Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh nghiệm hội nhập cho ngành phân phối và bán lẻ
18 | 07 | 2007
Nhiều người lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ bị bóp nghẹt hoặc sớm muộn gì cũng bị các đại gia nước ngoài chi phối. Vậy để thị phần bán lẻ, phân phối không rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cần và nên chuẩn bị cho mình những gì?

Sẵn sàng cho hội nhập với lộ trình hợp lý

Hiện tại, bên cạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, kênh bán hàng trực tiếp qua mạng, kênh bán lẻ truyền thống như các chợ, các cửa hàng bách hoá, tiệm chạp phô, các nhánh bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp... (khoảng 250 ngàn đơn vị nhỏ lẻ trên địa bàn Tp.HCM), thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều các thương hiệu mạnh trên thế giới như Metro, Big C, Cora...

Tuy nhiên, qui mô siêu thị trong nước còn nhỏ so với yêu cầu (một siêu thị Việt Nam chỉ bằng 1/21 qui mô của Trung Quốc); nhiều siêu thị chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, các chợ (ngoài một số vừa được nâng cấp, cải tạo) hầu hết đang xuống cấp. Đây sẽ là bài toán khó khăn khi nước ta đã chính thức gia nhập WTO.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM thì, khi gia nhập WTO, hệ thống phân phối, bán lẻ ở Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động bởi các dòng FDI đổ vào khu vực thương mại, phân phối tăng lên; bởi chính sách thương mại và đầu tư cởi mở sẽ tạo sự cạnh tranh quyết liệt trong việc dành thị trường tiêu thụ và người tiêu dùng; sẽ có sự chuyển đổi trong hệ thống thu mua, sự phát triển hơn nữa hệ thống các siêu thị, các hình thức kinh doanh hiện đại...

Với những cam kết khá mạnh mẽ về mở cửa hệ thống bán lẻ, sự hiện diện của các tập đoàn, siêu thị lớn thế giới sẽ có mặt tại Việt Nam là điều chắc chắn. Đây là một thách thức cho hệ thống phân phối, bán lẻ còn non trẻ trong nước. Với tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm, phương tiện quản lý hiện đại, toàn bộ thị trường bán lẻ trong nước có thể sẽ bị họ thu tóm, chi phối bởi chính sách kinh doanh của họ; họ có thể áp dụng biện pháp không lành mạnh để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Theo Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), một số nước trong khu vực Đông Nam Á đang phát triển có những bước mở cửa thị trường bán lẻ, phân phối quá nhanh vào thập niên 80 đã khiến hệ thống bán lẻ nội địa mất khách hàng, doanh thu, quy mô các cửa hàng trong nước giảm mạnh, do người dân chuyển sang mua hàng ở các siêu thị lớn, siêu thị bán buôn của các tập đoàn nước ngoài. (Thái Lan là một ví dụ).

Đây là một bài học hết sức cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Cần có biện pháp phòng chống các chiến lược về giá cả không lành mạnh của một số mặt hàng có doanh số tiêu thụ cao, nhằm bảo vệ hệ thống kênh phân phối, bán lẻ trong nước; đồng thời có chính sách hỗ trợ họ phát triển. Các chính sách này nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhưng mặt khác cũng phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tự hoàn thiện để đứng vững trước sự cạnh tranh của nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về nhiều mặt, như: mở nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, trình độ quản lý, xây dựng mạng lưới cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Đổi mới tư duy và phương thức hoạt động

Ông Chris Morley, Giám đốc điều hành Công ty AC Nielsen, trong buổi hội thảo “Cơ hội mới cho ngành Marketing Việt Nam” được tổ chức gần đây tại Tp.HCM cho rằng, với doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối của Việt Nam, quan niệm về bán lẻ phải được thay đổi từ truyền thống sang hiện đại, từ trong nước ra toàn cầu.

Doanh nghiệp phải nắm bắt xu hướng người tiêu dùng hiện nay và cả trong tương lai gần; xu hướng này luôn chuyển đổi nhanh và là thách thức cho các nhà bán lẻ, phân phối.

Đồng thời, từng doanh nghiệp phải có phân khúc thị trường riêng trong lĩnh vực bán lẻ. Cũng theo ông Chris Morley, đặc thù của thị trường bán lẻ Việt Nam là giới trẻ đang dần chiếm đa số nên các lĩnh vực bán lẻ thực phẩm công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm đắt tiền... sẽ tăng nhu cầu (hiện chiếm tỷ trọng 20% trong tổng doanh số bán lẻ).

Một phân khúc thị trường nữa là tầng lớp trung lưu, lực lượng phụ nữ ngày càng tham gia nhiều trong xã hội có thu nhập cao, sẽ là thị phần quan trọng cho việc bán lẻ (hiện chiếm tỷ trọng 20%). Từ hai loại đối tượng tiêu dùng trên dẫn đến lượng người sử dụng các loại thẻ tín dụng trong bán lẻ sẽ tăng.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, một phân khúc thị trường nữa cũng sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng là người nhập cư, các gia đình nghèo. Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện 1/3 gia đình nghèo và 23% người dân trên địa bàn Tp.HCM chưa quen mua sắm ở siêu thị.

Đối với thị phần này, hàng hóa sẽ không cần thương hiệu mà cần giá vừa phải. Đây là thị phần cho các cửa hàng bán hàng giảm giá (chỉ cần diện tích rộng từ 100 đến 500 m2).

Có thể nói, trong tương lai, thị phần bán lẻ Việt Nam chia ra ba phân khúc chính: thu nhập cao (hàng xa xỉ), thu nhập trung bình (siêu thị hiện có), thu nhập thấp (các cửa hàng giảm giá).

Khi phát triển hoạt động bán lẻ, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, doanh nghiệp nên chú ý đến “văn minh xe máy” của người tiêu dùng. Hiện hầu hết người Việt Nam đều xem xe máy là phương tiện di chuyển chính, vì thế các địa điểm bán lẻ phải thuận đường cho loại xe này, cả nơi gửi thuận lợi. Bà Hạnh kể, khi Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2006 được công bố sẽ tổ chức tại Nhà thi đấu thể dục - thể thao Phú Thọ, 50 doanh nghiệp đã có ý định rút tên khỏi danh sách tham dự vì cho rằng vị trí này không thuận tiện cho người tiêu dùng gửi xe máy, khiến ban tổ chức phải hợp đồng mở rộng bãi gửi xe.

Bên cạnh đó, để tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp bán lẻ nên xây dựng chiến lược liên minh với các nhà sản xuất, người nuôi trồng để có giá sản phẩm tận gốc, không qua trung gian.

Năng lực đội ngũ bán hàng cũng phải được nâng cao hơn, thái độ phục vụ cũng nên thay đổi. Việc đưa đội ngũ nhân viên, mậu dịch viên ra đào tạo hoặc tập huấn ở nước ngoài là điều nằm trong khả năng ở một số doanh nghiệp có điều kiện. Chính lực lượng này trong tương lai, không phải chỉ đưa cho khách hàng sản phẩm họ đang cần, mà còn phải biết kích thích những thượng đế của mình mua sắm những sản phẩm sẽ cần trong tương lai.



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường