Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quốc hội thảo luận về tình hình đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề
26 | 07 | 2007
Ngày 7-11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 18, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Nội dung thảo luận trên cơ sở Báo cáo tổng hợp của Chính phủ do Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày, và Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Ðan trình bày. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh điều khiển phiên họp.

Theo hai báo cáo nói trên, đội ngũ nhà giáo nước ta, với gần một triệu thầy giáo, cô giáo và hơn 90.000 cán bộ quản lý giáo dục đã và đang lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà với quy mô hơn 22 triệu người đi học. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về đạo đức, trình độ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đang là vấn đề bức bách, cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, xã hội và của ngành giáo dục.

Tỷ lệ giáo viên mầm non, phổ thông đạt trình độ chuẩn theo quy định khá cao, ở giáo dục mầm non đạt 77,5%, tiểu học 96,5%, THCS 95%, THPT 97%. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông không đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu. Thế nhưng, hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, thể dục - thể thao và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục toàn diện về trí, đức, thể, mỹ cho học sinh.

Giáo viên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, nhìn chung có trình độ đại học và một số là công nhân lành nghề dạy thực hành. Nhưng, đội ngũ giảng viên đại học lại đang thiếu trầm trọng, trung bình là 28 sinh viên/giảng viên, ở một số lĩnh vực như kinh tế, dịch vụ thì tỷ lệ là gần 40 sinh viên/giảng viên (ở nhiều nước, tỷ lệ này là 15-20 sinh viên/giảng viên).

Những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo một cách hệ thống ở nước ngoài, có kinh nghiệm sư phạm, đang là những người chủ trì các chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước..., nay hầu hết đã ở độ tuổi 70 và đã về hưu, trong khi đó đội ngũ kế cận thì chưa được chuẩn bị ngang tầm để thay thế.

Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo hệ chính quy, các trường đại học còn mở các lớp đại học, cao đẳng tại chức; đồng thời lại tổ chức liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên của nhiều tỉnh, với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức mở các lớp tại chức ngoài nhà trường. Do đó, dẫn đến tình trạng số giờ giảng dạy của một giảng viên đại học ở nước ta khá cao, có trường hợp lên tới 800-1.000 giờ/năm (ở nước ngoài khoảng 300-400 giờ/năm).

Như vậy, nhiều giảng viên không còn thời gian tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Công tác nghiên cứu khoa học bị hạn chế. Ðây thật sự đang là vấn đề rất đáng quan tâm đối với đội ngũ giảng viên đại học ở các trường đại học nước ta, vì điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Thảo luận về hai báo cáo nêu trên, nhìn chung ý kiến các đại biểu đều tập trung   phân tích và làm rõ nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ðại biểu Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa) nhận xét: Tình trạng chất lượng giáo dục kém, học giả, bằng giả..., có một phần trách nhiệm không nhỏ từ phía các phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh, muốn con cái có bằng cấp này nọ, nên cố tình chạy chọt, lo lót, mà không nghĩ đến hậu quả về sau, không nghĩ đến tác hại đối với xã hội.

Nếu không có sự giúp sức, hậu thuẫn của các bậc cha mẹ, thì học sinh không thể làm được những việc gian dối trong học hành, thi cử.  Vì vậy, bên cạnh biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm cho các học sinh, các bậc làm cha, làm mẹ, đại biểu Trần Thị Thanh Huyền cũng đề nghị Chính phủ nên có những hình thức xử lý thật nghiêm khắc với các trường hợp cố tình gian dối, gian lận trong thi cử, bất kể đó là ai.

Nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về mọi mặt, là giải pháp mang tính trung tâm, có  ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị Nhà nước nên có chính sách quan tâm thích đáng đến đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục.

Ðại biểu Lê Thị Tường Văn (Gia Lai) cho biết: Phần lớn cán bộ quản lý giáo dục của ta hiện nay là những thầy, cô giáo có thành tích nổi bật trong công tác dạy học, được cất nhắc lên làm quản lý. Nhưng, thực tế là hầu hết trong số họ đều không được cập nhật về nghiệp vụ quản lý giáo dục hiện đại, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu các kiến thức về pháp luật, quản trị nhân sự, tài chính, hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học..., nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý giáo dục hiện đại.

Cũng đề cập nội dung này, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Ðà Nẵng) đề nghị: Không nên cứ thấy thầy, cô nào dạy giỏi là cất nhắc làm quản lý. Bởi, không phải ai dạy giỏi cũng sẽ trở thành nhà quản lý giỏi. Quản lý giáo dục và dạy học có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc trong cách làm, thì cán bộ quản lý chưa thấy đâu, chỉ thấy mất đi một người thầy dạy giỏi.

Ðại biểu này kiến nghị Chính phủ giải tán hệ thống các trường đại học, cao đẳng khối sư phạm trong cả nước, để thành lập ba trường đại học ở ba vùng bắc, trung, nam. Với cách làm này, chúng ta sẽ có đủ điều kiện về nhân tài, vật lực đầu tư cho "cỗ máy cái" trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Ðại biểu Ðỗ Nguyên Phương (Bình Phước) kiến nghị: chú trọng "xây" hơn "chống". Trong quá khứ chúng ta có phong trào "hai tốt" (dạy tốt và học tốt) và không ai có thể phủ nhận được những thành tựu vượt bậc mà phong trào này mang lại.

Nhiều ý kiến khác cũng tán thành với đại biểu Ðỗ Nguyên Phương là bên cạnh việc chống tiêu cực trong ngành giáo dục phải chú ý đến "xây". Ðây mới là giải pháp chính, lâu dài đối với ngành giáo dục. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phong trào hai không, không phải là chìa khóa vạn năng. Ðại biểu này nhấn mạnh, vai trò của người quản lý giáo dục lúc này là rất quan trọng, đòi hỏi phải có bản lĩnh.

Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) đề nghị, bên cạnh việc phê phán tiêu cực rất cần nêu gương người tốt, việc tốt, mà những tấm gương này trong ngành giáo dục không ít. Nhiều ý kiến đề nghị, phải tiếp tục chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, quan tâm đến đời sống đội ngũ giáo viên mầm non, tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu giáo viên ở miền núi.

Ðại biểu Lê Quang Minh (Cần Thơ) đề nghị Chính phủ cần có một đề án về xã hội hóa giáo dục và thành lập Hội đồng phát triển nguồn nhân lực do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.

Kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến, bước đầu tiếp thu và giải trình về những vấn đề các đại biểu QH quan tâm, thảo luận.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường