Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục: Bài 2: Cần có "khoán 10" trong giáo dục
06 | 08 | 2007
Tài chính cho giáo dục cũng là vấn đề rất quan trọng đã được nêu trong báo cáo của Thủ tướng trước QH: Đó là cần sửa đổi chế độ học phí đi đôi với đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo, xác định đầy đủ chi phí dạy và học, chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa Nhà nước, xã hội và người học...

Cần đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục: Bài I: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường đại học

Về tài chính cho giáo dục

Đối với giáo dục phổ cập bắt buộc được quy định trong Hiến pháp, Nhà nước cần bao cấp 100% để đảm bảo cho mọi trẻ em được học tập và bình đẳng với nhau về điều kiện học tập, đảm bảo cung cấp các kiến thức tối thiểu cho các công dân trẻ.

Song, vì sự đầu tư của Nhà nước cho giáo dục phổ cập bắt buộc cũng chỉ có hạn cho nên Nhà nước vẫn cho phép mở các trường ngoài công lập chất lượng cao trong phạm vi kiến thức phổ cập bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu của những người có nguyện vọng và điều kiện.

Để có trình độ học vấn cao hơn mức phổ cập bắt buộc và để có những kiến thức hành nghề sau này, người học phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí, mức đóng góp tuỳ thuộc từng địa phương, từng trình độ, từng ngành nghề.

Vấn đề miễn - giảm học phí, cấp học bổng hoặc cho vay vốn để học đối với học sinh nghèo học giỏi, học sinh thuộc diện chính sách sẽ được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, ở bậc học phổ thông cũng như bậc học đại học.

Tâm lý ngại đi vay nợ của người dân cần được xoá bỏ. Vay nợ cho con em đi học là cách làm khôn ngoan, gia đình cần theo dõi, giúp đỡ động viên con em mình học cho giỏi, sau này ra đời có việc làm, có thu nhập sẽ trả nợ. Điều phi lý đang diễn ra hiện nay làm nảy sinh biết bao tiêu cực trong giáo dục ở nước ta là việc định giá không đúng và chi trả thấp cho các hoạt động giáo dục.

Lương giáo viên thấp, chưa đủ bù đắp cho một nửa nhu cầu cuộc sống tối thiểu của họ để nuôi sống bản thân và những người trong gia đình mà họ có bổn phận nuôi dưỡng. Học phí rất thấp, không đủ để đảm bảo cho nền giáo dục có chất lượng. Đầu tư cho giáo dục vừa chưa đủ, vừa bị sử dụng kém hiệu quả, thất thoát.

Lúc này, một mặt cần phải chống thất thoát, nâng cao hiệu quả và nguồn đầu tư cho giáo dục, mặt khác cần phải tăng cường hơn nữa các nguồn đầu tư cho giáo dục từ ngân sách nhà nước, từ sự đóng góp của nhân dân, chi trả thoả đáng cho giáo viên.

Thật là không tưởng và duy ý chí khi chúng ta mong muốn có một nền giáo dục chất lượng cao, theo kịp các quốc gia tiên tiến trong khi đầu tư cho giáo dục thấp, học phí thấp.

Giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường đại học

Trong các phần trước, chúng tôi cũng đã lý giải vì sao cần giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường đại học.

Ở đây, chỉ xin nhắc lại rằng, việc làm này cũng tương tự như khoán 10 trong nông nghiệp trước kia, đã giải phóng sức sản xuất của nông dân, đưa Việt Nam từ chỗ một nước thiếu ăn đến chỗ xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới.

Mỗi trường đại học là một trung tâm trí tuệ, có hiểu biết sâu về lĩnh vực đào tạo của mình, thấu hiểu nhất các vấn đề của nội bộ nhà trường, có tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng, có đủ điều kiện cần thiết để hoạt động (đối với các trường đại học tư, các điều kiện này đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra kỹ lưỡng khi ra quyết định thành lập trường).

Họ cần được trao quyền tự chủ đầy đủ để phát huy cao nhất tính năng động và sáng tạo của tập thể nhà trường, để các hoạt động của nhà trường đạt được hiệu quả cao.

Trường cần được tự quyết định nội dung đào tạo về chuyên môn. Kiến thức của loài người đang tăng lên nhanh chóng và luôn luôn biến động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

Nội dung chuyên môn cũng phải thay đổi kịp thời để theo kịp với thực tiễn (Thời gian trung bình là 6 tháng đối với CNTT). Chính là nhà trường chứ không phải là bộ, là nơi có hiểu biết và cập nhật nhanh nhất các thông tin trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đào tạo.

Vì vậy, nhà trường cần được trao quyền tự quyết định nội dung đào tạo về chuyên môn. Bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình thông qua các tổ chức kiểm định chất lượng - kiểm tra chặt chất lượng đầu ra trong khi mở rộng đầu vào.

Trường cần tự quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Căn cứ vào các khung pháp lý và quy chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, căn cứ vào nhu cầu nhân lực của việc làm (do các bộ, ngành, các doanh nghiệp đưa ra hàng năm) và khả năng thực tế của nhà trường, trường được tự quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh.

Như vậy, không nên tổ chức kỳ thi đại học trong toàn quốc theo kiểu ba chung như đã làm, vừa tốn kém, vừa căng thẳng và chưa chắc đã lựa chọn được người tài theo đúng chuyên môn cần đào tạo.

Chẳng hạn, một trường chuyên đào tạo công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho xuất khẩu phần mềm, sẽ đòi hỏi thí sinh không chỉ kiến thức về các khoa học cơ bản, mà còn khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, tính năng động...

Từng trường có mẫu văn bằng riêng, đặc trưng cho trường mình. Trường được quyền in ấn, cấp phát bằng và chứng chỉ cho các học viên và tự chịu trách nhiệm về chất lượng văn bằng của mình.

Luật Giáo dục và các nghị quyết, chính sách của Nhà nước đã có đủ để ngành giáo dục nước ta tự vận động, đổi mới. Nếu chúng ta biết phát huy trí tuệ của cả đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học và của toàn dân thì chắc chắn rằng giáo dục nước ta sẽ mau chóng tiến lên, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và xã hội, theo kịp các nước tiên tiến.

GS Nguyễn Văn Đạo - Đại học Quốc gia Hà Nội



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường