Vùng KTTĐ được thành lập theo quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Định hướng đến năm 2020, vùng này là trung tâm lớn về sản xuất, chế biến lương thực, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Vùng KTTĐ còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cho các tỉnh ĐBSCL.
Lợi thế đầu tiên của vùng kinh tế là có trên 6,5 triệu dân, có xuất phát điểm khá cao so với nhiều tỉnh trong khu vực. Giai đoạn 2006 - 2008, vùng KTTĐ có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 13,5%/năm (cao hơn gần 6% so với bình quân cả nước). Nhiều năm liền, các tỉnh thành vùng KTTĐ nắm giữ ưu thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản. Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng hải sản đánh bắt.
Cà Mau chiếm gần 1/3 diện tích nuôi tôm toàn quốc. An Giang hiện giữ 2 kỷ lục quốc gia về sản lượng lúa và cá tra. Thời gian gần đây, cơ cấu ngành kinh tế của vùng đang tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Với đầu tàu năng động là Cần Thơ (địa phương vừa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương), vùng KTTĐ đang chuyển động mạnh nhằm tạo động lực chung đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc cần thiết tiến hành các bước đánh giá cơ bản tình hình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, rà soát lại quy hoạch sao cho phù hợp với tình hình và mục tiêu phát triển của vùng. Phó thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét những đề nghị để cùng góp phần đưa vùng KTTĐ ĐBSCL tiến nhanh.
(Theo thanhnien.com.vn)