Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2025: Việt Nam đứng thứ 17 về tiềm lực kinh tế?
16 | 06 | 2007
Ngày 21/10/2006, tại Quốc hội đã có hai vị đại biểu đề cập đến “báo cáo của một cơ quan tài chính lớn tại Mỹ đánh giá năm 2025 Việt Nam có thể đứng thứ 17 thế giới về tiềm lực kinh tế”.

Một vị khác đã nói về dự báo đó là “tôi rất nghi ngờ, gắng sống thêm 19 năm nữa xem coi”. Thực hư ra sao?

Trong bài báo gửi từ New York ngày 27/9/2006 đăng trên Tuổi Trẻ, tôi đã đề cập đến dự báo trên của Tập đoàn tài chính Goldman-Sachs. Năm 2003, Tập đoàn Goldman-Sachs đã đưa ra báo cáo “Cùng mơ với BRICs - con đường đến 2050” và tháng 12/2005 đưa ra báo cáo số 134, dự báo về 11 nền kinh tế kế tiếp (N-11: Next 11) trong đó có Việt Nam.

Báo cáo đã nêu bật trong số 11 nền kinh tế này, Hàn Quốc và Mexico có nhiều khả năng nối gót BRICs, hiện hai nước này đã đạt thu nhập cao (Hàn Quốc đạt 17.000 USD/người/năm và Mexico 7.000 USD/người/năm).

Các tác giả nhấn mạnh rằng báo cáo chỉ dự báo tiềm năng có thể đạt được vị trí đó chứ không khẳng định BRICs và N-11 sẽ đạt được mức tăng trưởng đã dự báo. Báo cáo cũng đề cập đến hai nền kinh tế khác là Nigeria và Indonesia nhưng nhấn mạnh đến những vấn đề nội tại của hai nền kinh tế này để có thể theo được sáu nước kể trên.

Về các nước thuộc nhóm N-11, báo cáo cũng chỉ rõ những vướng mắc mà các nền kinh tế đó phải giải quyết để có thể thực hiện được giấc mơ của mình.

Liên quan đến Việt Nam, báo cáo tóm tắt vị trí của các nước N-11, trong đó Việt Nam được xếp thứ 11 vào năm 2004 trong nhóm nước này. Thứ tự như sau: Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Mexico, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Để đánh giá tiềm năng tăng trưởng các tác giả đã lập ra GES (Growth Environment Score tức điểm số môi trường tăng trưởng), bao gồm năm nhóm các tiêu chí:

- Ổn định kinh tế vĩ mô: gồm các chỉ tiêu về lạm phát, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài.

- Điều kiện kinh tế vĩ mô: gồm tỉ lệ đầu tư và độ mở của nền kinh tế.

- Năng lực công nghệ: chỉ số thâm nhập máy tính, điện thoại, Internet.

- Vốn nhân lực: giáo dục và tuổi thọ.

- Điều kiện chính trị: ổn định chính trị, nhà nước pháp quyền và tham nhũng.

Chỉ tiêu này tương đồng với chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng của WEF đến 87%. Việt Nam được điểm số 4,6, xếp hạng 63/170 nền kinh tế.

Trong số 17 nền kinh tế được xếp hạng (gồm bốn nước BRICs, Hàn Quốc, Mexico và 11 nước kế tiếp), về tổng số điểm GES, Việt Nam được xếp thứ 4 sau Hàn Quốc, Trung Quốc và Mexico.

Việt Nam xếp thứ 1 về ổn định chính trị, xếp thứ 2 về học tập, xếp thứ 2 (sau Trung Quốc) về đầu tư, xếp thứ 1 về độ mở của nền kinh tế, xếp thứ 4 về bội chi của chính phủ, xếp thứ 7 về nợ nước ngoài.

Căn cứ các chỉ tiêu trên, tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, đồng thời nếu biết phát huy tốt các tiềm năng, báo cáo tháng 12/2005 của Goldman-Sachs dự báo đến năm 2025 Việt Nam có thể là nền kinh tế lớn thứ 17 trên hành tinh này với GDP đạt 436 tỉ USD và GDP bình quân đầu người là 4.357 USD. Và đến năm 2050, vị trí của Việt Nam được dự báo sẽ tiến thêm một bậc nữa.

Dự báo này có thể coi là một căn cứ để phấn đấu. Báo cáo này của Goldman-Sachs có tác dụng tích cực trong việc thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đến Việt Nam. Tiềm năng có biến thành hiện thực hay không hoàn toàn tùy thuộc nỗ lực của bản thân Việt Nam.

Tập đoàn Goldman-Sachs là một trong những công ty đầu tư tài chính lớn nhất thế giới, doanh số năm 2005 đạt 273 tỉ USD, lợi nhuận ròng năm tài chính 2005 là 24,78 tỉ USD. Goldman-Sachs còn tư vấn cho nhiều công ty quan trọng nhất, chính phủ lớn nhất và gia đình giàu có nhất trên thế giới.

Để phục vụ mục tiêu kinh doanh và tư vấn của mình, Goldman - Sachs tổ chức việc nghiên cứu và dự báo kinh tế toàn cầu nghiêm túc. Cách đây bốn năm, công ty này đã tạo ra khái niệm mới “BRICs”, viết tắt của bốn nền kinh tế mà họ dự báo rằng có thể có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong tương lai đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau dự báo này, bốn nền kinh tế đó đã tiếp tục phát triển nhanh và thu hút được khá nhiều quĩ đầu tư tài chính.



TS. Lê Đăng Doanh (Tuổi Trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường