Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam trong Top 10 châu Á về FDI nhưng vẫn lo ngại
10 | 07 | 2007
Liên hợp quốc vừa công bố bản Báo cáo Đầu tư Thế giới 2006, trong đó Việt Nam vẫn nằm trong trong top 10 châu Á về thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cho thấy thứ hạng của Việt Nam trên thế giới đang giảm dần.
Theo cách tính của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), dòng vốn FDI vào Việt Nam là 1,61 tỉ USD năm 2004 và 2,02 tỉ USD năm 2005.

Bản báo cáo dài 366 trang phân tích chi tiết các xu hướng đầu tư nước ngoài của các quốc gia và vùng lãnh thổ, các khu vực, các ngành nghề. Tuy báo cáo không phân tích nhiều về Việt Nam, một vài số liệu của UNCTAD cũng đáng để chúng ta phải lưu ý.

 

 

10 nước thu hút FDI cao nhất châu Á trong hai năm 2004 và 2005. Đơn vị tính là tỉ USD (nguồn: UNCTAD)

 

Thứ nhất, tuy dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 25,5% từ năm 2004 sang năm 2005, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn của toàn khu vực Đông Nam Á (tăng 28,8% từ 19,9 tỉ lên 25,7 tỉ USD), cũng thấp hơn mức tăng trưởng của toàn thế giới (tăng 28,9% từ 710,6 tỉ lên 916,3 tỉ USD).

 

Thứ hai, trong năm 2005 dòng vốn FDI Việt Nam thu hút được chỉ chiếm 7,9% tổng vốn FDI chảy vào các nước Đông Nam Á, chỉ chiếm 0,6% tổng vốn FDI chảy vào các nước đang phát triển, và chỉ bằng 0,22% tổng vốn FDI toàn cầu trong năm 2005.

 

Thứ ba, xét về tổng lượng vốn FDI tính đến hết năm 2005, Việt Nam chỉ chiếm 8,3% tổng vốn đã thu hút được của Đông Nam Á, 1,13% tổng lượng vốn đã chảy vào các nước đang phát triển, và bằng 0,3% tổng lượng vốn FDI đã đầu tư trên toàn thế giới.

 

Thứ tư, điểm tiến bộ là Việt Nam đã lọt vào danh sách top 50 nước có các hiệp định đầu tư song phương (đã ký 48 hiệp định) và hiệp định tránh đánh thuế hai lần (đã ký 45 hiệp định). Trong danh sách này, Trung Quốc đã ký 117 hiệp định đầu tư song phương và 95 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước khác.

 

Thứ năm, khi xếp hạng 141 nền kinh tế về hiệu quả đầu tư của vốn FDI (trên cơ sở lấy số liệu của 3 năm liên tiếp), thứ hạng của Việt Nam tuy khá cao nhưng đang tụt dần: hạng 46 (năm 2003), hạng 52 (năm 2004) và hạng 53 (năm 2005).

 

Về tiêu chí này, một số nền kinh tế quanh Việt Nam có thứ hạng rất cao như Singapore (hạng 6, 7, và 5 trong ba năm liên tiếp), Hồng Kông (hạng 8, 6, và 3 trong các năm từ 2003 đến 2005)

 

Thứ sáu, cũng theo xếp hạng của Liên hợp quốc, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam đang tụt hạng dần qua các năm: hạng 66 trong năm 2002, hạng 68 trong năm 2003, và hạng 74 trong năm 2004 (UNCTAD chưa xếp hạng cho năm 2005).

 

Trong vài tháng qua, đã có những thông tin về sự tụt hạng của Việt Nam trong năng lực cạnh tranh (đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới), trong môi trường kinh doanh (đánh giá của Ngân hàng Thế giới).

 

Hôm nay lại có thêm một báo cáo của Liên hợp quốc. Tuy mỗi tổ chức quốc tế sử dụng những tiêu chí khác nhau, nhưng đều thể hiện sự đánh giá nhất quán và đáng lo ngại: chúng ta hiện chưa theo kịp tốc độ của thế giới.



Theo Dan tri
Báo cáo phân tích thị trường