Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tâm lý tiểu nông và toàn cầu hóa kinh tế ở VN
13 | 01 | 2009
Kinh tế Việt Nam gốc rễ là kinh tế tiểu nông. Tâm lý của người tiểu nông là muốn giữ lâu những thứ đồ cũ, những thứ đồ không dùng được nữa. Muốn thành công trong hội nhập kinh tế phải thay đổi tư duy và hành động của nền kinh tế tiểu nông, thay bằng tư duy và hành động của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
Độ sẵn sàng

- VN mới gia nhập WTO được hai năm mà nay đã phải đối mặt ngay với những thách thức ghê gớm, kinh tế qua hết đợt khó khăn này đến đợt khác, từ lạm phát sang suy thoái kinh tế...

Thứ nhất, phải tách hai vấn đề hội nhập kinh tế và suy thoái kinh tế ra, dù cả hai đều là vấn đề thời sự của nền kinh tế VN và cả nền kinh tế thế giới. Hai vấn đề này có những nguyên nhân và hậu quả riêng của mình.

Thứ hai, nói về hội nhập, câu chuyện VN hội nhập hôm nay cũng giống như nhiều nước nghèo, nước đang phát triển khác: bị cuốn vào dòng thác ầm ầm của công cuộc toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại trên toàn cầu.

Những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên xô sụp đổ, Đông Âu tan rã, công cuộc toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại được bùng thổi bằng sức nóng của những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT, Internet và dưới sự chi phối, tác động thúc đẩy của các nước lớn, các nước giàu, là những nước đã được chuẩn bị đầy đủ để gặt hái trong môi trường kinh tế tự do cạnh tranh, lôi kéo các nước lớn bé, lôi kéo cả thế giới ào ào chạy theo.

Đến khi chạy tới một đích quan trọng là ngày 15/4/1994 ký hiệp định Marakesh thành lập WTO và WTO hoạt động từ ngày 1/1/1995, khi đó, mọi người mới trấn tĩnh lại, suy ngẫm, tính toán được - mất thì té ra cuộc chạy đua đó chủ yếu đem lại lợi ích nhiều hơn cho các nước giàu.

Các nước nghèo giật mình nhận ra rằng mình chưa ở tư thế sẵn sàng, mình chưa được chuẩn bị, chưa có khả năng khai thác được những lợi thế do toàn cầu hóa mang lại.

Có thể vì lí do đó mà sự hăng hái ban đầu của vòng đàm phán Doha và các cuộc đàm phán về Hiệp định mậu dịch tư do FTA nay đang nguội dần đi. Có phải VN đã tham gia toàn cầu hóa trong bối cảnh như vậy?

Kinh tế VN gốc rễ là kinh tế tiểu nông, mặc dù đã đạt được những thành công trong những năm Đổi mới, nhưng VN vẫn còn tên trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới. Kinh tế VN vẫn còn là nền kinh tế yếu kém ở mọi phương diện. Tâm lý kinh tế tiểu nông, tâm lý gác cửa, giữ đồ cũ quá lâu vẫn là tâm lý phổ biến.

VN chưa được chuẩn bị và chưa có khả năng gặt hái trong môi trường kinh tế tự do cạnh tranh, và vì thế, những vấp váp trong nền kinh tế là điều rất tự nhiên. Có điều là phải biết sớm khắc phục, điều chỉnh, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục đi trên con đường đã chọn và cũng không có khả năng rời bỏ con đường đó hoặc tìm lối đi khác hơn.

Tư duy gác cửa, giữ đồ cũ

- VN có quá trình dài hội nhập. Riêng với WTO, chúng ta có hơn 10 năm đàm phán và chuẩn bị, vậy mà ông nói chúng ta vẫn chưa sẵn sàng?

Độ sẵn sàng thể hiện ở tư duy, nhận thức, tri thức và hành động. Chúng ta hình như chưa hiểu lắm, hoặc cố tình chưa hiểu những luật chơi của nền kinh tế thế giới, nên nhiều lúc ta có cách tiếp cận vấn đề rất khác người. Nhiều lúc cách tiếp cận của ta thể hiện khá rõ tư duy gác cửa, thích giữ lâu đồ cũ của người tiểu nông.

Ví dụ, trong đàm phán về dịch vụ phân phối, cho DN nước ngoài vào tham gia hệ thống bán buôn, bán lẻ, cách tiếp cận của VN khác hẳn với cách tiếp cận của người Trung Quốc.

Ảnh: Vnchanel

Người Trung Quốc hiểu mở cửa lĩnh vực phân phối là luật chơi chung của nền kinh tế thế giới, là quy định của WTO. Đã là luật chơi chung, thì phải chủ động tiếp cận. Trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO, người Trung Quốc vừa đàm phán, vừa rất khẩn trương chuẩn bị: đào tạo cán bộ, xây dựng kho hàng, cửa hàng lớn... để đến thời điểm mở cửa, người nước ngoài vào là phải dựa vào hệ thống đã chuẩn bị sẵn của người Trung Quốc.

Trong khi đó, người VN khi đàm phán Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ cũng như đàm phán WTO chỉ lo chống đỡ, chỉ lo tìm mọi lí do để kéo lùi thời gian mở cửa càng lâu càng tốt và không làm gì cả.

Bây giờ, đến thời điểm mở cửa dịch vụ phân phối rồi, VN vẫn chưa chuẩn bị được gì, cha con ngồi lo sợ. Có quan chức quản lý của VN nói rằng ta sẽ nghiên cứu thực thi những biện pháp, quy định để hạn chế sự tràn ngập ồ ạt của người nước ngoài vào dịch vụ bán buôn, bán lẻ.

Chúng ta quên mất rằng: Ta đã cam kết trong WTO nguyên tắc tối huệ quốc, nguyên tắc đối xử quốc gia, tức là không phân biệt đối xử với ai cả. Nay không có lí do gì để anh đã cho công ty nước nọ mở 12 siêu thị mà công ty nước này chỉ được 1-2. Anh cũng không thể cho công ty trong nước mở bao nhiêu cũng được mà với công ty nước ngoài thì hạn chế.

Thứ hai, thị trường VN lớn là lớn đối với chúng ta và với các nước nhỏ quanh ta. Các tập đoàn phân phối lớn của thế giới chưa hề để tâm đến thị trường phân phối VN và trước mắt họ chưa có ý định nhảy vào. Không cẩn thận, cứ lập cập trong điều hành xử lý, ta lại vấp phải sai lầm là biến thị trường VN thành nơi "đánh quả" của những loại công ty "vô danh tiểu tốt" của nước ngoài, những loại công ty vốn thích "đục nước béo cò", như đã từng xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế khác vừa qua.

Níu giữ và giằng co

- Với WTO, VN có thể mất gì?

VN cẩn thận không khéo sẽ mất lòng tin của thế giới vì sự chậm chạp trong triển khai các chương trình hội nhập, ì ạch mở cửa. Và cẩn thận người VN sẽ mất lòng tin vào hội nhập.

- Nói như vậy thì hội nhập sẽ đem lại được cho VN cái gì và hai năm gia nhập WTO, VN đã được những gì?

Hội nhập không phải là một cuộc đánh quả. Hội nhập là gắn nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế thế giới để cùng phát triển. Cơ hội là ở chỗ hội nhập tạo cho mình sức ép và sân chơi để mình phát triển. Muốn thành công trên sân chơi chung đó ta phải giỏi. Ở đó có nhiều người giỏi, ta không giỏi thì phải chịu thua thiệt.

Hội nhập tạo cho mình sức ép và sân chơi để mình phát triển. Muốn thành công trên sân chơi chung đó ta phải giỏi.

Sau 2 năm là thành viên WTO, VN đã có những cái được. Cái được lớn nhất chính là dưới sức ép của hội nhập, VN đã có được một hệ thống pháp luật từng bước phù hợp luật chơi quốc tế, làm cơ sở cho hội nhập sâu hơn sau này.

Tuy nhiên, còn lâu VN mới có được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thông thoáng, đúng luật chơi trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại.

Sự giằng co giữa một bên là các nhà quản lý muốn giữ "quyền" quản lý và bên kia là các DN muốn có luật chơi công bằng, thông thoáng, công khai... cho đến hôm nay, vẫn như một cuộc đấu khẩu giữa hai người đối thoại nút lỗ tai. Các quan chức ở cơ quan lập pháp thấy rõ nhưng cũng chịu bó tay.

Cái được thứ hai của 2 năm gia nhập WTO là đã nhanh chóng giúp hình thành đội ngũ DN đông đảo hàng chục vạn DN, điều mà chỉ cách đây 5 năm chúng ta không dám mơ thấy. DN non trẻ nhưng cũng đã bước đầu bươn chải, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Cái được thứ ba, hội nhập đã giúp bộc lộ khá đầy đủ những yếu kém, bất cập, cả trong nhận thức, kiến thức, trình độ quản lý, điều hành, xây dựng pháp luật mà trước đây ta chưa thấy hết vì chưa có sự đối chiếu, so sánh.

