Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải quyết việc làm cho lao động (LĐ) Việt Nam: Nghịch lý thiếu, thừa...
17 | 12 | 2008
Được đánh giá là nước có nguồn LĐ dồi dào, lực lượng LĐ trẻ nhưng VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giải quyết việc làm.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2007, số LĐ trong độ tuổi LĐ là 44,16 triệu người. Nhìn toàn cảnh, LĐVN phần lớn vẫn là LĐ giản đơn, thiếu LĐ có kỹ năng, thừa LĐ ở đồng bằng, thiếu LĐ ở miền núi...

Đây là thách thức lớn về nhân lực trong phát triển KT-XH đất nước, đặc biệt khi VN hội nhập vào kinh tế thế giới. Đây cũng là chủ đề "nóng" được bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị Việc làm và XKLĐ do Bộ LĐTBXH chủ trì ngày 15.12 tại Hà Nội.

Việc làm trong nước: Cung lớn hơn cầu

Theo Bộ LĐTBXH: Với tốc độ tăng dân số cao trên 1%/năm, mỗi năm, VN có hơn 1 triệu LĐ bước vào độ tuổi LĐ. Cộng với số LĐ bị thất nghiệp từ các năm trước chuyển sang, số LĐ nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp, số LĐ dôi dư do sắp xếp lại DN nhà nước... ước tính giai đoạn 2006-2010 khoảng 8 triệu người có nhu cầu giải quyết việc làm.

Đây là sức ép lớn trong giải quyết việc làm khi mà thị trường LĐ hiện nay, cung LĐ vẫn lớn hơn cầu LĐ. Năm 2007, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,91%, tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 5,79%.

Để giảm dần sức ép này, từ năm 2006 đến nay, thông qua các chương trình phát triển KT-XH, tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm..., cả nước đã có 4,7 triệu LĐ được giải quyết việc làm trong nước. Năm 2008, tuy nền kinh tế bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng tạo việc làm từ khu vực phi chính thức tăng lên, ước tính cả năm tạo việc làm cho 1,28 triệu LĐ.

Xuất khẩu LĐ: Một kênh tạo việc hiệu quả

Trong khi tạo việc làm trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì XKLĐ được đánh giá là kênh giải quyết việc làm và xoá nghèo khá hiệu quả cho nhiều địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà: Số lượng LĐ đi làm việc ở nước ngoài tăng đều mỗi năm. Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm VN đưa được khoảng 83.000 LĐ, chiếm khoảng 5% tổng số LĐ được giải quyết VL.

Hiện, có khoảng 500.000 LĐVN làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Thống kê chưa đầy đủ, hàng năm NLĐ gửi về nước khoảng 1,6 - 2 tỉ USD, trong đó riêng ở Hàn Quốc với gần 50 ngàn LĐ, hàng năm gửi về nước trên 700 triệu USD, LĐVN ở Nhật Bản chuyển về hơn 300 triệu USD. Chỉ tính riêng năm 2006, báo cáo từ nhiều địa phương cho thấy, số tiền NLĐ gửi về cho gia đình gần bằng hoặc cao hơn thu ngân sách của địa phương, như Nghệ An: 690 tỉ đồng, Thanh Hoá: 650 tỉ đồng, Thái Bình: 638 tỉ đồng, Phú Thọ: 600 tỉ đồng...

Ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý LĐ ngoài nước - cho hay: Điều đáng mừng là XKLĐ năm 2008 phát triển tăng thị phần tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., đặc biệt, tại Hàn Quốc năm 2008, VN đã đưa được 12.000 LĐ mới và trên 6.000 LĐ được tái tuyển dụng. Với Nhật Bản, ngoài chương trình hợp tác thông qua các DN, VN đã mở thêm được chương trình phi lợi nhuận- theo đó, NLĐ không phải chịu phí trước khi đi, nâng tổng số tu nghiệp sinh sang Nhật năm nay lên trên 6.000 LĐ.

Vẫn còn nhiều sức ép

Năm 2009, tạo việc làm trong nước và ngoài nước cho LĐVN vẫn là thách thức khi LĐVN còn đối mặt với nhiều hạn chế, nhất là chất lượng LĐ chưa cao. LĐVN chủ yếu làm việc trong nông nghiệp (trên 50%), LĐ ở khu vực nông thôn chiếm chủ yếu (khoảng 75%) gây sức ép lớn về giải quyết việc làm ở khu vực này- trong khi VN chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế và tăng cường hội nhập.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: VN cần tranh thủ lợi thế về LĐ trẻ để giải quyết việc làm cho NLĐ và nâng cao sức cạnh tranh trong phát triển KT-XH đất nước. Muốn vậy, cần làm tốt công tác nghiên cứu cung-cầu thị trường LĐ, đưa ra đề án hoạch định giải quyết việc làm dài hạn.

Tập trung đào tạo nghề cho NLĐ là vấn đề quyết tử, trọng tâm của giải quyết việc làm trong nước và XK, trong đó đào tạo phải thích ứng với cầu LĐ, đúng ngành nghề thị trường có nhu cầu. Riêng với đào tạo LĐ đi XK phải chú trọng 4 vấn đề: Ngoại ngữ; văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của đất nước NLĐ đến làm việc; pháp luật LĐ của nước sở tại và đào tạo nghề phù hợp.

Từ 2009-2010, Bộ LĐTBXH đề ra mục tiêu: Giải quyết việc làm cho 3-3,2 triệu LĐ, trong đó từ dự án cho vay giải quyết việc làm là 600-700 LĐ; duy trì tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 5%; giảm tỉ lệ LĐ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp xuống dưới 50% năm 2010. Về XKLĐ, bình quân mỗi năm đưa được 100.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 60% LĐ qua đào tạo nghề, 5-10% là LĐ ở các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao.



Nguồn: Lao động Online
Báo cáo phân tích thị trường