Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
WTO không phải là cứu cánh!
14 | 01 | 2009
Những cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường nông lâm sản, xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu và giảm hỗ trợ trong nước đối với các dự án đầu tư trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để phù hợp với thông lệ WTO sẽ càng khiến các nhà đầu tư nước ngoài kém “mặn mà” với lĩnh vực đầu tư mang đầy tính rủi ro này?

Đầu tư nước ngoài vào ngành nông - lâm nghiệp nước ta tập trung vào lĩnh vực trồng trọt và chế biến nông sản, tiếp đến là lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn gia súc và các sản phẩm liên quan, chiếm tỷ trọng thấp nhất là các dự án trồng rừng và chế biến gỗ.

Liên tục giảm

Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), so với các lĩnh vực khác, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trong tổng nguồn vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam đã liên tục giảm, từ 21,6% trong giai đoạn 1988 - 1990, xuống còn 8,3% trong thời kỳ 1991 - 1995. Từ năm 1996 - 2000, tỷ trọng này chỉ đạt 4,7% và nhích lên 5,24% nếu tính đến hết năm 2007.

Báo cáo chỉ ra rằng, đã có giai đoạn thu hút ĐTNN vào lĩnh vực này đạt con số rất cao, nhất là vào năm 1995 khi lượng vốn đăng ký ước đạt gần 570 triệu đô-la Mỹ. Song, 3 năm gần đây, dòng vốn “rót” vào dường như hoàn toàn “giậm chân tại chỗ”.

Như vậy, nếu tính chung cả thời kỳ 1988-2008, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới thu hút được khoảng 966 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,7 tỷ đô-la, chỉ chiếm 10% số dự án và 3,3% số vốn ĐTNN đăng ký của cả nước.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 tỷ đô-la trong tổng số vốn trên đã được giải ngân. Do luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía nên có tới 30% số dự án bị giải thể trước thời hạn so với mức bình quân chung của cả nước là 20%, nhất là các dự án được cấp giấy phép đầu tư trước năm 1992. Khá nhiều dự án FDI đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ hoặc triển khai chậm. Hiện có đến 1/3 số dự án đang tiến hành xây dựng cơ bản và triển khai các thủ tục khác.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn gần đây chỉ ra, có 8 yếu tố đang trực tiếp tác động đến việc thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Cụ thể: thủ tục hành chính; mặt bằng sản xuất; thị trường sản phẩm; nhân lực; chính sách của địa phương; nguyên liệu; môi trường xã hội và cơ sở hạ tầng.

Quá nhiều bất cập

Theo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, vấn đề đất đai và phát triển vùng nguyên liệu cho dự án đang ngày càng trở nên bức thiết, nhất là khi nhiều địa phương gần đây đã quyết định quy hoạch lại diện tích đất nông nghiệp và ưu tiên cho phát triển công nghiệp.

Cách đây vài năm, Công ty Mía đường KCP của Ấn Độ đã phải buộc di dời nhà máy từ Thừa Thiên - Huế vào Phú Yên và chịu thêm phí tổn đầu tư chỉ để giải quyết bài toán nguyên liệu cho nhà máy. Gần hơn, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Tây Ninh thay đổi làm Công ty Mía đường Bourbon (Tây Ninh) bị mất tới 50% diện tích vùng nguyên liệu.

Không chỉ là thiếu đất để phát triển vùng nguyên liệu mía, các doanh nghiệp trong ngành chế biến đường, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn phải đối mặt với tình trạng không thực hiện đúng cam kết tiêu thụ sản phẩm của người dân địa phương bởi vì họ sẵn sàng bán mía cho bất cứ doanh nghiệp hay tư thương nào trả giá cao hơn. Hệ quả của thiếu nguyên liệu là 38 nhà máy chế biến mía đường của Việt Nam hiện nay, trong đó có 5 đơn vị vốn đầu tư nước ngoài, chỉ có thể khai thác 60-70% công suất thiết kế của nhà máy.

Ngành chè cũng không mấy khả quan hơn. Theo điều tra của Hiệp hội chè Việt Nam, ở tỉnh Phú Thọ, điển hình nhất về sự bất cập giữa vùng nguyên liệu và hệ thống chế biến là vùng Thanh Ba - Hạ Hòa. Trên một vùng có tổng diện tích 6.419 ha, sản lượng 31.000 tấn chè búp (tương đương 6.800 tấn chè thành phẩm) mà có tới 49 cơ sở chế biến với công suất 16.300 tấn sản phẩm/năm, tức là vượt quá 2,4 lần năng lực sản xuất nguyên liệu trong vùng.

Hà Giang có sản lượng chè nguyên liệu chỉ bằng 50% Phú Thọ nhưng có tới 400 hộ chế biến chè quy mô nhỏ, bên cạnh 13 doanh nghiệp và 31 hợp tác xã chế biến. Ở Thái Nguyên, trong 12.000 ha chè kinh doanh có gần 10.000 ha rải rác trong các hộ gia đình. Cả tỉnh có 9 doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp nhưng vẫn có tới 3.000 máy vò sao chè nhỏ trong dân, mà hầu hết các lò này không có vùng nguyên liệu riêng. Tình trạng này đã dẫn đến cuộc chiến giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp và dân doanh để thu mua nguyên liệu, mà hệ quả là giá thành chè nguyên liệu bị đẩy lên cao.

Còn đối với các dự án trồng rừng và chế biến gỗ và lâm sản thì rủi ro không được cấp đất là lý do chính dẫn tới co hẹp các dự án trong lĩnh vực này. Tập đoàn APP (Trung Quốc), tập đoàn đứng thứ 9 về sản xuất giấy trên thế giới, đã không thể tìm được một diện tích đất phù hợp tại Việt Nam để trồng rừng, cung cấp nguyên liệu cho một nhà máy bột giấy có công suất lên tới 2 triệu tấn/năm và vốn đầu tư ngấp nghé 1 tỷ đô-la Mỹ.

Bên cạnh cái khó về nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn trong khâu tiêu thụ sản phẩm theo lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam trong cam kết WTO. Xu hướng gia tăng nhập khẩu nông sản với giá rẻ từ nước ngoài do được nhà nước trợ cấp rất lớn đang tạo thêm sức ép đối với hàng nông sản của Việt Nam.



www.doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường