Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cạnh tranh bán lẻ: “Hiểu thị trường là vô cùng quan trọng”
05 | 03 | 2008
Hỏi chuyện ông Rik Mekkelholt, Giám đốc tư vấn bán lẻ Công ty CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khi thị trường bán lẻ được mở cửa vào năm tới.
Ông đánh giá thế nào về qui mô thị trường bán lẻ Việt Nam khi Việt Nam chuẩn bị mở cửa thị trường vào năm 2009 theo cam kết WTO?

Thị trường bán lẻ Việt Nam bao gồm nhiều phân khúc, mỗi phân khúc sẽ bị ảnh hưởng khác nhau bởi cạnh tranh khi các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường vào năm 2009.

Trong các phân khúc trên thị trường bán lẻ, các siêu thị sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn nhất. Một số tên tuổi như Metro, Big C, Dairy Farm đã liên kết với Citimart để có được vị trí kinh doanh ở Việt Nam. Hiện nay, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã đang tìm kiếm địa điểm để mở siêu thị tại Việt Nam.

Loại hình cửa hàng, cửa hiệu bán lẻ ở Việt Nam chỉ mới phát triển, tuy nhiên với một tốc độ khá nhanh. Phân khúc thị trường này bị chiếm lĩnh bởi một số tên tuổi nước ngoài như Parkson, Diamond Plaza, Zen Plaza và sắp tới là Lotte Shopping. Chúng tôi đã gặp gỡ một số đối tác lớn và chắc chắn nhiều tên tuổi lớn sẽ tham gia thị trường này.

Phân khúc bán lẻ các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ gỗ và đồ gia dụng hiện do các nhà bán lẻ, phân phối trong nước chiếm lĩnh thị trường. Tôi cho rằng các nhà bán lẻ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi các cam kết của WTO cho đến thời điểm 1/1/2009, khi các nhà bán lẻ có thể vào Việt Nam mà không cần phải liên kết với đối tác trong nước.

Hiện nay có rất nhiều nhà bán lẻ trong nước đang mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo ông, liệu các nhà bán lẻ trong nước có thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài khi thị trường mở cửa không? Tại sao?

Hoàn toàn có thể. Hiểu biết về thị trường bán lẻ trong nước là vô cùng quan trọng. Những người mới tham gia thị trường sẽ cần thời gian để đánh giá về thị trường và quyết định liệu đây có phải là thị trường mà họ muốn tham gia.

Một số nhà bán lẻ Việt Nam biết chính xác khách hàng của họ là ai, tuy nhiên một số khác không biết điều này. Tôi đã từng làm việc với một số nhà bán lẻ và họ đã cho tôi thấy số liệu nghiên cứu minh chứng cho điều này, bao gồm chi tiêu bình quân thuê cửa hàng, thời gian trung bình trước khi mua.

Các nhà bán lẻ nước ngoài nhìn chung có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn cao và có nhiều tiền để đầu tư và đôi khi họ được hỗ trợ từ công ty mẹ. Tuy nhiên, tôi tin rằng các nhà bán lẻ Việt Nam sẵn sàng đối phó với cạnh tranh, nhưng để giữ vững vị trí trên thị trường họ phải nâng cao chất lượng dịch vụ.

Một số nhà bán lẻ trong nước tương đối nhỏ và độc lập sẽ mất thị phần, số còn lại sẽ tiếp tục tăng thị phần và chiếm vị trí tốt hơn và nâng cấp đến qui mô hiện đại hơn. Các nhà bán lẻ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm ở thị trường quốc tế nhưng họ có thể không đánh giá đúng về thị trường trong nước. Họ cần phải tìm hiểu và thích nghi với thị trường thì mới có thể thành công.

Vậy theo ông, Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển hơn nữa?

Trước tiên, phải khuyến khích các nhà bán lẻ trong nước bao gồm qui mô thị trường hợp lý hoặc khuyến khích họ xây dựng trung tâm mua sắm. Nhu cầu từ các nhà bán lẻ là thực sự cần thiết, tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư tập trung vào xây dựng văn phòng và khu nhà ở, trong khi phát triển mặt bằng cho bán lẻ dường như bị lãng quên.

Thứ hai là phải tiếp tục hỗ trợ, cải thiện cách thiết lập hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, bao gồm những qui định rõ ràng cho các nhà bán lẻ trong và ngoài nước hoạt động trên lĩnh vực này.

Thứ ba là tổ chức các buổi hội thảo, triển lãm với chủ đề chính về bán lẻ để dần dần nâng tầm của Việt Nam trên bản đồ thế giới về bán lẻ.

Thứ tư là thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức bán lẻ trong và ngoài nước để các nhà bán lẻ trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài và phát triển hoạt động bán lẻ trong nước tốt hơn.


Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường