Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp và người lao động trong bão tài chính
19 | 01 | 2009
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hết năm 2008, cả nước có gần 30 nghìn lao động (LĐ) làm việc trong các doanh nghiệp (DN) bị mất việc làm do suy giảm kinh tế. Dự báo, năm 2009, khoảng 150 nghìn LĐ thất nghiệp. Còn theo tính toán của Tổ chức LĐ quốc tế (ILO), cùng với sự sụt giảm GDP vào năm 2009, dự kiến con số công nhân (CN) mất việc làm sẽ chiếm khoảng 0,65%, tương đương 300 nghìn người trong tổng số 45 triệu CNLĐ… Đứng trước khó khăn trước mắt và lâu dài, DN, CN đang cố gắng, nỗ lực vượt khó. Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành cùng tổ chức Công đoàn (CĐ) đã và đang đưa ra các giải pháp khắc phục thực trạng này…

Hệ lụy từ “bão”


Công nhân lao động tìm việc làm sau khi thất nghiệp. Ảnh: Nguyệt Ánh

Trái với mọi năm, vào những ngày áp Tết, CNLĐ trực tiếp tại các nhà máy, xí nghiệp liên tục tăng ca để kịp các đơn hàng ký kết giữa chủ DN và đối tác; song năm nay, CN nhàn rỗi, thậm chí mất việc làm hàng loạt. Vẫn biết đó là hệ quả của lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế, song người lao động (NLĐ), không dễ gì trút bỏ nỗi buồn trước sự thiếu thốn, nhất là khi Tết đến xuân về...


Doanh nghiệp lao đao


Suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới tình trạng mất việc làm trên quy mô lớn, trong đó có Hà Nội. Tại 9 KCN tập trung của Hà Nội có 81.986 LĐ, chủ yếu sản xuất để xuất khẩu nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng này. Qua khảo sát của LĐLĐ TP Hà Nội, thu nhập của NLĐ hiện giảm từ 20-40%. Thống kê của Ban Quản lý các KCN-KCX ở Hà Nội cho thấy, 3-4 tháng gần đây, rất nhiều DN đã thông báo cắt giảm LĐ do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, không có đơn đặt hàng mới. Điển hình như Công ty Canon (KCN Thăng Long) với khoảng 1.200 LĐ phải cắt giảm, Công ty Nissei Electric giảm 300 lao động. Công ty CP Sữa Hanoimilk cũng vừa cho nghỉ việc gần 250 lao động, phần lớn là người địa phương mà DN đã nhận vào theo cam kết khi đền bù GPMB. Công ty Đèn hình Orion - Hanel ở KCN Sài Đồng B (Long Biên) vừa phá sản cũng khiến hàng nghìn LĐ bơ vơ, không có Tết... Bên cạnh đó, hàng loạt DN tuy không trực tiếp cắt giảm LĐ nhưng đưa ra các giải pháp như cho CN tạm ngưng việc hoặc nghỉ việc ăn lương từ 50-70%.


Báo cáo tổng kết công tác CĐ năm 2008 của LĐLĐ Hà Nội cho thấy, những tháng cuối năm 2008, nhiều DN do khó khăn về tiêu thụ sản phẩm đã thu hẹp sản xuất, giãn LĐ hoặc cho nghỉ tạm thời, khiến cho nhiều CNLĐ không có việc làm, kể cả các DN trong KCN tập trung. Hiện nay trên địa bàn TP có hơn 8.000 CNLĐ thiếu việc làm (chiếm 1,93%), trong đó hơn 4.600 CNLĐ mất việc làm do tác động của khủng hoảng tài chính; thu nhập bình quân của NLĐ chỉ đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng.


