây dựng sân golf hàng trăm hécta trong địa giới thủ đô và các tỉnh là vựa lúa, hoặc dễ dàng xóa bỏ những bờ xôi ruộng mật để làm KCN... Chính việc triển khai chệch choạc chính sách thu hồi đất hiện nay đã làm tổn hại đến an ninh lương thực quốc gia.
Tuy hiện nay nước ta đang xuất khẩu hàng năm 4 - 5 triệu tấn gạo, nhưng dự báo dân số nước ta sẽ tăng đến 120 triệu người. Tức là chúng ta còn phải lo lương thực nuôi sống thêm khoảng 40 triệu người nữa vào giữa thế kỷ này.
GS Tôn Gia Huyên - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Khai thác quỹ đất trồng lúa nước theo hướng bền vững
Quá trình tích lũy của kỹ thuật trồng lúa nước gắn liền với hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ cho sự phát triển của kỹ thuật này đã hình thành nên nền văn minh lúa nước của Việt Nam; xuất phát từ đồng bằng sông Hồng, lan tỏa dần đến vùng đồng bằng ven các sông miền Trung, cuối cùng là xuống châu thổ sông Cửu Long và trở thành nền tảng vững chắc cho một quốc gia nông nghiệp lấy cây lúa nước làm nòng cốt. Nền văn minh này đã tạo nên một xã hội lấy làng xã làm cơ sở... Các điểm tụ cư nông nghiệp cứ thế mà hoàn thiện dần để có các khu dân cư ngày nay phân bố đều đặn và hợp lý khai thác hết tiềm năng đất đai nông nghiệp mà trước hết là đất trồng lúa.
Bảo vệ và khai thác quỹ đất trồng lúa nước không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ và khai thác một nền văn minh – văn hóa lúa nước, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Một khi đất trồng lúa nước bị thu hẹp, kỹ thuật thâm canh lúa nước không còn đáp ứng được nhu cầu của thời đại, thì chắc chắn nền văn minh lúa nước được trau chuốt qua nhiều thế hệ của Việt Nam sẽ bị tổn thương, để lại những hậu quả nặng nề mà những biểu hiện dễ thấy là nông dân thiếu ruộng, thiếu việc làm, hoặc cuộc sống có lúc thừa tiền nhưng thiếu bền vững; tệ nạn xã hội gia tăng, xảy ra nhiều xung đột trong gia đình truyền thống...