Bỏ quên nông thôn
Với doanh thu bán lẻ hàng năm tăng trên 10%, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường đầy hấp dẫn, vượt qua cả Trung Quốc và ấn Độ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước lo ngại khi nước ta chính thức mở cửa thị trường bán lẻ. Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ nhiệm Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: “Trước tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, việc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn nếu các doanh nghiệp nội địa không sớm có giải pháp nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng”.
Mặc dù hệ thống phân phối ở nước ta khá đa dạng, nhưng chỉ 18% là loại hình hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị. Điều đáng nói là các chương trình xúc tiến thương mại hầu như chỉ tập trung cho xuất khẩu, còn thị trường nội địa đang bị bỏ quên. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, đặc biệt ở khu vực nông thôn. “Thành phố Hồ Chí Minh có 20 khu công nghiệp, mỗi khu có 15.000 - 20.000 công nhân, sức tiêu thụ hàng hóa không nhỏ nhưng đang bị hàng hóa Trung Quốc thống trị nhờ giá cả cạnh tranh, lại luôn theo kịp thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp nên bắt tay chinh phục thị trường nội địa”, bà Hạnh nêu ví dụ.
Theo thống kê, thị trường nông thôn đang chiếm tới 97% hệ thống bán lẻ toàn quốc nhưng hầu như bị các doanh nghiệp bỏ trống. Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp nước ngoài đã nhận thấy lỗ hổng này, thậm chí nhiều hãng lớn đang dần chiếm lĩnh thị trường nông thôn như Unilever, P&G, Pepsi... Hiện, nhà máy của Unilever (chủ yếu là những sản phẩm như xà phòng, dầu gội, mỹ phẩm...) đang ở nông thôn, 80% thị phần của các hãng bảo hiểm như Prudential, Manulife cũng ở nông thôn.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), năm 2009 sẽ vô cùng khó khăn cho các doanh nghiệp nếu vẫn cố gắng tập trung vào xuất khẩu mà không giành cơ hội “chiếm lại” sân nhà. “Chúng ta không thể giữ mãi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 20%/năm. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo quan điểm lấy thị trường trong nước làm điểm tựa, thị trường xuất khẩu là quan trọng. Đặc biệt, cần đầu tư đúng mức bằng việc lựa chọn đối tượng phù hợp với sản phẩm của mình, từ đó đưa ra sản phẩm thích hợp và coi thị trường nội địa là hướng phát triển lâu dài”, ông Tuyển lưu ý.
Bí quyết để tiêu trụ vững?
Theo ông Tuyển, việc các doanh nghiệp quay lại chinh phục thị trường nội địa ở thời điểm này tuy đã muộn, nhưng chúng ta vẫn có thể thắng các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài bởi có nhiều lợi thế: hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng của người Việt; 85% người Việt lựa chọn kênh phân phối truyền thống. Bên cạnh đó, kinh phí doanh nghiệp nội phải chi trả cho vận chuyển, tiếp thị cũng thấp hơn. Việc đầu tư cho thị trường nông thôn có thể được thực hiện ngay tại ngoại ô của các tỉnh, thành phố hoặc tổ chức phiên chợ cho công nhân tại các khu công nghiệp...
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm hướng vào thị trường nội địa của Trung Quốc. Ba năm trở lại đây, nước này không còn mặn mà với xuất khẩu mà chuyển dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tiêu dùng trong nước. Ngày 1/7/2007, Chính phủ Trung Quốc chính thức xóa bỏ và cắt giảm việc hoàn thuế đối với 37% mặt hàng xuất khẩu.
ông Trần Quý Thanh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Tân Hoàng Phát cho rằng, các doanh nghiệp muốn thắng trên sân nhà cần nhận dạng được nhu cầu tiềm ẩn và nắm bắt xu thế tiêu dùng để liên tục tạo ra sản phẩm mới, độc đáo, sau đó xây dựng thương hiệu để tạo niềm tin nơi khách hàng. Điều đáng lưu ý là chi phí cho việc quảng cáo, bán hàng, khuyến mãi ở khu vực nông thôn chỉ bằng 1/10 so với thành thị, trong khi hiệu quả lại cao hơn gấp nhiều lần. “Chỉ cần có hệ thống phân phối đủ mạnh, giá cả cạnh tranh, có đội bán hàng lưu động thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ nắm được chìa khóa thành công”, ông Thanh khẳng định.
ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang hoàn thiện đề án phát triển và quản lý các hệ thống phân phối chủ lực đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững thị trường trong nước. Theo đó, Bộ sẽ củng cố và phát triển 3 hệ thống chủ lực, gồm: hệ thống phân phối hàng vật tư chiến lược thiết yếu của đời sống như xăng dầu, sắt, thép, phân bón, thuốc chữa bệnh; hệ thống phân phối tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng và hệ thống phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Trọng tâm chính là hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Bộ cũng tạo môi trường kinh doanh, chính sách phù hợp để các doanh nghiệp kinh doanh được hàng Việt Nam, nhằm đưa hàng Việt Nam tới người Việt Nam.