Trong tình trạng khó khăn chung, ngay cả các DN vốn có tiếng về ổn định sản xuất như Công ty Cơ khí chính xác số 1 và Công ty Cơ khí Cổ Loa (Hà Nội) thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cũng đã phải cho hàng trăm CN nhân nghỉ 2-3 ngày/tuần suốt từ tháng 10-2008 đến nay. Theo ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải, do tiêu thụ ô tô khó khăn, sản xuất đình đốn, thời gian qua, công ty đã phải cho hơn 500 CNLĐ nghỉ việc kéo dài và hưởng lương cơ bản; số LĐ còn lại cũng chỉ làm việc có 3 ngày/tuần. Ở các tỉnh phía Nam, tình hình còn gay gắt hơn. Theo thông tin chúng tôi thu nhận được, từ đầu tháng 12-2008 đến nay có khoảng 20 DN trong KCN-KCX TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn, kéo theo hơn 2.400 CN đã bị mất việc làm. Còn tại TP Đà Nẵng, số CN mất việc vào thời điểm này cũng đã lên tới gần 1.000 người. Ngoài việc cắt giảm LĐ, nhiều DN tại các KCN cho CN tạm ngừng việc hoặc nghỉ việc hưởng 70% lương cơ bản. Do không có việc làm hoặc đơn hàng giảm sút, một số DN phải sản xuất cầm chừng, không thực hiện tăng ca bình thường dẫn đến thu nhập của NLĐ giảm sút rất nhiều. Tại thời điểm này, thu nhập của NLĐ bị giảm 20-40% so với vài tháng trước đây và thấp hơn năm 2007.


Khủng hoảng tài chính dẫn đến việc nhiều công nhân lao động có thể mất việc làm Ảnh: Thu Giang

Người lao động giảm thu nhập và lo mất việc


Ghé khu nhà trọ của CNLĐ KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) những ngày này, một không khí vắng lặng bao trùm, rất nhiều căn phòng trọ cửa đóng then cài, do hầu hết CN thuê trọ bị mất việc đã bỏ về quê. Tại một khu trọ ở thôn Hậu (xã Kim Chung), một nhóm CN bị mất việc đang chuyền tay nhau tờ rơi tuyển lao động của các DN gần đó. Lê Thu Hoa - CN Công ty Canon giãi bày: "Nhiều DN rao tuyển nhưng qua tìm hiểu, chúng em thấy khả năng được ký hợp đồng rất khó; thậm chí phải trải qua thời gian thử việc, thi tay nghề, nản quá chị ạ. Chúng em tính về quê, chờ sau Tết trở lại tìm việc".


Tại khu nhà trọ của CNLĐ ở phố Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai), gần 10 giờ trưa phòng nào cũng chật người: nhóm thì cắm cúi nấu ăn hoặc dọn nhà, giặt giũ; số khác vẫn ngủ vùi. "Sao hôm nay mọi người rảnh rỗi thế, giờ này vẫn còn ở nhà ngủ?". "Không phải tăng ca, dậy sớm chẳng để làm gì, lại tốn tiền ăn sáng. Thôi thì ngủ nướng, đến bữa dậy ăn trưa luôn" - Nguyễn Thị Thu Lan - CN Công ty May Minh Trí (KCN Vĩnh Tuy) nhanh nhảu trả lời. Thảo - bạn của Lan tâm sự: "Cả tháng nay, tụi em không nấu nướng gì, ngày ăn cơm công ty, tối về nhà một gói mì là xong bữa. Bây giờ ra chợ, cái gì cũng đắt. Cả tháng nay không tăng ca nên thu nhập rất thấp". Để lại chồng và con nhỏ ở Hải Dương, Thu ra KCX Vĩnh Tuy làm việc hơn 4 năm nay với thu nhập từ 1,3 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng. Trước đây, mỗi tháng tằn tiện lắm, trừ tiền nhà, điện, nước, ăn uống, Thu còn gửi về cho con được từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng. Nhưng từ 3 tháng nay, cô chưa gửi về nhà được đồng nào.


Cảnh tương tự cũng diễn ra ở hầu hết các KCN-KCX của Hà Nội. Tất cả đều đôn đáo tìm việc, trong khi các khoản trợ cấp vừa nhận được cứ cạn dần. Cô CN may Nguyễn Thị Hòa, KCN Sài Đồng tâm sự: "Thường thì cuối năm, công ty có nhiều đơn hàng để CN tăng ca kiếm thêm chút đỉnh, thế nhưng cuối năm nay lại không có hàng. Công việc nhàn rỗi, mà thu nhập giảm sút, chỉ còn khoảng 1,2 triệu đồng/tháng".


Một nhóm CN ở cạnh phòng của Hoa cho biết thêm, sau khi bị thôi việc ở đây, họ chạy khắp nơi tìm việc nhưng không được. Gõ cửa DN nào cũng bị từ chối. Vì thế, nhiều người nản chí bỏ về quê, số còn lại thì cố gắng tìm công việc thời vụ đắp đổi qua ngày.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường