Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“2009 không phải là năm sôi động của thị trường bán lẻ”
16 | 12 | 2008
Thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ ngày 1/1/2009 đã cận kề.

Đánh giá về triển vọng thị trường bán lẻ trong nước năm tới, sau khi mở cửa theo cam kết WTO, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói:

- Thực sự sẽ rất khó khăn và chúng ta đều cảm nhận được. Bởi tình hình kinh tế chung cũng như các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cho nên trong năm 2009 không phải là một năm mà chúng ta có thể chứng kiến những sự sôi động trên thị trường bán lẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng như Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn phải chuẩn bị trước những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua để trước hết khẳng định mình trong khó khăn đã rồi sau đó mới nói tới việc phát triển. Nếu chúng ta không hướng tới sự phát triển mà chỉ lo đối phó với những khó khăn thì sẽ không làm tốt được những mục tiêu đề ra.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, trong năm 2009, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Hiện tại, những nỗ lực cố gắng đó đã được thể hiện ngay trong cuối năm 2008. Ví dụ như các doanh nghiệp tìm mọi cách để tiết giảm chi phí để hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở mức giá chấp nhận được, cùng chia sẻ với người tiêu dùng hết thời kỳ lạm phát lại sang giảm phát như hiện nay.

Gần đây, các thành viên của Hiệp hội đã cam kết trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không tăng giá, thậm chí sẽ giảm giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Hiện tại Hiệp hội đã nhận được báo cáo của Saigon Coop, Hapro cam kết không tăng giá trong dịp Tết, thậm chí có thể tùy theo từng đơn vị, từng khu vực có thể giảm giá từ 5 - 10% so với thị trường các mặt hàng thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng nhanh thiết yếu dùng trong dịp Tết.

Đương nhiên năm 2009 sẽ không có nhiều “màu hồng” cho nên chúng ta không nên kỳ vọng quá. Nhưng Hiệp hội cũng không nhìn năm 2009 qua một cặp kính đen, nên chúng ta sẽ nỗ lực hết sức để có thể giữ vững tăng trưởng ở mức cho phép.

Năm 2008, con số thực về tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam xấp xỉ khoảng 10%, không được trên 20% như mọi năm. Năm 2009 diễn biến còn nhiều khó khăn nên khả năng tăng trưởng sẽ thấp hơn so với năm 2008.

Thông qua các cuộc điều tra và hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, bà đánh giá như thế nào về thế và lực của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện nay?

Hiện nay các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị cho thời điểm mở cửa thị trường. Các nhà bán lẻ Việt Nam đã có sự liên kết với những bước tiến đáng khích lệ, những liên kết có bề rộng và chiều sâu.

Các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội như Saigon Coop mart, Hapro, Fivimart, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, hệ thống phát hành sách của Fahasa (sắp khai trương tại Hà Nội)... đều có mối liên hệ với nhau, đặc biệt còn có mối liên hệ giữa nhà sản xuất cung ứng hàng hoá của doanh nghiệp - đây là mối liên kết cực kỳ quan trọng, bởi liên kết không tốt thì nhà cung ứng sẽ không cung cấp hàng tốt, hoặc nếu các nhà bán lẻ chèn ép các nhà cung ứng thì sẽ không lâu bền.

Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng rất cởi mở, sẵn sàng học tập cũng như liên kết với các nhà bán lẻ của nước ngoài. Hiệp hội đã đứng ra tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm với các nhà bán lẻ lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam như Big C, Metro để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước tiến, thành quả ban đầu. Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao tính chuyên nghiệp, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong việc điều hành, quản lý, nâng cấp đào tạo khẩn cấp nguồn nhân lực.

Theo bà, đâu là điểm đặc biệt của thị trường bán lẻ Việt Nam?

Theo nhận định của cá nhân tôi và một số chuyên gia đều cho rằng thị trường Việt Nam có một điểm đặc biệt là trong một thời gian rất dài, mặc dù hình thức bán  lẻ hiện đại sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng bán lẻ truyền thống vẫn sẽ song song tồn tại và phát triển.

Một điều thú vị nữa ở thị trường Việt Nam, cảm nhận của người tiêu dùng cũng như của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam là nhờ có sự phát triển của hình thức bán lẻ hiện đại cho nên hình thức bán lẻ truyền thống ở Việt Nam được nâng cấp lên một bậc. Diện mạo của các chợ bán lẻ cũng được cải thiện nâng cấp, phong cách của người bán lẻ tại các chợ cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường