Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người dân nông thôn miền núi trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô
24 | 12 | 2008
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất và thị trường nông sản Việt Nam. Những tháng đầu năm giá lương thực leo thang đột biến nhưng đến nay giá lương thực và các nông sản chính đều biến động theo chiều hướng gây bất lợi cho người sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn này thì người nông dân, người nghèo, đặc biệt là người dân miền núi chính là những đối tượng gặp khó khăn nhất, tiếp tục đối mặt với cú sốc và rủi ro.

  Với mong muốn thu nhận thông tin về tác động của khủng hoảng đến đời sống với của người nghèo miền núi, ngày 20-12-2008 vừa qua Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn và Viện chính sách chiến lược PTNT đã tổ chức Hội thảo : Người dân nông thôn miền núi trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô 2008.

Các tham luận tại hội thảo của các đại biểu đều thống nhất quan điểm xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, là chủ trương, chính sách xã hội lớn của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Trong những năm đầu của thiên niên kỷ 21 với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân sự nghiệp xoá đói giảm nghèo tiếp tục có thêm nhiều thành tựu mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung giảm đến 5-6%/ năm. Cả nước về cơ bản đã xoá xong nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo từ năm 1993 đến 2006 đã giảm đáng kể và hiện nay ở tất cả các khu vực. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 66% , năm 2002 giảm xuống còn 36% và đến cuối 2006 chỉ còn 20%. Tương tự tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số năm 1993 là 86% thì đến năm 2002 giảm xuống còn 69% và đến năm 2006 là 52%. Còn tính tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn quốc thì năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo là 58%, năm 2002 là 29%, 2006 là 16%.

Đói nghèo cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo lương thực và nghèo dinh dưỡng. Người nghèo có ít nguồn thu nhập. có ít đất và ít đất tốt, không có tài sản và không có nguồn lực kinh tế tích luỹ. Từ tình trạng này dẫn đến con cái người nghèo cũng có ít cơ hội học tập và phát triển hơn. Bên cạnh đó còn phải kể tới việc người nghèo cũng gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, ápn dụng khoa học kỹ thuật kém và một bộ phận không nhỏ người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra hội thảo cũng đề cập đến các vấn đề đánh giá chuẩn nghèo hiện nay, thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế, chiến lược chọn kế sinh nhai của đồng bào dân tộc thiểu số, các vấn đề giúp người nghèo phát triển kinh tế...



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường