Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới đứng trước khủng hoảng lương thực
03 | 04 | 2008
Từ những nông dân nghèo ở Ecuador tới các thực khách sang trọng ở Pháp đều đang đối mặt với giá lương thực tăng phi mã. Nhiều người Ai Cập chết vì tranh nhau mua bánh mì có trợ giá, còn ở Haiiti người ta nặn đất sét thành bánh để ăn. Thời tiết là một trong những nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn hơn là do thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, giá dầu lên cao, dự trữ lương thực cạn kiệt và nhu cầu của người tiêu dùng vọt lên mạnh mẽ ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Những quốc gia nghèo nhất thế giới vẫn có nguy cơ chịu nạn đói. Những trận xô xát ở Ai Cập tuần trước khiến vài người chết, cuộc bạo loạn ở Burkina Faso và Cameroon đều có nguyên nhân là thiếu lương thực. Các cuộc biểu tình phản đối vì đồ ăn thậm chí còn diễn ra ở Italy. Giá mì ống ở Haiiti tăng lên gấp đôi, trong khi chi phí cho một suất miso ở Nhật tăng lên chóng mặt.
Tại quốc gia nghèo đói ở Tây Phi Burkina Faso, các công đoàn đang kêu gọi tổng đình công vào tháng tới, trong khi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình phản đối mức giá tăng khiến chi phí sống lên quá cao. Họ yêu cầu chính phủ áp đặt việc kiểm soát giá các loại hàng thiết yếu như gạo, ngô, dầu ăn, đường, muối và sữa. Chính phủ Ai Cập đã phải huy động quân đội vào việc nướng hàng loạt bánh mì, để kịp đáp ứng nhu cầu về cái ăn của dân, nhằm kìm hãm bạo lực và tội phạm phát sinh do thiếu lương thực.
"Sẽ khó có khả năng giá lương thực lại trở về mức thấp như trước kia", Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế và là tổng thư ký Tổ chức liên chính phủ về ngũ cốc thuộc Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), nhận định. "Hãy xem Haiiti, nếu chính phủ không trợ giá lương thực, người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải bớt ăn. Tình cảnh thật tàn khốc, nhưng đấy chính là thực tế".
Không ai hiểu thực tế ấy rõ rệt hơn Eugene Thermilon, 30 tuổi, một lao động công nhật người Haiiti. Anh không kiếm đủ tiền để mua bột mì cho vợ và bốn con ăn nữa kể từ khi giá tăng gấp đôi. Bữa ăn duy nhất mỗi ngày của sáu người giờ đây là hai ống bơ ngô.
"Cái dạ dày của chúng tôi không được đầy", Thermillon nói. Từ bữa đó cho đến trưa hôm sau, nhà họ chẳng có gì để ăn hết, ôm bụng đói đi ngủ.
Đói kém mang đến những ảnh hưởng nặng nề không thể tránh khỏi. Fabiola Duran Estime, 31 tuổi làm nghề bán thực phẩm ở Haiiti, đã mất nhiều khách hàng như Thermilon. Chị đành lôi con khỏi trường mẫu giáo, để ở nhà, bởi không có đủ tiền học phí 20 USD mỗi tháng. Con gái chị, cháu Faya, bỏ dở việc học đọc. Mẹ con chị không phải là trường hợp duy nhất. Từ tháng trước, thế giới đã xôn xao khi thông tin về việc người dân nước này ăn "bánh" nặn bằng đất sét để tồn tại.
Về lâu dài, giá lương thực sẽ ổn định lại. Nông dân sẽ trồng nhiều lúa mì hơn để cho nhu cầu thực phẩm và năng lượng sinh học, như chúng ta sẽ được chứng kiến vào vụ mùa tới ở Mỹ, Canada và châu Âu. Tuy thế, người tiêu dùng toàn cầu vẫn sẽ phải chịu đựng ít nhất là 10 năm giá lương thực cao nữa, theo tính toán của FAO.
Một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực lên là giá dầu, bởi nó tác động đến giá phân bón cũng như phí vận chuyển. Nhu cầu tăng về thịt và sữa ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cũng khiến giá ngũ cốc tăng.
Tính đến cuối năm vừa rồi, 37 quốc gia đã lâm vào khủng hoảng lương thực, 20 nước khác áp đặt các hình thức kiểm soát giá thực phẩm. Đây quả là một thảm họa. Chương trình Lương thực thế giới hiện thiếu 500 triệu USD để mua đồ ăn cho 89 triệu người cần cấp bách.
Tại Ai Cập, giá bánh mì tăng 35%, dầu ăn 26%, chính phủ quyết định cắt trợ cấp lương thực và chuyển thành tiền mặt tài trợ cho những người thực sự cần thiết. Nhưng kế hoạch này bị hủy do sự tức giận phản đối của người dân.
"Một cuộc cách mạng đói đang sôi sục", Mohammed el-Askalani, thành viên tổ chức mang tên "Công dân phản đối cuộc sống đắt đỏ" - có mục tiêu vận động chống luật cắt giảm trợ cấp - nói.
Tại Trung Quốc, giá tăng vọt vừa là gánh nặng vừa là cơ hội kiếm tiền cho một số người. Sáu tháng trước, anh Zhou Jian quyết định bỏ nghề bán phụ tùng ôtô để chuyển sang bán thịt lợn. Giá thịt tăng 58% kể từ năm ngoái, nhưng các cửa hàng thực phẩm ở Thượng Hải mỗi sáng vẫn đông đúc các bà nội trợ.
Ông chủ cửa hàng thịt 26 tuổi này giờ kiếm được 4.200 USD mỗi tháng, gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời bán phụ tùng ôtô. Không chỉ thịt lợn, anh còn bán được vô khối thịt bò.
"Tầng lớp trung lưu Trung Quốc giờ đang thay đổi lối suy nghĩ cũ rằng thịt bò là xa xỉ", Kevin Timberlake, chủ một công ty chế biến thịt bò của Mỹ hoạt động ở Nội Mông, nói.
Tuy nhiên, giá thực phẩm thiết yếu tăng cũng đang đe dọa người Trung Quốc. Chính phủ đã phải bán gạo dự trữ để kìm giá, nhưng một số chuyên gia cho rằng điều này không giải quyết được tận gốc vấn đề, bởi gốc rễ của tình trạng giá cao hiện nay là do mất cân bằng cung cầu, cầu quá lớn trong khi cung cạn.
Tại Nhật Bản, sự bùng nổ của nhiên liệu ethanol đang đánh mạnh vào món miso (tương đậu gạo) và mayonnaise - hai thứ quan trọng trong ẩm thực ở nước này. Nhu cầu về nhiên liệu sinh học đẩy giá dầu ăn và đậu tương lên cao.
Giá một chai nước sốt tăng 10% trong hai tháng qua, lên đến gần 3 USD. Một đầu bếp nhà hàng Hoa ở Tokyo nói: "Chưa ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng nếu giá cứ tăng thì chúng tôi cũng tăng giá bán đồ ăn".
Giám đốc Miso Bank, nhà hàng chuyên về các món miso, cho biết: "Tôi nghĩ giá sẽ tăng đồng loạt từ tháng 4. Điều đó ảnh hưởng đến nhà hàng, nên tôi đã đặt mua thật nhiều miso từ trước và sẽ thay đổi thực đơn".
Ở Italy, giá pasta tăng là nguyên nhân dẫn đến một cuộc biểu tình phản đối cách đây mấy tháng. Và rồi hai tháng gần đây, lượng tiêu thụ loại thực phẩm thiết yếu và đặc trưng của Italy này đã giảm 5%, do người dân thắt chặt thắt lưng hơn.
Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế như FAO hay WFP đã đề ra các biện pháp khắc phục tình trạng hiện nay, như giảm lượng dự trữ lương thực, hạn chết xuất khẩu. Nhưng hạn chế ở nơi này thì gây thiếu hụt ở nơi kia. Riêng với những nước nghèo, biện pháp chống đỡ có thể là đầu tư thêm vào nông nghiệp và biến khó khăn hiện nay thành cơ hội để phát triển lĩnh vực này.
Tuy nhiên, với những nơi như Burkina Faso, nước đã lên đến cổ. Vài ngày sau những cuộc bạo động vì lương thực, chị Pascaline Ouedraogo lang thang trong chợ để mua rau và thịt. Giá thịt ngon trước đó không lâu giá 2,5 USD mỗi kg, nhưng giờ đã gấp đôi.
"Giá càng tăng, bụng các con tôi càng đói", chị nói về ba đứa con đang ở tuổi đi học. "Chẳng hiểu lỗi này do chính phủ hay do các nhà buôn?".
Irene Belem, một phụ nữ 25 tuổi có con sinh đôi, cảm thấy quá khó để mua được sữa cho chúng, bởi giá sữa tăng 57% trong vài tuần gần đây.
"Tôi vẫn biết là tôi nghèo", chị nói, "nhưng giờ thì tệ hơn cả nghèo".

Nguồn: MARD


Báo cáo phân tích thị trường