Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam đang thiếu chuyên gia phân tích ngành hàng
07 | 10 | 2009
AGROINFO - “Để có được hệ thống phân tích, dự báo thị trường tốt cần sự đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người. Hơn nữa, từ nhận thức (bởi những bức xúc nâng cao hiệu quả của dự báo kinh tế qua các cú “sốc” vừa qua) đến những hành động cụ thể là một quá trình không hề đơn giản. Nhất là chúng ta đã trải qua cả thời kỳ không quan tâm đến công tác thị trường"

Ông Phạm Quang Diệu- Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.

PV: Nhìn vào những bất cập của công tác dự báo thị trường, ông có thể cho một vài lý giải?

Ông PHẠM QUANG DIỆU: Thực ra, việc phân tích và dự báo kinh tế đã được các học giả nhắc đến từ lâu, tuy nhiên qua những cú sốc của kinh tế vừa qua thì vấn đề mới trở nên bức thiết. Trong ngành nông nghiệp, XK nông sản cũng có những đặc thù riêng, trước đây thời kinh tế tập trung bao cấp chúng ta chỉ quan tâm đến sản lượng, năng suất, nghĩa là chỉ quan tâm đến mặt cung. Đồng thời, cả các bộ máy vận hành của cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu cũng đi theo nội dung đó. Việc phân tích tiêu thụ- cầu hàng hoá bị coi nhẹ. Khi chuyển sang kinh tế thị trường Việt Nam thiếu hẳn hệ thống về phân tích, dự báo kinh tế và hệ thống tư vấn, hướng dẫn DN về thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay.

Ông Phạm Quang Diệu - Giám đốc AGROINFO trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí


Ngay cả hệ thống cơ quan nghiên cứu nông nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào vấn đề tăng năng suất, giá cả, chuyển giao công nghệ… còn vấn đề nghiên cứu thị trường, xuất nhập khẩu, thị trường tiêu dùng còn khá vắng bóng. Đơn cử việc thị trường XK đang bị thu hẹp thì người ta đề quay về thị trường nội địa, nhưng thông tin về thị trường nội địa lại rất thiếu, cụ thể là quy mô thế nào, sức mua ra sao. Rồi việc mở rộng thị trường nông thôn thì DN hầu như không có thông tin, nên DN không biết thực hư của sức tiêu thụ ở khu vực này, hành vi tiêu dùng thế nào, giá cả bao nhiêu là phù hợp.

PV: Vậy đâu là những chuyển động về phân tích và dự báo kinh tế trong ngành nông sản thời gian qua?

Ông PHẠM QUANG DIỆU: Bộ NN&PTNT đã nhận thức được những vấn đề trên và đã có những kế hoạch, hành động để khắc phục những hạn chế trong nghiên cứu về thị trường. Một số dự án đã thử được đưa ra thử nghiệm như việc xây dựng mạng lưới thông tin thị trường với các cơ sở từ địa phương. Tuy nhiên những việc này mới ở mức thử nghiệm mà chưa phải là một hệ thống hoàn chỉnh, có nguồn lực đủ để hoạt động hiệu quả cao.

Để có được guồng máy phân tích, dự báo hiệu quả nói chung không hề đơn giản. Nó cần một quá trình hoàn thiện với mạng lưới hoàn chỉnh, đội ngũ chuyên gia có trình độ, hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy… Thực tế ở Việt Nam có rất nhiều nhà kinh tế vĩ mô giỏi nhưng thiếu hẳn những chuyên gia chuyên phân tích các ngành hàng. Nếu giờ chúng ta đặt câu hỏi ai là chuyên gia phân tích về thị trường lúa gạo, cà phê, thuỷ sản… thì thật khó trả lời, trong khi mỗi ngành hàng nông sản XK mang về cho đất nước hàng tỷ USD/năm. Câu hỏi khi nào mua, khi nào bán, định hướng ra sao của từng mặt hàng nông sản luôn thiếu câu trả lời thoả đáng mà đây cũng chính là nhu cầu của DN khi ngày càng mở rộng thị trường XK.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, công tác phân tích, dự báo thị trường nông sản cần chú trọng những nội dung gì?

Ông PHẠM QUANG DIỆU: Việc phân tích và dự báo trong ngành hàng nông sản cần có nhãn quan rộng mở hơn như chúng ta thường nghĩ. Suy nghĩ thông thường thị trường nông sản chỉ là nông nghiệp trong sự phát triển chỉ ở một vùng miền nào đó, trong sự giới hạn người mua, người bán hạn hẹp, trong khi đây lại là lĩnh vực có sự tác động đa chiều của nền kinh tế vĩ mô và thị trường quốc tế. Hay những sự biến động của nhiều lĩnh vực tưởng như rất xa nhưng lại liên quan mật thiết với ngành nông sản: tỷ giá hối đoái, xu hướng sản xuất nhiên liệu sinh học, giá dầu, sự chuyển động của các quỹ đầu cơ ở nước ngoài. Vừa qua Việt Nam cũng đã tham gia rất nhiều Hiệp định song phương và đa phương trong đó vấn đề nông nghiệp có rất nhiều nội dung cần quan tâm, rồi việc các hàng rào thuế và phi thuế.

Như vậy, thị trường nông sản giờ đây đã có sự thay đổi lớn và ngày càng gắn chặt vào sự biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, yêu cầu người làm công tác phân tích, dự báo phải có kiến thức sâu rộng, liên ngành để có cái nhìn toàn diện, chính xác.

PV: Được biết, Agroinfo cũng mới được thành lập nhưng đã nhận được sự đón nhận của rất nhiều khách hàng. Sự nắm bắt được nhu cầu thông tin của DN đã mang đến cho Agroinfo thành quả này?

Ông PHẠM QUANG DIỆU: Qua quá trình chuẩn bị lâu dài, có sự hợp tác với một đối tác Hoa Kỳ, cùng với việc tìm hiểu cách làm ở một số nước trong khu vực, chúng tôi dần xây dựng đội ngũ và các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu phân tích, dự báo cho DN. Điều khác biệt là Agroinfo không phải cung cấp dịch vụ công mà là sản phẩm theo yêu cầu- thông tin DN đang tìm kiếm.

Lúc đầu chúng tôi không ngờ sự đón nhận rất nhiệt tình của các khách hàng mà chúng tôi quan niệm là các đối tác cùng đồng hành. Thông qua các hoạt động gặp gỡ, hội thảo với DN và dần hoàn thiện hệ thống phân tích thông tin thì những thông tin mà Agroinfo cung cấp ngày càng hữu ích cho DN. Giờ đây, đối tượng chủ yếu sử dụng thông tin của Agroinfo không chỉ là các DN nông sản mà các công ty tư vấn trong nước, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là giới đầu tư thì rất quan tâm như: các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chứng khoán.

PV: Hiện nay đã có nhiều DN, tổ chức ngoài nhà nước tham gia lĩnh vực phân tích, dự báo kinh tế. Ông có cho rằng đây là một xu hướng đúng đắn?

Ông PHẠM QUANG DIỆU: Đó là xu thế tất yếu. Vì trước nhu cầu cấp thiết của thực tế thì công tác phân tích, dự báo càng cần được đẩy mạnh. Nhà nước không thể “ôm” và làm thay hết các DN được. Hơn nữa chưa chắc thông tin phân tích dự báo mà cơ quan Nhà nước đưa ra luôn chính xác hơn. Tính thị trường và quá trình thẩm định của khách hàng sẽ là động lực tốt để hoạt động phân tích, dự báo kinh tế phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bài đã được đăng trên Báo Hải Quan



Văn Bắc
Báo cáo phân tích thị trường