Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kẻ sốt vó, người ung dung
19 | 01 | 2009
Trong khi doanh nghiệp (DN) làm hàng gia công như giày dép, may mặc… lo sốt vó vì không có đầu ra, còn DN chế biến thực phẩm tinh chế có thương hiệu lại không đủ hàng bán.

Gia công sốt vó

“Cho đến thời điểm này, một số DN kiếm đủ đơn hàng để làm lai rai đến hết quý 1/2009, nhiều DN khác đơn hàng chỉ đáp ứng được một nửa năng lực sản xuất và cũng có không ít DN chưa có đơn hàng nào”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitax), ông Phạm Xuân Hồng phác họa về tình hình đơn hàng của các DN làm hàng may mặc xuất khẩu.

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, trong năm 2009 Vitas xác định tồn tại trong khó khăn, không mở rộng đầu tư sản xuất, không đặt chỉ tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo tính toán, có khoảng 70-80% DN trong ngành dệt may sẽ trụ được, song để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Phần lớn DN không có đơn hàng là những DN quy mô nhỏ hoặc mới.

Những DN thiếu đơn hàng thường lựa chọn giải pháp trước mắt là kéo dài thời gian nghỉ Tết đến hết tháng giêng.

Theo ông Hồng, thị trường xuất khẩu suy giảm mạnh là Hoa Kỳ.

Đơn hàng vào thị trường này giảm bình quân 20-30%. Nhiều DN có mức sụt giảm mạnh hơn. Bà Đinh Thị Phương Phi - Chủ tịch Cty Dệt may Thế Hòa (Bình Dương) chuyên làm hàng gia công xuất sang Hoa Kỳ và châu Âu xác nhận đơn hàng của công ty này giảm 30-40% so với trước.

Do đơn hàng khan hiếm và sức ép từ nhà nhập khẩu nên đơn giá gia công giảm đáng kể. Theo ông Luận, đối với những mã hàng khó bán, DN buộc phải chia sẻ thiệt hại với nhà nhập khẩu nước ngoài bằng việc giảm giá và hiện nay giá gia công một số mã hàng giảm ba đến năm phần trăm. Với may mặc, mức giảm cao hơn.

Bà Phi cho biết, đơn giá gia công của Thế Hòa giảm bảy đến tám phần trăm, mức giảm này là rất đáng kể đối với làm gia công. Mặc dù giảm giá nhưng các nhà nhập khẩu vẫn rất lừng khừng trong việc đặt hàng và thường đặt đơn hàng với quy mô nhỏ lẻ.

Theo bà Phi, kể từ tháng 11/2008 quy mô các đơn hàng bắt đầu giảm mạnh. Trước đó, mỗi mã hàng khoảng 10.000 sản phẩm, nay xuống còn 4.000-5.000 sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Luận - Phó Chủ tịch Cty giày Thái Bình (TBS-Bình Dương) cũng cho biết, quy mô đơn hàng của TBS giảm từ 5.000-10.000 đôi xuống còn 1.000-2.000 đôi vào thời điểm hiện tại. Theo ông Hồng, ngay cả những DN có đơn hàng vẫn chưa hẳn suôn sẻ vì sự đứt quãng thiếu liên tục của đơn hàng.

Tinh chế tự tin

Bà Trần Thị Hòa Bình - Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Hàng Xuất khẩu Cầu Tre, cho biết, các loại thực phẩm tinh chế xuất khẩu của Cầu Tre không những không giảm mà còn tăng tại một số thị trường do có nhiều sản phẩm mới được ưa chuộng.

Ngoài việc giữ ổn định tại thị trường Nhật, Cầu Tre còn tăng lượng hàng xuất sang Hoa Kỳ. Kế hoạch sản xuất của xí nghiệp xây dựng nhịp nhàng với khách hàng đến tháng 4/2009 với giá cả ổn định; chỉ tiêu doanh thu của Cầu Tre năm 2009 còn tăng so với 2008.

Theo bà Bình, các mặt hàng thực phẩm tinh chế ít khi bị biến động về giá và đó là sự khác biệt của mặt hàng này đối với các mặt hàng thực phẩm thô hay hàng gia công.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cũng cho biết sản phẩm trái cây, rau quả sấy khô của Vinamit hiện không đủ cung cấp cho thị trường, nhất là vào dịp Tết. Ông Viên khẳng định, sản phẩm của Vinamit còn lấn sân cả hàng Trung Quốc ngay tại thị trường nước này.

Ngày 18/1 Cty Đóng tàu Hạ Long (Vinashin) cho biết không hề có chuyện DN này gặp khó khăn do các đối tác ngừng hợp đồng hoặc bồi thường để dừng các hợp đồng đã ký kết.

Cty đang thực hiện hàng loạt dự án đóng mới tàu mà đối tác đặt hàng và đang triển khai tích cực việc thi công các tàu đang được hoàn thiện để sớm hạ thủy và bàn giao cho chủ tàu. Nếu có khó khăn thì đó là do khó khăn của nền kinh tế...



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường