Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà đầu tư nước ngoài: Vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam
15 | 01 | 2009
Năm 2009 được dự báo sẽ là năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, nhưng cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thể hiện sự lạc quan và quyết tâm sát cánh cùng Việt Nam vượt qua thách thức.

Kỷ lục gọi vốn

Kết thúc năm 2008, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam, kể cả vốn đăng ký mới và vốn đã đạt con số kỷ lục: hơn 64 tỷ đô-la Mỹ. Như vậy, tính từ năm 2006, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nguồn vốn ĐTNN cam kết cho Việt Nam luôn duy trì gấp đôi, gấp ba so với năm trước. Cụ thể, năm 2006, con số là 10,2 tỷ đô-la Mỹ, năm 2007: 21,3 tỷ đô-la và năm 2008: 64 tỷ đô-la.

Ông Jean Michel Caldagues, đại diện của Công ty European Aeronautic Defence and Space (Pháp), công ty mẹ của Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đánh giá: “Việt Nam có các điều kiện nền tảng để thu hút ĐTNN trong trung và dài hạn và tôi không ngạc nhiên khi số vốn đăng ký ĐTNN vào Việt Nam lại tăng kỷ lục đến như vậy trong vòng vài năm trở lại đây”.

Ông Caldagues cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp như hiện nay thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn, đồng thời nhiều doanh nghiệp khác cũng chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu chặn đà tăng trưởng về thu hút ĐTNN vào Việt Nam, đặc biệt là trong ba tháng cuối năm 2008. Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, vốn ĐTNN đăng ký mới tháng 12 đạt 1,1 tỷ đô-la Mỹ, tăng nhẹ so với 726 triệu đô-la trong tháng 11 nhưng giảm mạnh so với 2,02 tỷ đô-la trong tháng 10 và kỷ lục 9,9 tỷ đô-la trong tháng 9 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ bắt đầu bùng nổ.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục ĐTNN thừa nhận, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam tạo ra áp lực lớn cho công tác dự báo cũng như đặt kế hoạch thu hút ĐTNN của Việt Nam trong năm 2009. “Mặc dù chúng tôi đã dự báo tổng vốn ĐTNN đăng ký mới và tăng vốn sẽ giảm trong năm 2009, nhưng chúng tôi kỳ vọng mức giải ngân nguồn vốn ĐTNN vẫn duy trì là 11,5 tỷ đô-la trong năm 2008. Tất nhiên, kỳ vọng đó còn phụ thuộc vào chính khả năng hấp thụ của chúng ta và những cam kết giữ đúng tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư nước ngoài”, ông Thắng nói.

Vững tin

Tổng giám đốc Zamil Steel Việt Nam, ông George E. Kobrossy dự đoán năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn năm 2008. Tuy nhiên: “chúng tôi tin rằng đi cùng với những khó khăn là những cơ hội và chúng tôi sẽ cố gắng để nắm bắt những cơ hội đó”, ông nói. Cơ hội mà ông Kobrossy nói tới là tăng trưởng doanh thu bán hàng tại thị trường nội địa đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng của Zamil Steel ra thị trường thế giới. “Chúng tôi đặt kế hoạch sẽ tăng 10% giá trị xuất khẩu trong năm 2009 và duy trì mức tiêu thụ sản phẩm 60% trong nước và 40% ở thị trường nước ngoài”, ông Kobrossy cho biết. Hoạt động tại Việt Nam suốt 13 năm qua, Zamil Steel đã vươn tới vị trị dẫn đầu về cung cấp nhà thép tiền chế cho các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Tháng 4/2008, Zamil đã khánh thành nhà máy thứ hai trị giá 20 triệu đô-la Mỹ tại KCN Amata (Đồng Nai). “Tôi tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ luôn luôn hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và chính vì lẽ đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn đến Việt Nam như là một điểm đến đầu tư an toàn và nhiều tiềm năng”, ông này nhấn mạnh.

Ông Michele Morichi - Phó Tổng giám đốc MTS Việt Nam, một trong số ít doanh nghiệp của Ý đang hoạt động tại Việt Nam thì cho rằng, trong năm 2009 người tiêu dùng sẽ khá thận trọng trong việc chi tiêu và mua sắm. “Do đó, MTS Việt Nam vẫn sẽ tập trung đầu tư vào các hoạt động bán hàng và makerting, đặc biệt chúng tôi sẽ đưa ra các dòng sản phẩm mới với nhiều tính năng hơn, đặc biệt là dòng sản phẩm tiết kiệm năng lượng”, ông Morichi cho biết. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm bình nước nóng sang các thị trường khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan và khu vực viễn Đông là một trong những giải pháp giúp MTS Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn trong năm 2009.

Còn đối với ABB Việt Nam - công ty chuyên cung cấp các thiết bị và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực điện và tự động, kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam đã được triển khai ngay trong thời điểm khó khăn hiện tại. ABB Việt Nam vừa khởi công xây dựng thêm một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 30 triệu đô-la Mỹ tại Bắc Ninh. Ông Gary Marler, Tổng giám đốc ABB Việt Nam cho biết mục tiêu chính của ABB Việt Nam trong năm 2009 là mở rộng hoạt động sản xuất, khai thác tiềm năng trong ngành xây dựng và các ngành công nghiệp liên quan; hoàn thành kế hoạch xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy mới của ABB tại Bắc Ninh.

Vẫn hấp dẫn

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam vẫn được công nhận là một quốc gia hấp dẫn về thu hút nguồn vốn ĐTNN nhờ có những lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống chính trị ổn định, có triển vọng kinh tế phát triển trong trung và dài hạn. Báo cáo thường niên của Business Monitoring International (BMI) - tổ chức tư vấn chuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu về kinh tế của các thị trường mới nổi, dự báo sau năm 2009, nguồn vốn ĐTNN đổ vào Việt Nam sẽ phục hồi mức tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, dựa trên những nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng cho đầu tư thay thế Trung Quốc.

Việc di chuyển kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất quy mô lớn của các tập đoàn Intel, Compal hay Foxconn là minh chứng cụ thể cho sự phân tích của BMI. Bên cạnh đó, theo BMI, việc giải ngân nguồn vốn ĐTNN của Việt Nam trong năm 2009 vẫn khả thi nhờ các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như cảng biển và điện sẽ được triển khai mạnh mẽ. Điều tra của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho thấy Việt Nam vẫn đứng thứ ba về hấp dẫn đầu tư trong lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo JBIC, lý do khiến Việt Nam được nhà đầu tư Nhật Bản ưa thích là chi phí lao động cạnh tranh, tiềm năng phát triển của thị trường, giảm thiểu rủi ro, nguồn nhân lực có trình độ và có nguồn cung ứng cơ bản cho công nghiệp lắp ráp. “Chúng tôi tin rằng các công ty Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục đến Việt Nam nếu Việt Nam cải thiện mạnh mẽ hơn nữa những yếu kém về cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp phụ trợ trong nước”, một đại diện của JBIC cho biết.



Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường