Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỳ 1: Bảo hộ thịt nội bằng thuế: Cần nhưng chưa đủ
13 | 10 | 2008
LTS: Trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO: không đếm hết những hội nghị cấp trung ương, cấp địa phương mổ xẻ nguy cơ các ngành “hot” như ngân hàng, tài chính, bán lẻ… sẽ bị nước ngoài thôn tính. Không có hội nghị nào nói về khả năng mất thị phần thịt vào tay nông dân ngoại. 2 năm sau khi vào WTO, các ngành “hot” trên vẫn thuộc top “thu nhập cao”, nhà nhà vẫn đổ tiền đầu tư bất chấp nỗi lo sợ “họ nuốt chửng ta đến nơi rồi”. Chỉ có ngành chăn nuôi đang “chết” từng ngày vì khó cạnh tranh với thịt ngoại, riêng thị phần gà đã bị thịt ngoại “ngoạm” đến 30%, sản lượng nhập thịt lợn cũng tăng tới 20 lần... Người chăn nuôi đang quay lưng lại với nghề dù nhu cầu tiêu thụ thịt của 86.25 triệu người mỗi ngày càng một “nở” thêm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt trong nước chỉ tăng…0.03% - gần như bằng 0. Ước tính cả năm 2008 sẽ phải nhập 200.000 tấn thịt mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chuyện gì đang xảy ra ở đất nước có tới 60 triệu dân làm nông nghiệp?
Sau nhiều lần kêu cứu cuối cùng từ 12-10 tới đây, thuế nhập khẩu các loại thịt gia súc, gia cầm sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể, cao nhất lên 40%. Đây thực sự là tin vui cho người chăn nuôi trong nước, mối lo “thịt ngoại đè thịt nội” trước mắt đã được tháo gỡ. Nhưng thuế tăng trở lại có cứu được ngành chăn nuôi, khi những vấn đề của chăn nuôi không chỉ nằm ở giá cả…

Lép vế vì giảm thuế

Bất cứ ai nhìn vào biểu thuế hiện nay đối với các mặt hàng thịt ngoại đều có thể nhanh chóng rút ra được kết luận trên. 2 năm trước, thịt lợn ngoại phải chịu thuế 30% nay chỉ còn 20%, thịt gà có mức 40% và 20% (với đùi, cánh) nay chỉ còn 12%, trứng gà hạ từ 80% xuống còn 20%, thịt bò cũng chỉ chịu mức thuế 12%...

Sở dĩ có sự cắt giảm thuế đột ngột vì Chính phủ đã đi trước cam kết với WTO từ…4 đến 6 năm. Lẽ ra, đến năm 2012, Việt Nam mới phải cắt giảm thuế suất nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn xuống còn 15-25% tùy loại, thịt gà xuống 15%, thịt bò 14%… Nhưng cuối năm 2007, do thiếu hụt nguồn cung thịt cho Tết 2008 lại thêm giá thịt chiếm tỷ trọng khá cao trong rổ hàng hóa nên để kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, Bộ Tài Chính đã ra quyết định 106 ngày 20-12-2007, giảm thuế mạnh ở các mặt hàng thịt.

Kết quả, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2008, số lượng các sản phẩm từ lợn nhập khẩu như thịt, nội tạng đã tăng vọt lên 18 lần so với cả năm 2007, đạt 8.612 tấn, trị giá 12,5 triệu USD. Thịt bò và nội tạng bò nhập khẩu đạt 6.086 tấn, trị giá 17 triệu USD.

Đặc biệt lấn át ấn tượng thị phần thịt nội là thịt gà. Nhờ vào sự khác biệt trong thói quen tiêu dùng, thịt gà đông lạnh không chỉ có giá cạnh tranh mà đã rẻ lại càng …rẻ hơn. Lý do là trong khi người Việt thích ăn thịt đùi, cánh gà thì thị trường quốc tế chỉ chuộng lườn, ức, coi đùi, cánh là… phụ phẩm. Vì thế, dù đã đội thuế 12%, thịt gà nhập ngoại vẫn rẻ chỉ bằng phân nửa giá thành sản xuất gà nội. Dễ hiểu vì sao, gà ngoại mau chóng chiếm được 30% thị phần thịt gà trong nước với 103.401 tấn, trị giá 83 triệu USD.

Cơ cấu tiêu thụ thịt hiện nay

1st : Thịt lợn: trên 80%

2nd : Thịt gà : 11-12%

3rd : Thịt trâu bò : 4-5%

4th : Loại thịt khác

Những con số trên, tốc độ tăng trưởng thịt nhập ngoại trong năm 2008 được các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu đánh giá là “quá choáng váng”, thậm chí nhiều ý kiến đã không ngần ngại quy kết thuế thấp đang giúp thịt ngoại “giết” thịt nội.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu thịt đã kéo dài quá lâu khiến thịt nội thậm chí phải bán dưới giá thành. Hệ quả là nhiều hộ chăn nuôi cá thể lẫn công nghiệp không chịu nổi sức ép thịt ngoại đành phải để “trại không chuồng trống” từ vài tháng nay.

Tăng thuế có cứu được chăn nuôi?

Trước những khó khăn của ngành, trong tháng 9, Bộ NN & PTNT đã liên tục có những động thái kêu cứu lên Chính phủ. Hai cuộc hội thảo được tổ chức ngày 17 và 19 tại HN và Tp HCM đã công bố ra công luận những con số “giật mình”, đầy báo động về thực trạng ngành chăn nuôi. Tiếp đó, trong ngày 25 và 29, Bộ cũng đã gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu tăng thuế nhập khẩu thịt để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước.

Cuối cùng, ngày 3-10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ký ban hành Quyết định số 83/2008/QĐ-BTC tăng mạnh thuế nhập khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ kể từ 12-10.

Cụ thể, thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh tăng lên gần gấp 3 so với hiện nay từ 12% lên 40%. Riêng đùi, cánh, gan gia cầm có mức thuế tăng 5% so với hiện hành, lên 20%.


Thịt trâu bò, lợn chỉ tăng thêm 5%-7% các loại. Từ 12% lên 17% đối với thịt trâu, bò, tươi hoặc ướp lạnh và thịt trâu, bò, đông lạnh tăng, từ 20% lên 27% đối với thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Các phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò, cừu, dê, ngựa, la, lừa tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh sẽ được áp dụng đồng loạt mức 13% (hiện các loại phụ phẩm không được liệt kê áp dụng mức 10%).

Như vậy, mức điều chỉnh tăng chủ yếu tác động lên nhóm thịt gia cầm với mức gần 3 lần và tăng không nhiều lắm với các loại thịt khác. Lý do theo ông Giao là hiện trong nước đã chủ động được đàn gia cầm nhưng từ giờ đến cuối năm dự báo sẽ vẫn thiếu thịt trâu bò, nhất là thịt bò.

Thực tế, dù lo ngại sự xâm lấn của thịt ngoại nhưng theo chính Bộ NN& PTNT cũng phải thừa nhận từ nay đến cuối năm, thậm chí cả 2009, Việt Nam vẫn phải trông thêm vào nguồn thịt này để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ thịt trong nước.

Chênh lệch giữa nhu cầu tiêu dùng và sản xuất thịt



Trong khi đó, nguồn cung thịt ngoại trên thị trường quốc tế lại khá dồi dào. Theo bản tin của Bộ NN & PTNT, lượng thịt lợn đông lạnh tồn kho của Mỹ năm nay có số lượng lớn hơn cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường giao sau, giá thịt lợn nạc tháng 12 tại Chicago chỉ còn 1.44 USD/k, tương đương 24.000đ/kg, nếu đội thêm 27% thuế (mức sẽ tăng) chỉ dao động ở mức 30.000 đ/kg, vẫn quá sức cạnh tranh khi so sánh với giá lợn hơi trong nước– sẽ có xu hướng tăng vào dịp cuối năm- dự đoán vào khoảng 42.000 đ/kg trở lên.

Hiện tại, hạn chế lớn nhất khiến thịt ngoại chưa lấn át được thịt nội là thói quen thích tiêu thụ thịt tươi và “thịt ta” hơn thịt đông lạnh của người tiêu dùng. Và vì là thịt đông lạnh nên còn cản trở trong khâu tiêu thụ do phải bảo quản lạnh. Do vậy, thịt ngoại mới chỉ có sức lan tỏa chủ yếu trong các siêu thị ở các đô thị lớn và bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, theo thông tin từ thành phố Hồ Chí Minh- thị trường tiêu thụ thịt gà lớn nhất- sau khi giảm thuế xuống 12%, các nhà cung cấp gà ngoại đã đồng ý chia nhỏ các thùng gà từ 10-30kg, tiện lợi cho gà ngoại xâm nhập vào các chợ để người bán có thể tự rã đông.

Vì thế, không thể chủ quan là ngành chăn nuôi chưa bị đe doạ trên diện rộng vì nếu thị trường chấp nhận và có nhu cầu lớn thì các nhà buôn sẽ có cách khắc phục.

Trong khi đó, giá thực phẩm trong nước tháng 9 đã giảm tới 0,7% so với tháng 8. Đây là tin vui với người tiêu dùng nhưng với các hộ chăn nuôi, điều đó đồng nghĩa với việc họ càng mất động lực sản xuất vì với mức giá hiện nay họ không có lãi hoặc lãi rất ít và đương nhiên, càng không thể so găng nổi với thực phẩm ngoại, kể cả khi đã tăng thuế trở lại.

Như vậy, việc nâng thuế nhập khẩu thịt hay đưa ra hàng rào kỹ thuật như có ý kiến đề xuất bằng cách áp đặt một số tiêu chuẩn nhất định, xem xét việc thực thi thuế chống bán phá giá…xét cho cùng vẫn chỉ là các giải pháp “ngọn”, chỉ tác dụng trong thời gian trước mắt, mang tính tình thế. Bởi nếu nguồn cung thịt trong nước vẫn không đảm bảo thì khả năng hạ thuế trở lại để bình ổn giá cả và đáp ứng nhu cầu thịt trong nước là không tránh khỏi.

Câu hỏi là tại sao nguồn cung thịt nội địa lại rơi vào cảnh thiếu hụt như hiện nay ở một đất nước có tới 60 triệu nông dân có nghề chăn nuôi và 86.25 triệu người có nhu cầu tiêu thụ thịt?.

Mời bạn đọc theo dõi kỳ 2: Vì sao nông dân bỏ chăn nuôi?



Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường