Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tích tụ ruộng đất: Bắt đầu từ công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực
09 | 01 | 2009
Một trong những giải pháp để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp là tăng quy mô sản xuất nhằm phát huy lợi thế quy mô kinh tế.

Có 2 hình thức tăng quy mô sản xuất nông nghiệp. Một là, thông qua các hình thức kinh tế hợp tác, đất đai được tập trung, nhưng không làm thay đổi quyền sử dụng đất. Hai là, tập trung đất đai làm thay đổi quyền sử dụng đất, qua phương thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bài viết này đề cập đến hình thức tích tụ thứ 2.

Số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, tính đến cuối năm 2005, tỉnh Thái Bình có khoảng 6.400 hộ ở 100 xã bỏ ruộng, tương ứng với khoảng 45% lao động đã chuyển khỏi nông nghiệp, và 20 vạn người đi làm ăn xa. Khi lao động nông thôn ra đô thị làm việc, đất nông nghiệp bị bỏ hoá hoặc không chăm sóc. Nông dân trả lại đất nhận khoán công ích cho chính quyền. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở tỉnh Thái Bình.

Ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), diện tích màu vụ đông đang giảm mạnh, diện tích màu luân canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng giảm. Hệ số quay vòng trên đất canh tác cả nước năm 2006 là 1,76, giảm 5% so với năm 2003, trung bình mỗi năm giảm 1,6%.

Bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, thu nhập từ nông nghiệp chỉ còn chiếm phần nhỏ trong thu nhập của hộ, người nông dân không còn dồn sức cho sản xuất nông nghiệp mà dành vốn, dành sức cho hoạt động phi nông nghiệp. Mặt khác, trong thời kỳ toàn cầu hoá, nông sản phải cạnh tranh ngay trên sân nhà. Chỉ có những người sản xuất giỏi, có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể cạnh tranh với thị trường. Có thể thấy, cơ hội tích tụ, tập trung hoá ruộng đất đã đến.

Tuy vậy, những cái bẫy tiểu nông đang dần xuất hiện trở lại với những thách thức không được giải quyết nóng vội.

Thứ nhất, các hộ tiểu nông chưa có đủ sức mạnh để tự tái sản xuất mở rộng theo hướng trang trại hay nông hộ với quy mô ngày càng mở rộng. Đến năm 2006, mức tĩnh luỹ tăng lên rõ rệt, gần 1.600.000/người/năm, song vẫn thấp để có thể đầu tư sản xuất một cách hiệu quả. Nhưng ngay cả khi có thu nhập cao hơn, do mức sống khởi điểm còn thấp, nông dân có xu hướng chi vào xây dựng và nâng cấp nhà ở, chi cho ăn uống, mua sắm đồ gia dụng,vv…, rất ít gia đình tích luỹ tài sản hay đầu tư lớn phục vụ sản xuất.

Thứ hai, công nghiệp và đô thị không thu hút có hiệu quả lao động thừa từ nông thôn. Khả năng tạo việc làm ở lĩnh vực công nghiệp chỉ khoảng 2% nhu cầu, lĩnh vực dịch vụ đóng góp được 33% việc làm mới, số lao động còn lại chủ yếu dồn vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, trong tổng số hơn 44 triệu lao động, hiện nay, của nước ta, có tới 75% trong số này là lao động tạm thời, không ổn định. Số còn lại là lao động làm công ăn lương, thuộc khu vực chính thức. Tốc độ tăng của lao động chính thức rất chậm, chỉ khoảng 2%/năm. Như vậy, tích tụ ruộng đất ở nông thôn rất khó thực hiện, vì những người di cư ra ngoài, với thu nhập không ổn định, không muốn bán, nhượng hẳn đất của mình cho người khác.

Người không sản xuất vẫn giữ đất, bỏ phí trong khi nhiều người sản xuất giỏi, có thể trở thành các chủ trang trại lại không thể tập trung đất đai để sản xuất. Mặt khác, các vùng gần đô thị, các khu du lịch… đất nông nghiệp đã bắt đầu lên giá, chỉ có những người đầu cơ hoặc mua đất làm nhà vườn mới có thể mua nổi.

Thời gian tới, Luật Đất đai sửa đổi sẽ theo hướng: Tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân và giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài. Vậy làm thế nào để có thể thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai? Hay làm thế nào để nông dân tự do trong trật tự ra khỏi ngành nông nghiệp?

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã chỉ rõ, quyền sử dụng đất sẽ được vận động theo cơ chế thị trường. Đất đai trở thành nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh.

Nhưng để có một thị trường ruộng đất linh động, cần phải tạo được sự an toàn đối với ruộng đất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, có 13% số hộ bị thu hồi đất, tương ứng với khoảng 630.000 hộ. Lý do quan trọng nhất giảm diện tích đất của hộ là do Nhà nước thu hồi phục vụ cho các mục tiêu CNH-đô thị hoá. Đến năm 2006, có trên 80% các mảnh đất của các hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nó vẫn có thể bị thu hồi bất cứ khi nào.

Trong bối cảnh, thị trường ruộng đất chưa vận hành thuận lợi, để có thể tích tụ ruộng đất, cách giải quyết của Trung Quốc là chuyển sang thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, tỷ lệ ruộng đất thuê mướn trong tổng diện tích đất canh tác của nước này tăng liên tục, chiếm hơn 10%. Nhờ vậy, quy mô bình quân ruộng đất/hộ từ năm 2000 đến nay đã tăng lên, đảo ngược quá trình giảm đều suốt 15 năm trước trong sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc.

Nhưng tập trung hoá đất đai phải gắn liền với giải pháp chuyển lao động nông thôn sang thị trường lao động phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, đến năm 2006, cả nước có trên 30 triệu lao động nông thôn, trong đó có hơn 90% chưa qua đào tạo. Chỉ có khoảng 1% có trình độ đại học, còn lại là sơ cấp, công nhân kỹ thuật và trung cấp, cao đẳng.

Do vậy, giải bài toán tích tụ ruộng đất cần bắt đầu từ giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, cần phát triển nguồn nhân lực hướng vào đội ngũ lao động trẻ, hình thành một lực lượng lao động có học vấn, có kỹ năng, được đào tạo nghề đáp ứng cho xã hội công nghiệp hoá tương lai.

Trung Quốc thực hiện chính sách, kể từ ngày 1/9/2008, học sinh từ lớp 1-9 trên toàn nước này sẽ được miễn tất cả các khoản chi phí, bao gồm học phí và các khoản phụ thu, như chi phí nội trú, điện nước, đồng phục... Ngoài ra, học sinh là con em gia đình lao động nhập cư, có thu nhập thấp sẽ được cấp sách giáo khoa miễn phí, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi ở nội trú còn được hưởng chính sách trợ cấp, chính sách sinh hoạt phí hằng tháng.



Nguồn: VOVNEWS
Báo cáo phân tích thị trường