Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mất đất, lương thực giảm, đói nghèo tăng
15 | 05 | 2008
Bên cạnh những mặt tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội do các khu công nghiệp, khu đô thị mang lại, có một thực tế không thể phủ nhận là việc thu hồi đất nông nghiệp không có kế hoạch đã tác động không nhỏ đến một bộ phận dân cư do không có nghề nghiệp ổn định. Sản lượng lương thực cũng giảm đáng kể, nếu không điều chỉnh kịp thời, nước ta có thể không đảm bảo an ninh lương thực.
>> Bài I: “Vựa lúa” thiếu gạo

>> Bài II: Đất nông nghiệp về đâu?


Mất đất... là thất nghiệp

Theo thống kê, việc thu hồi đất nông nghiệp thời gian qua đã tác động trực tiếp đến đời sống của trên 627.000 hộ gia đình, với khoảng 950.000 lao động và 2, 5 triệu người khác. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT): “Nếu không tính toán hợp lý, đến một lúc nào đó, đất nông nghiệp nói chung, đất 2 vụ lúa nói riêng sẽ thu hẹp. An ninh lương thực có nguy cơ bị đe dọa”.



Khi bắt đầu triển khai dự án, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết sẽ tạo công ăn việc làm cho nông dân bị mất đất. Nhưng trên thực tế, có tới 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng 53% số hộ dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước đây. Và một điều đáng buồn là, do tỷ lệ lao động thất nghiệp cao nên ở nhiều vùng nông thôn đã sinh ra các tệ nạn: cờ bạc, lô đề, nghiện hút, trộm cắp. Khi cầm trong tay gần 70 triệu đồng do được đền bù hơn 2 sào ruộng, bà Nguyễn Thị Hựu ở thôn Lương, xã Tri Phương (Tiên Du - Bắc Ninh) cứ như “sống trong mơ”. Nhưng bà không biết sử dụng số tiền đó như thế nào để nó sinh lời mà dành hết vào việc xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ đạc. Ruộng không còn, bây giờ đến cái nhỏ nhất như que tăm cũng phải mua nên chẳng mấy chốc bà trở thành trắng tay. Không được vào làm việc trong nhà máy do không đủ trình độ, con trai bà phải ra Hà Nội làm thuê. Đó cũng là tình cảnh của nhiều gia đình nông dân bị mất đất nông nghiệp hiện nay.

Đe doạ an ninh lương thực

Đến thời điểm này, chúng ta vẫn dư gạo để xuất khẩu. Nhưng nếu nhìn vào diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thì chắc chắn sản lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm. Theo tính toán, Việt Nam đã mất khoảng 500.000 tấn lúa /vụ vì 250.000ha đất trồng lúa bị thu hồi. TS.Cao Vĩnh Hải, Viện nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn (IRARD) cho rằng, những thôn, xã có đất thu hồi chiếm hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp đều không đảm bảo an ninh lương thực.

Xã Tứ Minh (TP. Hải Dương – Hải Dương) sau khi "hiến" đất cho khu công nghiệp chỉ còn 65ha đất nông nghiệp, diện tích trồng lúa chỉ còn vẻn vẹn 3ha. Vì vậy, bình quân lương thực ở đây chỉ còn 25,61kg/người /năm. Còn tại xã Đại Đồng (Tiên Du - Bắc Ninh), tình trạng cũng bi đát không kém, bởi xã có tới 342ha trên tổng số 430ha đất nông nghiệp đã “biến” thành nhà máy, xí nghiệp. Với 10.668 hộ dân, mỗi năm Đại Đồng cần 1.536 tấn lương thực, trong khi sản lượng lúa chỉ đạt 1.022 tấn /năm. Điều đó có nghĩa là xã này thiếu khoảng 500 tấn lương thực /năm. Dự báo, đến năm 2011, toàn bộ lương thực của xã phải phụ thuộc vào bên ngoài.

Bắc Ninh là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Hồng. Nếu như năm 2000, tổng diện tích đất nông nghiệp của Bắc Ninh là 49.000ha thì đến năm 2008, con số này chỉ còn 42.000ha. Đây là nguyên nhân khiến sản lượng lúa trong vài năm gần đây của Bắc Ninh bị giảm (năm 2004 là 448.000 tấn, năm 2006 chỉ còn 434.000 tấn). Ông Phạm Văn Chiến, Phó trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh) cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp giảm đáng kể đã kéo theo tổng sản lượng lúa giảm. Theo đó, sản lượng lương thực bình quân cũng giảm theo, đặc biệt tại một số huyện, thị có tốc độ công nghiệp hoá nhanh. TP.Bắc Ninh năm 2000 là 125kg/người /năm, năm 2006 giảm xuống còn 78kg/người /năm. Huyện Từ Sơn, năm 2000 là 323kg/người /năm, năm 2006 còn 78kg/người /năm”. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối với Hưng Yên. Năm 2001, tỉnh này có gần 50.000ha đất nông nghiệp nhưng đến 2007 chỉ còn chưa đầy 46.000ha. Kéo theo việc mất đất nông nghiệp là xu hướng đi xuống của sản lượng lương thực. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, năm 2002, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 530.000 tấn, năm 2007 chỉ còn 491.000 tấn. Như vậy, trong 5 năm trở lại đây, bình quân, mỗi năm Hưng Yên mất 7.800 tấn lúa do mở rộng công nghiệp, dịch vụ.

Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT gần đây, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu các địa phương phải quản lý sử dụng đất nông nghiệp thật chặt chẽ, theo đúng quy hoạch, phải dành một phần đáng kể cho sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Hết sức lưu ý khi lấy đất nông nghiệp 2 lúa. Mặc dù vậy, ở nhiều địa phương, phong trào thu hồi đất nông nghiệp vẫn diễn ra mà không tính đến những hậu quả.


Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường