Mới đây Saigon Co.op đã mở hệ thống cửa hàng tiện ích chuyên doanh thực phẩm tươi sống, sơ chế (chuỗi cửa hàng chuyên doanh thực phẩm Co.op Food) với mục tiêu lấy khách mua hàng mỗi ngày trong các khu dân cư.
Năng động hơn
Không riêng Saigon Co.op, nhiều nhà bán lẻ khác cũng đã vào cuộc mở cửa hàng tiện ích và trong năm 2008 đã có thêm gần 500 điểm bán mới: các chuỗi cửa hàng Shop & Go, Speedy, Vina 24h, cửa hàng thụộc các công ty Vissan, Cầu Tre, CP…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, giám đốc chuỗi Speedy cũng như bà Trần Thị Tuyết Hoa, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart và chuỗi cửa hàng Best & Buy đều có chung nhận định: nhu cầu mua sắm tiện lợi sẽ tăng nhanh và cửa hàng tiện ích sẽ thu hút người tiêu dùng khi cần mua sắm nhanh.
Kênh bán lẻ truyền thống cũng thay đổi. Trong các chợ, từng sạp hàng cũng đã thay đổi, nâng cấp bằng dịch vụ và bằng hình ảnh. Những sạp hàng bằng kính, bằng inox, bằng mây tre lá có thiết kế đẹp mắt thay cho các sạp kiểu cũ.
Từ gốc là các tiệm tạp hoá, nhiều người bán đã nâng cấp lên thành cửa hàng tự chọn, nhưng hình thức dịch vụ vẫn mang sự thân thiện, tính tiền thủ công như tiệm tạp hoá cũ, nên khách thấy tiện hơn mà người bán cũng tiết kiệm được nhiều chi phí. Nhiều cửa hàng tạp hoá có diện tích rộng đã kết hợp với các nhà cung cấp thay đổi trình bày, trang bị máy trữ lạnh, tính tiền bằng máy… và hình thành các siêu thị mini.
Các siêu thị, ngoài việc bán hàng “bách hoá tổng hợp”, có những đầu tư sâu cho các phân khúc khác nhau. Chẳng hạn, Metro nhắm vào kênh doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê…. Vinatexmart chuyên doanh hàng may mặc của doanh nghiệp Việt Nam. Medicare chuyên sản phẩm chăm sóc sức khoẻ.
Năm 2008 có sự xuất hiện của các đại siêu thị. Big C Đồng Nai là điểm đầu tiên có quy mô lớn chứa đến hơn 50.000 mặt hàng. Cũng đã có trung tâm thương mại phức hợp, kết hợp cả mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ tiện ích khác cho gia đình như Lotte Mart và dự kiến sắp tới là Co.opmart Tân Phong.
Còn nhiều tiềm năng
Các nghiên cứu về hành vi, tâm lý tiêu dùng cũng đã chỉ ra nhu cầu mua sắm ở kênh bán lẻ hiện đại đang tăng lên, nhất là ở các vùng đô thị như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Chính điều này tạo sự an tâm hơn cho các nhà kinh doanh khi đầu tư vốn vào lĩnh vực mà không gian phát triển còn lớn.
Từ 14 siêu thị năm 2005, đến cuối 2008 đã có đến 70 siêu thị. Và doanh thu của siêu thị liên tục tăng. Co.opmart có doanh thu tăng từ 35% đến gần 50% mỗi năm. Hầu hết các siêu thị đang kinh doanh trên địa bàn TP.HCM như Vinatexmart, Citimart, Maximark, Big C… cũng đều đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 30% trở lên.
Nghiên cứu thị trường bán lẻ Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hoà – chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết: “Có đến hơn 50% số hộ gia đình ở thành thị đã đi mua sắm ở các kênh phân phối hiện đại hàng tháng, trong đó 30% đi mua sắm ở siêu thị, 12% ở siêu thị bán sỉ, 8% ở trung tâm thương mại, 2% ở siêu thị nhỏ. Chi tiêu ở thương mại hiện đại gia tăng thường xuyên 17%/năm và chi tiêu 87.000 đồng/lần.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ hệ thống Maximark nói: “Các hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài như Metro, Big C đã vào Việt Nam bấy lâu, nhưng doanh thu và lượng khách của các siêu thị trong nước không giảm. Thị trường bán lẻ còn rất nhiều cơ hội, mỗi người sẽ có chỗ đứng và có khách hàng riêng cho mình”.
Nếu tính theo quy hoạch của ngành thương mại, mỗi 100.000 dân cần một trung tâm thương mại lớn, 10.000 dân cần một siêu thị và 1.000 dân cần tối thiểu 1 - 3 cửa hàng tiện ích, thì số lượng điểm bán hàng hiện đại vẫn còn ít.