Trong dịp tổng kết cuối năm Đảng và Nhà nước ta đã nhận ra và công khai nói ra những bất cập, yếu kém đó.

Cho dù đã có một số thành công, nhìn tổng thể, VN vẫn chưa ở tư thế sẵn sàng, tư thế có khả năng khai thác tốt những lợi thế do toàn cầu hóa đem lại và sự chuẩn bị của ta có lẽ phải khẩn trương hơn nhiều.

- Tâm lý kinh tế tiểu nông đã níu giữ những gì trong những bước đi của quá trình hội nhập kinh tế, thưa ông?

Cái gì cũng bị níu giữ!

Nó không cho phép ta thay đổi tư duy, nhận thức nếu ta không có dũng cảm.

Nó không cho phép ta nhìn thẳng, nhìn xa để thấy đươc những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Nó không cho phép ta mạnh dạn vươn tới những kiến thức, tri thức thời đại.

Nó bắt ta lúc nào cũng phải quá thận trọng trong việc "chọn lọc" những tri thức thời đại, và khi chưa "chọn lọc" được ta lại đem cái cũ ra dùng.

Vấp váp

- Xin ông nói cụ thể hơn?

Cụ thể có nhiều, xin đưa ra vài ví dụ:

Ảnh: Nhanong.net

Một là, khác với thế giới, làm ăn kinh tế ở VN lúc nào cũng theo phong trào. (Ta đã quen lúc nào cũng phát động phong trào?)

Chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho các phong trào xây dựng nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng, nội địa hóa ngành ô tô, xe máy. Và hôm nay, VN lại đang có nhiều phong trào khác. Tỉnh nào cũng muốn xây dựng sân bay quốc tế, cảng nước sâu, mở trường ĐH, xây dựng xưởng đóng tàu, xây dựng các trung tâm công nghệ cao... Tỉnh nào cũng có hàng chục khu công nghiệp và cả huyện nhỡ cũng có. Gần đây lại rộ lên phong trào xây resort, đặc biệt là phong trào xây dựng các nhà máy cán thép nhiều đến mức nếu xây dựng xong các dự án đã kí thì đất nước hình chữ S của ta sẽ biến thành một thỏi sắt.

Giàu có như nước Mỹ mà cũng chỉ có thành phố New York là trung tâm tài chính, nghèo như VN mà đi đến chỗ nào cũng thấy kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính, kể cả những nơi đảo xa, ngoài biển.

Cái gọi là phân cấp là rất cần thiết để tạo ra sự chủ động của các cấp, nhưng thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo có tầm nhìn toàn cầu, toàn quốc từ trên xuống, đang tạo ra sự cát cứ hết sức lộn xộn, đến khi thấy được sai, không biết sửa chữa thế nào, tổn thất ai chịu.

Không những trong kinh tế, trong quản lý xã hội ta cũng liên tục phát động các phong trào, có cái chỉ tồn tại dăm bữa nửa tháng.

Có lẽ phải mất thời gian dài lâu ta mới học được cách điều hành kinh tế, quản lý xã hội theo luật pháp, chứ không phải theo phong trào.

Hai là, chúng ta hội nhập là hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trên thế giới nước nào cũng có dự báo về phát triển kinh tế. Cách làm của họ khác của ta. Thế giới dự báo căn cứ vào các tín hiệu của thị trường, của nền kinh tế. Có hẳn một hệ thống chỉ số, tín hiệu, thông tin mà thông tin chính xác hoặc gần chính xác.

Trong khi đó, ở VN, các chỉ tiêu của ta chủ yếu là theo nguyện vọng. Chỉ tiêu phát triển của ta phải đưa ra biểu quyết. Trong số những người bỏ phiếu biểu quyết, có cả những người không quan tâm, không đủ thông tin cần thiết về kinh tế, vì họ làm nghề khác. Mà tâm lý chung, ai cũng thích số to, số đẹp. Con số nào được đa số bỏ phiếu trở thành chỉ tiêu, và mọi người phải chấp hành.

Vừa qua, cả thế giới nước nào cũng gồng mình chống suy thoái, đang tìm mọi biện pháp để chống sụt giảm kinh tế, giảm mức tăng thất nghiệp. Nước nào cũng lo tăng trưởng kinh tế là âm hoặc tăng không đáng kể thì một loạt địa phương của ta đều bỏ phiếu quyết định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 là 9-10%.

Tư duy chưa phát triển thì làm sao hành động?

- Có người nói rằng VN đã không gặp may khi mở cửa thì gặp ngay bão khủng hoảng kinh tế thế giới. Nếu mở cửa sớm hơn, tận dụng được đà đi lên của cả thế giới để phát triển, có thể câu chuyện VN bây giờ đã khác?

Việc hội nhập WTO chậm không phải là cơ hội bị bỏ lỡ đầu tiên và duy nhất của VN. Nhưng xã hội phát triển phải có giai đoạn, tư duy chưa phát triển thì làm sao mà hành động được? Đến thời điểm đó, hội nhập được đã là may mắn và phải trả bằng nhiều mồ hôi và nước mắt.

- Trừ thời điểm suy thoái kinh tế, nói chung kinh tế VN vẫn đang phát triển tốt?

Từ ngày mở cửa, kinh tế VN phát triển tốt, GDP tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống nhân dân cải thiện nhanh.

Ngay trong nhà tôi, dù chỉ sống bằng đồng lương hưu, sống trong sạch, ngoài lương hưu thì có thêm khoản thu nhập từ đi nói chuyện về hội nhập ở các nơi, các trường, mà tôi vẫn có đủ những thứ cần thiết như TV, tủ lạnh, máy tính. Tất cả những thứ đó đều là Made in VN cả, chỉ có điều tất cả đều mang thương hiệu nước ngoài.

Nghĩa là VN vẫn chỉ là nơi lắp ráp, làm thuê cho người nước ngoài. Trình độ của ta vẫn chỉ ở mức cầm mỏ hàn. Lời lãi chủ yếu vẫn là của người nước ngoài.

Không biết tới bao giờ những thứ vật dụng thông thường đó thực sự là của người VN, mang thương hiệu VN?

Đất nước VN đã thay đổi rất nhiều, tiến bộ nhiều, người VN thích nghi khá nhanh, nhưng cái nhanh đó chủ yếu về đời sống, còn trong cách làm ăn hình như thích nghi chậm hơn, thay đổi chậm hơn.

Trên thế giới, nói chung, nhà nước ít tiền thì tập trung lo làm đường, ưu tiên làm trước, còn ô tô thì để dân, DN làm, vì lợi ích và cạnh tranh của họ nên họ làm tốt hơn, rẻ hơn. Ở VN, ngân sách đã ít lại ôm cả, nên đường không ra đường, ô tô cũng không ra ô tô.

- Năm 2008, đầu tư FDI vào VN tăng đột biến, ở mức chưa tằng có trong lịch sử phát triển đầu tư của VN. Điều đó chứng tỏ môi trường của VN đã thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư bên ngoài?

Cũng như mọi người, tôi vui khi nghe con số FDI đăng kí năm 2008. Nhưng khác với nhiều người, tôi lo nhiều hơn vui. Quan trọng không phải là con số đăng kí mà là đầu tư vào đâu, làm cái gì?

Số đầu tư đăng kí năm 2008 có phải phần lớn vào các ngành cán thép, BĐS...?

Mấy ngày vừa qua, VietNamNet đăng loạt bài điều tra mổ xẻ, phân tích tình hình đầu tư FDI vào ngành thép VN làm nhiều người giật mình. Nếu cứ tiếp tục lập kỷ lục, lập thành tích kiểu ấy, không biết rồi đây chúng ta sẽ đưa nền kinh tế VN đến đâu, theo hướng nào? Những hậu quả của nó là gì? Ai sẽ chịu xử lý và xử lý thế nào?

Yếu kém thì phải sửa, muộn cũng phải sửa

- Xin ông một vài câu ngắn gọn, bây giờ VN phải làm gì?

Mình yếu kém thì phải sửa. Muộn cũng phải sửa, dù sửa sớm hơn thì đỡ mất mát hơn.

Bỏ tính tự mãn thành tích. Khiêm tốn học hỏi, học tất cả những ai giỏi hơn mình. Tập hợp trí tuệ dân tộc. Trước đây, Bác Hồ đoàn kết với bất cứ ai sẵn sàng vì độc lập dân tộc. Nay nước nhà độc lập rồi, ta tập hợp tất cả những ai sẵn sàng cho VN phát triển.



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường