Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
4 đề xuất giúp làng nghề thoát “cơn bĩ cực”
10 | 10 | 2008
Kiến nghị của ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam về những giải pháp giúp các làng nghề vượt qua “cơn bĩ cực”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, xin ông cho biết khối doanh nghiệp làng nghề hoạt động thế nào?

Tình thế đã rơi vào nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, hầu hết các doanh nghiệp làng nghề đang phải trải qua cơn bĩ cực. Trong tất cả các doanh nghiệp thuộc 2.017 làng nghề trên toàn quốc, ước tính có 20% doanh nghiệp bị phá sản trong năm nay; 20% số doanh nghiệp đang hoạt động thoi thóp; 60% số doanh nghiệp còn lại đang sản xuất cầm cự.

Ở nước ta, trong điều kiện dân còn quá nghèo, vốn liếng bỏ ra để lập doanh nghiệp nhiều khi là cả gia tài, vì vậy phá sản cũng đồng nghĩa với việc mất luôn cả gia sản và không thể khôi phục lại được.

Khối làng nghề cả nước đang giải quyết việc làm cho 14 triệu lao động, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, bởi vậy cần phải hạn chế sự phá sản của các doanh nghiệp làng nghề ở mức thấp nhất.

Xin ông cho biết những nguyên nhân nào đã đẩy khối doanh nghiệp làng nghề đến tình trạng như vậy?

Hoạt động của các doanh nghiệp làng nghề luôn vấp phải vô vàn khó khăn, do sản xuất kinh doanh thiếu tính bài bản. Đa phần doanh nghiệp làng nghề thuộc quy mô nhỏ (chỉ khoảng 50 công nhân) và quy mô siêu nhỏ (dưới 20 công nhân) sản xuất thu gọn trong hộ gia đình.

Có tới 80% số chủ doanh nghiệp làng nghề xuất thân từ nông dân, trình độ văn hoá chỉ từ cấp 3 trở xuống, trình độ quản trị của các chủ doanh nghiệp thấp...

Năm nay do thiếu vốn và chi phí đầu vào tăng cao đã khiến khó khăn của khối doanh nghiệp làng nghề càng trở nên gay gắt. Giá thành đầu vào tăng chóng mặt bởi nhiều chi phí đồng loạt tăng: giá nguyên vật liệu, lãi suất tín dụng, chi phí vận chuyển, giá nhân công...

Việc siết chặt nguồn vốn, tăng lãi suất ngân hàng thời gian qua là điều cần thiết để kiềm chế lạm phát, nhưng với mức lãi suất cho vay 20-21%/năm hiện nay là quá cao, khiến doanh nghiệp làng nghề không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để duy trì sản xuất.

So với những doanh nghiệp ở thành thị hay khu công nghiệp, các doanh nghiệp làng nghề khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn nhiều, doanh nghiệp nghiệp lớn thường có hệ thống trang thiết bị giá trị lớn để thế chấp, trong khi doanh nghiệp làng nghề chỉ có thể thế chấp bằng nhà đất, tài sản và trang thiết bị máy móc giá trị rất thấp.

Các doanh nghiệp lớn đều đã quen với những thủ tục vay vốn phức tạp, nhưng doanh nghiệp làng nghề vẫn rất lúng túng khi làm hồ sơ vay vốn. Ngân hàng thường xem xét phương án kinh doanh và khả năng hoàn trả vốn của doanh nghiệp rồi mới cho vay, nhưng các doanh nghiệp làng nghề lại rất khó soạn thảo được bản phương án sản xuất với những phân tích lý luận chặt chẽ để thuyết phục.

Do không chủ động được kế hoạch trả nợ ngân hàng, nên rất nhiều doanh nghiệp buộc phải vay những “quỹ tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ” 7 - 10%/tháng để đáo nợ ngân hàng.

Để các làng nghề vượt qua “cơn bĩ cực”, cần phải có những giải pháp nào thưa ông?

Thứ nhất, việc cấp bách hiện nay là phải giúp doanh nghiệp làng nghề tháo gỡ khó khăn về vốn. Các ngân hàng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp làng nghề được vay vốn dễ dàng với lãi suất ưu đãi, gia hạn đáo nợ cho những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Về lâu dài, nên thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng ở mỗi địa phương. Để các ngân hàng yên tâm cho vay vốn, quỹ này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp xây dựng phương hướng kinh doanh thiết thực. Nguồn vốn của quỹ bảo lãnh được tạo từ 3 nguồn: do doanh nghiệp đóng góp; ngân hàng góp vốn; và ngân sách Nhà nước.

Tháng 12/2001, Chính phủ đã có Quyết định về Quy chế thành lập, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng cho đến nay, quỹ mới được thành lập ở 9 tỉnh, trong đó chỉ có 3 quỹ ở Trà Vinh, Yên Bái và Vĩnh Phúc là chính thức hoạt động.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ các làng nghề, không chỉ chú trọng vấn đề vốn mà còn hỗ trợ đào tạo nhân lực và phát triển thị trường.

Thứ hai, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở làng nghề cần hướng tới việc thoát ra khỏi gia công sản phẩm. Chúng ta phải tự mình thực hiện tất cả các khâu để thu lợi nhuận toàn bộ. Muốn vậy phải phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ ba, cần di chuyển hết các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất từ hộ gia đình ra những cụm công nghiệp làng nghề tập trung.

Thứ tư, cần phải tăng cao thu nhập của nhân công làng nghề để giữ chân lao động. Đồng thời, phải quan tâm tới các nghệ nhân làng nghề, vì họ là “báu vật nhân văn sống”, mang trong mình tinh hoa của nghề và văn hoá dân tộc.


Nguồn: www.vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường