Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam tụt 2 bậc trong xếp hạng cạnh tranh toàn cầu
10 | 10 | 2008
Ngày 8/10, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố kết quả xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu 2008. So với năm ngoái, Việt Nam tụt hai bậc từ 68 xuống 70.
Như thường lệ, bản báo cáo vẫn dựa trên những số liệu thống kê được công bố, và những khảo sát ý kiến chuyên gia. Trên cơ sở đó, WEF cho điểm và xếp hạng các nền kinh tế theo năng lực cạnh tranh.

Theo bản báo cáo, nước Mỹ vẫn đứng đầu nhờ nền kinh tế có năng suất rất cao, năng lực sáng tạo đứng đầu thế giới, và khả năng phân bổ nguồn lực vào những nơi hiệu quả nhất. Mặc dù báo cáo đã đề cập những yếu kém vĩ mô và bất ổn định của ngân hàng, thâm hụt ngân sách và nợ Chính phủ, nếu những biến động mới đây nhất của cuộc khủng hoảng được tính đến, chắc chắn vị trí của nước Mỹ sẽ không được như trong báo cáo.

Danh sách 10 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh hầu như không có gì thay đổi, với những tên quen thuộc hàng năm: Mỹ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Nhật. Chỉ có Canada mới gia nhập nhóm Top 10, còn Vương quốc Anh bị rơi khỏi nhóm này do những yếu kém của hệ thống ngân hàng, một hệ thống từ trước đến nay vẫn là niềm tự hào của nước này.

Singapore vượt từ hạng 7 lên hạng 5 để đổi chỗ cho Đức từ hạng 5 xuống hạng 7. Quốc gia đứng hạng cao nhất châu Á này được đánh giá có cơ sở hạ tầng và định chế tuyệt vời, đứng thứ hai thế giới về mức độ hiệu quả của 3 thị trường hàng hóa, lao động, và tài chính, để bảo đảm phân bổ nguồn lực vào nơi sử dụng hiệu quả nhất. Ba điểm yếu nhất của Singapore là qui mô thị trường nhỏ, chênh lệch cao giữa lãi suất đầu vào - đầu ra, và mức độ nợ của Chính phủ.

Vị trí của Việt Nam

Xếp hạng 2008

Điểm số 2008

Xếp hạng 2007

Singapore

5

5.53

7

Nhật

9

5.38

8

Hồng Kông

11

5.33

12

Hàn Quốc

13

5.28

11

Đài Loan

17

5.22

14

Malaysia

21

5.04

21

Trung Quốc

30

4.70

34

Thái Lan

34

4.60

28

Brunei

39

4.54

n/a

Indonesia

55

4.25

54

Việt Nam

70

4.10

68

Philippines

71

4.09

71

Campuchia

109

3.53

110


Vị trí của Việt Nam trong 3 năm qua là hạng 64 (năm 2006), hạng 68 (năm 2007) và hạng 70 (năm 2008). Tuy nhiên, danh sách các nước năm nay có bổ sung thêm một số nước. WEF cũng chỉ ra, nếu không xét các nước mới bổ sung vào danh sách, thì Việt Nam chỉ tụt một bậc từ 68 xuống 69.

Trong số các nước Đông Á, Việt Nam chỉ đứng trên Philippines và Campuchia (Lào và Miến Điện chưa có tên trong danh sách xếp hạng.)

Việc xếp hạng được căn cứ theo chấm điểm 3 nhóm yếu tố: các yếu tố căn bản, các yếu tố nâng cao, và các yếu tố sáng tạo. Ba nhóm này bao gồm 12 “trụ cột” của năng lực cạnh tranh.

Tổng hợp 12 "trụ cột" cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Trong cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia về "vấn đề đang lo ngại nhất", ba yếu tố được coi là yếu kém nhất của Việt Nam gồm: lạm phát, cơ sở hạ tầng, và lao động được đào tạo.

Các chuyên gia lo ngại nhất cho Việt Nam về lạm phát, hạ tầng, và lao động có trình độ.

