Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hệ thống bán lẻ: Còn chỗ cho doanh nghiệp nội
23 | 04 | 2009
Có lẽ việc Việt Nam mở cửa thị trường phân phối bán lẻ đúng vào thời điểm nền kinh tế suy giảm nên sau ba tháng người dân vẫn chưa thể cảm nhận rõ rệt được "sự đổ bộ" của các doanh nghiệp nước ngoài như đã cảnh báo.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới đầu tư nước ngoài, khi kinh tế khó khăn hơn, họ lại có xu thế quan tâm nhiều đến các thị trường mới nổi với hy vọng sức bật của nền kinh tế trẻ sẽ nhanh nhạy hơn. Do đó, thích nghi với điều kiện mới, xem khủng hoảng là cơ hội để kiện toàn lại bộ máy là phương thuốc được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn ở thời điểm này.

Kết quả khả quan

Bộ Công Thương cho biết quý I năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đã đạt 270.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 22% và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế chung. Thương mại thị trường nội địa tạo ra giá trị trên 15% GDP và thu hút khoảng 5,4 triệu lao động, chiếm hơn 10% tổng lao động toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng có được kết quả khả quan này, yếu tố quan trọng nhất vẫn là giá cả. Điều này đã và đang thể hiện rõ trong những chiến dịch khuyến mãi rầm rộ hiện nay. Tiêu biểu như ngay sau khi thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 1/4 vừa qua các mẫu xe hạng nhỏ đồng loạt giảm giá khoảng 2-3% do mức thuế đã giảm từ 50% xuống còn 45%.

Cùng với đó, nhiều siêu thị lớn đã nỗ lực đưa giá hàng hóa xuống ngang hoặc thấp hơn hàng ở các chợ truyền thống để kích thích người dân tiêu dùng. Chẳng hạn như hệ thống siêu thị Big C đã liệt kê tới 250 mặt hàng có mức giảm từ 7 - 50%, hay hệ thống Maximark cũng áp dụng khuyến mãi đối với sản phẩm nước giải khát dưới hình thức giảm giá, hoặc tham gia bốc thăm trúng thưởng. Ngoài ra, hàng loạt mặt hàng điện tử, điện gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, bếp ga, quạt máy cũng đồng loạt giảm giá đến 50%.

Ông Quách Mạnh Hòa, Giám đốc hệ thống siêu thị của Công ty cổ phần Siêu thị và xuất nhập khẩu Việt Nam (đơn vị thành viên của Vinaconex), chia sẻ rằng trước thời điểm thị trường bán lẻ được mở hoàn toàn, nhiều người đã lo ngại hệ thống bán lẻ trong nước sẽ không trụ nổi trước sự cạnh tranh với những nhà bán lẻ "ngoại quốc" nhưng thực tế lại trái ngược.

Theo ông, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng xác định được điều đó nên họ đều có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, ngay cả khi các nhà bán lẻ nước ngoài với tiềm lực tài chính rất mạnh, có kinh nghiệm quản lý chuẩn mực thì họ cũng không thể quán xuyến hết các phân đoạn thị trường. Vì thế, hệ thống dịch vụ bán lẻ vẫn còn chỗ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Chỉ là giải pháp tình thế

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, thị trường bán lẻ hiện nay là một kênh phân phối rất rộng lớn nhưng cũng rất phức tạp. Đây cũng là khâu hết sức quan trọng để gia tăng giá trị hàng hoá và thu được lợi nhuận cao. Người tiêu dùng chắc chắn ủng hộ mạng lưới phân phối trong nước nhưng với điều kiện là dịch vụ phải tốt hơn với giá cả hợp lý chứ không phải chỉ hô hào với khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".

Bên cạnh đó, các công ty bán lẻ thế giới khi vào Việt Nam có ưu thế tuyệt đối là nhiều vốn, họ có thể đặt những đơn hàng lớn và do đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng sẽ hấp dẫn hơn. Trong khi đó, việc bán lẻ của các nhà kinh doanh nội địa do nhiều công đoạn không hợp lý trong hệ thống lưu thông, phân phối nên nhiều mặt hàng giá rất cao, thậm chí có những mặt hàng giá cao nhất thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước lại hiểu thị hiếu, phong cách tiêu dùng của người Việt Nam do đó dễ có những điều chỉnh phù hợp, điều mà các công ty nước ngoài chưa thể làm được trong ngày một ngày hai.

Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho rằng phong cách phục vụ của Việt Nam hiện chưa chuyên nghiệp nhưng bù lại các công ty trong nước lại rất linh động, sáng tạo trong việc đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, chẳng hạn hệ thống phân phối hàng hóa bằng xe máy, khắp hang cùng ngõ hẻm - điều mà các công ty nước ngoài chưa thể làm quen.

Một điều quan trọng nữa là hiện nay, 80% hàng hóa vẫn còn được phân phối theo hệ thống chợ và cửa hàng nhỏ lẻ, truyền thống phân bổ khắp các địa bàn. Do vậy trước mắt, doanh nghiệp trong nước có thể chuyển “nhược” thành “ưu” trong việc tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sắm trong các chợ truyền thống.

Xét về lâu dài, hệ thống bán lẻ trong nước muốn tồn tại và phát triển được vẫn phải có sự thay đổi về căn bản. Trước hết để thoát khỏi với tư duy manh mún nhỏ lẻ, các công ty phải liên kết, hùn vốn lại thành những tập đoàn phân phối lớn, từ đó mới có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài. Các chuyên gia thương mại nhận định nếu hàng Việt Nam có chất lượng cao, giá hợp lý, phân phối thuận tiện chắc chắn sẽ được người Việt Nam tin dùng.



(TTXVN/Vietnam+)
Báo cáo phân tích thị trường