Ngô Khuê lập luận: “Như vậy, khách hàng ở khu vực Đồng Tháp Mười và các tỉnh lân cận sẽ tới dễ dàng hơn là ở cù lao Thanh Bình. Hơn nữa, lúa giống là hàng cồng kềnh, nông dân trong miệt đồng thường vận chuyển bằng đường thủy”. Ngô Khuê đang ấp ủ ước mơ sản xuất ra những giống lúa mới, chất lượng cao cung cấp cho đông đảo bà con nông dân để nâng cao giá trị hạt gạo làm ra.
Khởi nghiệp
Năm 1994, chỉ với 0,7 héc ta được chọn làm điểm khảo nghiệm giống, nhờ cẩn thận trong việc theo dõi các chỉ tiêu, so sánh các giống, áp dụng đúng quy trình, cộng với sự chịu khó, anh Khuê đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp và các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL tín nhiệm. Mỗi vụ, anh Khuê nhận khảo nghiệm từ 20-30 giống để chọn ra giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được một số sâu bệnh phổ biến. Cứ như vậy, việc sản xuất lúa giống đã gắn bó với anh hồi nào không hay.
Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, năm 1996, anh Khuê mạnh dạn chuyển sang sản xuất lúa giống phục vụ cho những nông hộ lân cận. Để được nhiều người biết, anh treo tấm bảng trước cổng nhà với dòng chữ “Có bán lúa giống” nhưng bị chính quyền địa phương phạt 200.000 đồng, với lý do nông dân không thể sản xuất được lúa giống, đó là công việc của các viện, trường, trạm. Nhưng niềm say mê đã giúp anh vượt qua trở ngại, dù lúc này, chênh lệch mỗi ký lúa giống cấp xác nhận (cấp giống dùng để sản xuất lúa hàng hóa) so với lúa hàng hóa chỉ 100-200 đồng.
Để cập nhật thông tin về giống lúa, sau mỗi vụ, anh đều tìm đến các viện, trường, trung tâm giống để tham quan, tìm hiểu giống lúa triển vọng rồi mua về nhân ra đại trà, dần dần trở thành đối tác tin cậy của những nơi này. Thạc sĩ Huỳnh Quang Tín - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), nhận xét: “Những thí nghiệm tại ruộng của anh Khuê cũng được tiến hành tương tự tại các trại giống, số liệu được thu thập, tính toán chính xác để sử dụng ở góc độ cộng đồng lẫn góc độ khoa học”.
Từ năm 1996 đến nay, hơn 100 giống lúa đã được khảo nghiệm, so sánh, chọn lọc trên ruộng lúa của anh Khuê. Nhiều giống lúa đã được chọn trong bộ giống lúa quốc gia, như: OM 2718, VND 95-20, MTL 250...
Được các viện, trường tin cậy và gắn bó thân quen với nhiều nông dân, anh Khuê có thêm điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh lúa giống. Sản lượng và diện tích lúa giống của anh tăng lên hàng năm nhờ kết hợp với những nông dân “nòi” làm vệ tinh. Mỗi vụ, những ruộng lúa giống của anh đều được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm nông nghiệp và phân bón vùng Nam bộ (Cục Trồng trọt) lấy mẫu kiểm định chất lượng và cấp giấy phép lưu hành.
Giải thích lý do vì sao tuân thủ nguyên tắc như vậy, anh Khuê nói: “Hạt giống phải đạt tiêu chuẩn và chất lượng cao nhất thì nông dân mới đến với mình”. Việc sản xuất kinh doanh thuận lợi, cuối năm 2003, anh Khuê thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng lúa giống, cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong lĩnh vực này ở Đồng Tháp.
Cùng nhau làm giàu
Mười lăm nông dân lân cận được anh Ngô Khuê quy tụ thành tổ sản xuất lúa giống do anh làm tổ trưởng. Những thành viên mới bước vào nghề được hướng dẫn thêm cách sản xuất lúa giống cấp xác nhận. Ai làm tốt hơn sẽ được hướng dẫn cách sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng, như: chọn thời điểm xuống giống đồng loạt, làm đất bằng phẳng, gieo mạ, cách cấy mạ một tép theo băng, khử lẫn, kiểm nghiệm chất lượng hạt giống của cán bộ kỹ thuật... Với cách này, nhiều nông dân trong tổ trước đây thường lấy lúa thịt làm lúa giống, nay chẳng những tự sản xuất được lúa giống cấp xác nhận mà còn sản xuất được lúa giống nguyên chủng.
Bên cạnh 2,5 héc ta lúa thu đông với giống OM 6073 trĩu bông, hạt sáng chắc, anh Lê Văn Ngoan, thành viên của tổ sản xuất giống Tân Bình, nói: “Nhờ được hướng dẫn cách sản xuất lúa giống nên chẳng những đạt năng suất cao mà còn bán được giá hơn lúa thường từ 1.500-2.000 đồng/ki lô gam, ai cũng phấn khởi”.
Còn anh Huỳnh Nhựt Tâm, cũng là thành viên của tổ, có 3 héc ta đất mỗi năm sản xuất từ 20 - 30 tấn lúa giống nguyên chủng, thì nói: “Nhờ sản xuất lúa giống bán được giá nên đời sống khá hơn hẳn so với trước đây”.
Cũng nhờ tác động của tổ sản xuất giống Tân Bình mà vùng năm xã cù lao huyện Thanh Bình hiện có hơn 98% diện tích đất sản xuất sử dụng giống lúa chất lượng cao. Kỹ sư Phan Xuân Lạc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thừa nhận đạt được kết quả này có sự góp phần rất lớn của anh Khuê.
Anh Huỳnh Thanh Vân, nông dân xã Tân Long, cho biết nhờ sử dụng hạt giống chất lượng cao, kết hợp chăm sóc tốt mà nhiều vụ vừa qua, năng suất lúa của anh đạt từ 8-8,2 tấn/héc ta, lợi nhuận ngày càng tăng.
Trong lúc nhiều nơi, nông dân trồng giống lúa IR 50404 bán không ai mua thì nông dân vùng cù lao lại thắng đậm, với giống Jasmine, VD 20 giá 7.000-8.000 đồng/ki lô gam mà không đủ để bán. Năm xã cù lao huyện Thanh Bình với hơn 20.000 nhân khẩu và 4.500 héc ta lúa cũng là nơi có số hộ nghèo giảm nhanh nhất của huyện Thanh Bình.