Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản sẽ đạt trên 16 tỉ USD trong năm 2008
12 | 10 | 2008
Như tin đã đưa, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản 8 tháng đầu năm 2008 đạt 11,2 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản năm 2008 đạt trên 16 tỉ USD, tăng 26% so với năm 2007. Dự kiến, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản sẽ đạt khoảng 18 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông sản đạt 9,5 tỉ USD, lâm sản 3,7 tỉ USD và thuỷ sản 4,8 tỉ USD. Sáu mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD là cà phê, caosu, gạo, sản phẩm gỗ và thuỷ sản (tôm, cá tra, cá basa).
Được biết, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm (từ 27% năm 1995 xuống 20% năm 2007) nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế. Từ năm 2001 đến cuối năm 2007, xuất khẩu hàng nông sản của Việt nam ngày càng chiếm vị trí cao trên thị trường Thế giới.

Sau 2 năm gia nhập WTO, nhập khẩu nông sản của Việt nam gia tăng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là sữa, sản phẩm sữa, bông, bột mỳ, đường, thuốc lá, cao su, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gỗ và nguyên liệu gỗ. Đa số các mặt hàng nông sản nhập khẩu là những mặt hàng Việt nam chưa sản xuất được hoặc có lợi thế cạnh tranh thấp.

Đối với xuất khẩu nông sản, tác động của việc gia nhập WTO là không lớn, vì các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, cà phê, cao su từ trước khi gia nhập WTO cũng không gặp rào cản nào. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu của Việt nam ngày càng được mở rộng sang Châu Âu và Châu Mỹ, với hai đối tác chính là EU và Mỹ, trong khi đó thị trường ở Châu á và các nước ASEAN lại bị thu hẹp. Như vậy, cơ hội xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU và Mỹ là tương đối lớn, tuy nhiên các quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước này thực sự là rào cản đối vưói hàng nông sản của Việt nam.

Việc giảm thuế quan bình quân đối với hàng nông sản từ 23,5% xuống 21% trong 5 năm là không lớn, tuy nhiên các cam kết xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan có thể ảnh hưởng đến một số mặt hàng nông sản. Các mặt hàng gạo, cà phê, cao su thuộc diện Việt nam có thế mạnh xuất khẩu và được hưởng lợi do giá Thế giới tăng cao, nên mặc dù Việt nam đã cam kết bãi bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu hàng nông sản kể từ khi gia nhập WTO, nhưng các ngành này vẫn tăng trưởng tốt.

Năm 2007 thu nhập của người nông dâm có tăng, nhưng do giá nguyên liệu sản xuất và giá tiêu dùng tăng đã khiến cho đời sống người nông dân chưa thực sự được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước hiện đã giảm từ 18,1% năm 2002 xuống 14,7% vào năm 2007. Đây là kết quả của việc thực hiện các chính sách phát triển và chương trình xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được giá cả và CPI tiếp tục tăng cao thì sẽ có không ít hộ gia đình có nguy cơ bị rơi lại vào diện nghèo khó.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội cho Việt nam tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, sau 2 năm gia nhập WTO, cùng với sự suy giảm của kinh tế Thế giới, Việt nam cũng đã và đang gặp phải những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp và đời sống người nông dân.

Qua 8 tháng đầu năm 2008 sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế cả nước có nhiều tín hiệu tích cực. Tổng diện tích cấy lúa hè thu cả nước đạt 2,1 triệu ha, trong đó các tỉnh miền Nam gieo cấy 1,98 triệu ha, riêng các tỉnh ĐBSCL đạt 1,59 triệu ha. Các tỉnh miền Bắc (khu 4 cũ) diện tích lúa hè thu ước 150 nghìn ha, trà sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất 45 tạ/ha; các tỉnh miền Nam đã thu hoạch 1,3 triệu ha. Hiện cả nước đã gieo trồng được 1,45 triệu ha màu lương thực, bằng 96,6% so với cùng kỳ và 609.000ha cây công nghiệp ngắn ngày.

Tính đến cuối tháng 8, diện tích trồng rừng tập trung cả nước ước đạt khoảng 107,4 nghìn ha, đạt 53,4% kế hoạch. Trong đó rừng phòng hộ đặc dụng 23,5 nghìn ha, rừng sản xuất 83,9 nghìn ha. Chăm sóc rừng trồng 206 nghìn ha, trồng cây phân tán 138,7 triệu cây, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng dặm đạt 647 nghìn ha, khoán bảo vệ rừng 2,48 triệu ha, khai thác gỗ 2,053 triệu m3. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản 8 tháng đầu năm đạt 1.418 ngàn tấn bằng 68% so với kế hoạch; tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ đạt 220 nghìn tấn. Hiện tại, tiêu thụ cá tra quá lứa tồn đọng tại ĐBSCL đang có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp trong vùng đã tiêu thụ được trên 200.000 tấn cá tra quá lứa.

Các mặt hàng nông sản được nới khung thuế suất lên mức rộng:

Hiện nay, dự thảo nghị quyết về biểu khung sửa đổi, bổ sung thuế xuất khẩu đã được Bộ Tài chính hoàn tất và đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Dự kiến, nghị quyết này sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 12 tới và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/11/2008.

Theo dự thảo, các mặt hàng nông sản đều được nới khung thuế suất lên mức rất rộng, vì đây là nhóm hàng hóa liên quan đến đời sống của số đông nông dân. Theo đó, mặt hàng gạo có khung thuế suất tăng mạnh nhất từ 0- 3% lên đến 0-40%, tăng mức trần hơn 13 lần, mặt hàng ngô tăng từ 0-3% lên 0- 10%, mặt hàng chè có mức thuế suất hiện hành 0-3% được nâng lên 0-5%, hạt điều tăng từ 0-4% lên 0-10%, cao su tự nhiên tăng từ 0-5% lên 5-20%.

Chè là một mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và có tính ổn định cao và lại là ngành có tỷ suất sinh lợi không cao; ngô là mặt hàng hầu như chưa xuất khẩu được nhiều. Đối với gạo, đây là mặt hàng có biến động lớn về giá trong thời gian gần đây, việc tăng biểu khung thuế để đảm bảo an ninh lương thực là hợp lý.

Ưu tiên đầu tư vốn giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn:

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc triển khai Nghị quyết 26 về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó:

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới cần phải làm là tập trung đầu tư mạnh và có hiệu quả hơn về khoa học công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp.

Hiện nay tỷ trọng vốn đầu tư xã hội cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, hiện chỉ còn khoảng 7,5%. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần phải ưu tiên đầu tư vốn cho phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vừa qua, Agribank đã quyết định bổ sung 3.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê niên vụ 2008-2009 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Số tiền 3.000 tỷ được phân bổ cho 9 tỉnh, thành phố và chi nhánh Agribank gồm: Đắc Lắc (881 tỷ đồng), Gia Lai (268 tỷ đồng), Kon Tum (45 tỷ đồng), Đắc Nông (155 tỷ đồng), Quảng Trị (250 tỷ đồng), Khánh Hòa (40 tỷ đồng), Ngân hàng NN&PTNT Dâu Tằm Tơ (81 tỷ đồng), Lâm Đồng (300 tỷ đồng) và chi nhánh Sài Gòn (980 tỷ đồng)…



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường