Nhập khẩu tăng chậm lại do trong thời gian qua tranh thủ giá thế giới giảm mạnh các doanh nghiệp đã nhập khẩu một lượng hàng đáng kể với giá rẻ trong khi sức tiêu thụ của thị trường trong nước vẫn chậm. Chỉ có một số ít mặt hàng như sắt thép là khối lượng tiêu thụ tăng khá do hoạt động xây dựng khởi sắc và thị trường bất động sản ấm trở lại.
Theo Bộ Công Thương, với việc sức tiêu thụ của thị trường trong nước khó tăng mạnh và giá thế giới sẽ ổn định khiến các doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc trong các hoạt động nhập khẩu dự trữ.
Một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần kìm hãm lượng nhập khẩu là hoạt động xuất khẩu vẫn chưa có bứt phá, vẫn phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu của thị trường thế giới phục hồi chậm.
Bộ Công Thương dự báo kim ngạch nhập khẩu những tháng cuối năm sẽ đạt trung bình 6,4 đến 6,5 tỉ USD/tháng đưa kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt khoảng 68 – 69 tỉ USD, giảm gần 14 phần trăm so với năm 2008.
Cũng theo nhận định của Bộ này, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2009, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 25,5 tỷ USD.
Về cơ cấu xuất khẩu, nhóm công nghiệp nặng, khoáng sản chiếm 30,0% tổng kim ngạch, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 47,3% và nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,7%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến khoảng 73,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2009. Nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 26,6 tỷ USD, chiếm 36,1% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 12,7% so với năm 2009.
Về cơ cấu nhập khẩu, nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng chiếm 30,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 62,2% và nhóm hàng tiêu dùng chiếm 7,6%.