Có 4 quốc gia đứng dưới Việt Nam trong năm 2007 nhưng đến năm 2008 đã vượt lên trên, đó là Botswana (từ hạng 76 lên 56), Braxin (từ 72 lên 64), Montenegro (từ 82 lên 65), và Rumani (từ 74 lên 68).

Trong khi đó, cũng có 2 quốc gia đứng trên Việt Nam trong năm 2007 nhưng đến năm nay đã tụt xuống dưới, đó là El Salvador (từ 67 xuống 79) và Ma rốc (từ 64 xuống 73).

Trong số 109 tiêu chí chi tiết để đánh giá cho điểm và xếp hạng, Việt Nam có 22 yếu tố xếp hạng 100 hoặc thấp hơn.

Chỉ tiêu yếu của Việt Nam

Xếp hạng

Bản chất của lợi thế cạnh tranh

126

Thuế suất bình quân

126

Mức độ bảo vệ nhà đầu tư

123

Chất lượng quản lý trường học

120

Chất lượng của hệ thống giáo dục

120

Số lượng thuê bao điện thoại di động

114

Mức độ vững mạnh của ngân hàng

113

Chất lượng hạ tầng cảng

112

Các rào cản thương mại

110

Trình độ của thị trường tài chính

106

Phổ cập giáo dục cấp 3

106

Chuẩn mực báo cáo và kiểm toán

106

Gánh nặng về quy chế nhà nước

105

Chất lượng cung cấp điện

104

Trở ngại cho sở hữu nước ngoài

104

Lạm phát

103

Chi phí sa thải lao động

103

Chất lượng đường giao thông

102

Mức độ linh hoạt về lương

101

Phổ cập giáo dục cấp 2

100

Bệnh lao phổi

100

Chi tiêu cho giáo dục

100

Tuy nhiên, cũng trong 109 tiêu chí đó thì cũng có 12 điểm Việt Nam đứng hạng khá cao, trong khoảng 40 hoặc cao hơn.

Chỉ tiêu mạnh của Việt Nam

Xếp hạng

Huy động vốn trong nước từ cổ phiếu

5

Tham gia của lao động nữ

10

Hiệu quả giữa lương và năng suất

17

Chính phủ mua thiết bị công nghệ cao

21

Phát triển theo cụm doanh nghiệp

25

Tỉ lệ tiết kiệm trong nước

28

Thị trường nước ngoài

29

Điện thoại cố định

37

Chênh lệch lãi suất gửi - vay

39

Chi phí của chính sách nông nghiệp

39

Năng lực sáng tạo

41

Qui mô thị trường trong nước

42

WEF phân các nền kinh tế theo 3 nhóm. Nhóm 1 có năng lực cạnh tranh dựa vào các yếu tố tự nhiên (tài nguyên, vị trí, sức lao động…); nhóm 2 cạnh tranh dựa trên hiệu quả của nền kinh tế; nhóm 3 dựa trên năng lực sáng tạo.

Ba "vùng lõm" của Việt Nam là hạ tầng, giáo dục, và sẵn sàng cho công nghệ.

Trên đồ thị dạng “mạng nhện” của Việt Nam, báo cáo đánh giá Việt Nam đã vượt ra khỏi vòng màu đen của nhóm 1 và đang ở giai đoạn chuyển tiếp sang nhóm 2. Ba điểm mạnh của Việt Nam là ổn định vĩ mô, y tế - giáo dục tiểu học, và qui mô của thị trường. Còn ba “vùng lõm” của Việt Nam vẫn là cơ sở hạ tầng, đào tạo và giáo dục đại học, và mức độ sẵn sàng cho công nghệ.

Báo cáo của WEF nhằm cung cấp bức tranh vừa tổng thể vừa chi tiết về môi trường kinh tế của các quốc gia, cũng như khả năng của mỗi quốc gia đạt được sự bền vững trong tăng trưởng và phát triển.

Các đối tác trong nước tham gia cùng WEF thực hiện bản báo cáo năm nay là Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Viện Kinh tế TP. HCM.



Nguồn: VNN
Báo cáo phân tích thị trường