Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực phẩm bẩn “đổ bộ” thị trường Việt
04 | 10 | 2008
Ông Nguyễn Văn Được, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn, khẳng định, các loại thực phẩm như: tim, nầm lợn, tràng trứng gà non, thịt gà vịt làm sẵn… đều được bảo quản bằng cách tẩm ướp phoocmon và một số loại hóa chất khác.
Thịt xiên nướng ăn liền mốc xanh; tim, nầm lợn, trứng gà non, thịt gà vịt bốc mùi; phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc... nhập lậu từ Trung Quốc vẫn có mặt trên bàn ăn của nhiều người Việt Nam. Để đối phó, nhiều mặt hàng đã được đổi “quốc tịch” làm cho người tiêu dùng khó lòng phân biệt.

Ông Nguyễn Văn Được, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn, khẳng định, các loại thực phẩm như: tim, nầm lợn, tràng trứng gà non, thịt gà vịt làm sẵn… đều được bảo quản bằng cách tẩm ướp phoocmon và một số loại hóa chất khác.

Tại thị trấn Đồng Đăng và chợ Đông Kinh, tràn lan những mặt hàng được ưa chuộng nhất để đưa về các tỉnh, thành: phụ gia thực phẩm dạng viên để nấu lẩu, các loại hương vị tẩm ướp, nầm lợn để chế biến thành nầm dê và chân cánh gà, tim, tràng trứng gà non… Chị Hương, chủ một xe khách tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, cho biết: “Nếu vận chuyển loại hàng thực phẩm tươi sống này, mùi thối như… chuột chết của nó ám vào xe kéo dài cả tuần lễ”.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Lạng Sơn, cho biết, so với các mặt hàng nhập lậu khác, hàng thực phẩm đem lại lợi nhuận khá cao nên vẫn còn nhiều kẻ coi thường luật pháp, bất chấp tính mạng, sức khỏe người sử dụng để buôn bán, vận chuyển thứ hàng nguy hiểm này. Theo ông Lợi, chỉ bắt giữ được một tỷ lệ rất nhỏ so với lượng hàng đã vận chuyển trót lọt vào nội địa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Hùng, Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh, khẳng định, do số lượng hàng hóa quá nhiều nên khi kiểm tra chất lượng, chủ yếu phải dựa vào cảm quan như: cách thức đóng gói, hạn dùng trên bao bì thực phẩm, màu sắc, mùi vị...

“Đổ bộ” thị trường Việt Nam

Không chỉ có sữa Trung Quốc nhiễm chất độc melamine gây sỏi thận mà nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản cũng bị nhiễm chất trên. Nhưng, tại thị trường Việt Nam các mặt hàng như: sữa, bánh kẹo, thực phẩm…Trung Quốc không rõ nguồn gốc vẫn bán nhan nhãn.

Ở lầu 1 chợ Bình Tây, Quận 6, TP HCM, bánh kẹo Trung Quốc được trẻ em ưa chuộng và chiếm hơn 50% sản phẩm cùng loại đang được bày bán. Hầu hết trên bao bì các sản phẩm này đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chị H, một tiểu thương ngành này, nói: “Mua nhiều nhất là những người bán bánh ở trường học, tiệm tạp hóa. Một người thường mua cả chục mặt hàng”.

Chị H, đưa lọ chewing gum có khoảng vài trăm viên kẹo tròn cỡ đầu ngón tay cái có màu xanh lá cây giới thiệu đây là hàng mới của mùa tựu trường năm nay. Vì không biết tiếng Trung Quốc nên gọi nôm na là “kẹo singgum trái táo”. Một khách tới mua hàng về bán ở Tiền Giang cho biết, chỉ cần bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ, mẫu mã mới lạ là trẻ em mua ngay. Dễ bán, hàng rẻ, dễ kiếm lời nên tiểu thương sẵn sàng nhập hàng về dù không rõ nguồn gốc.

Không chỉ bánh kẹo mà thức uống, thực phẩm, bánh mứt… Trung Quốc cũng đầy ắp các sạp. Tại sạp YO, chợ Bình Tây, đập vào mắt khách hàng là những hũ thạch trái cây gần 5 lít có giá 57.000 đồng. Giống thạch dừa nhưng mỗi thớ thạch đều có đủ ba màu cam, vàng, trắng rất hấp dẫn. Tuy nhiên, mặt hàng này không có nhãn mác tiếng Việt ghi rõ hạn sử dụng, cách sử dụng, xuất xứ và đơn vị phân phối.

Hầu hết các sản phẩm như: gia vị, hương liệu cho lẩu, bún bò, canh hay các loại đồ hộp, shiro nho, cam, dâu… được dán nhãn ghi bằng tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt, ngày sản xuất, hạn sử dụng nhòe nhoẹt không rõ ràng. Nếu có tiếng Việt là do người bán tự viết chồng lên phần chữ tiếng Trung Quốc. Với những sản phẩm loại này, người tiêu dùng muốn biết hướng dẫn sử dụng cũng đành "bó tay", chưa nói đến nếu phát sinh hậu quả khi sử dụng không biết khiếu nại ai.

Theo tìm hiểu của Đất Việt, rất nhiều sản phẩm gia vị, hương liệu thường được tiểu thương mua cả thùng, gói lớn từ các chủ tiệm lớn chợ đầu mối nhập từ Trung Quốc rồi về tự pha chế, chia ra từng gói, lọ, chai nhỏ để bán.

Thay đổi “quốc tịch”, nhãn mác sản phẩm

Từ khi có thông tin sữa và một số sản phẩm Trung Quốc nhiễm độc, người tiêu dùng e ngại với nhiều loại hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Để đối phó, không ít người bán đã đổi “quốc tịch” cho nhiều loại hàng hóa. Thậm chí nhiều gói thực phẩm cũ, mốc, quá hạn sử dụng được người bán “tút” lại để đánh lừa người mua.

Thực phẩm Trung Quốc không nhãn mác gồm: xì dầu, bột canh, bột nêm, mì chính, gia vị lẩu, nước chấm, rau quả ướp bằng thứ nước màu đỏ sền sệt. Chỉ riêng xì dầu đã có đến hàng chục loại. Phần lớn xì dầu này được đựng trong can nhựa trắng đục, không niêm phong, nhãn mác in chữ Trung Quốc nhòe nhoẹt.

Một số tiểu thương tại chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Thị Nghè, cho biết, trước sự cố sữa, hiện nay họ không còn bán các loại trái cây của Trung Quốc nữa. “Bây giờ chúng tôi chỉ bán nho Mỹ, lê Nhật, táo Pháp…”, nhiều người khẳng định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít các sản phẩm của Trung Quốc đã được thay đổi “quốc tịch” thành Mỹ, Pháp, Hà Lan. Những sản phẩm này không có ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng, công ty sản xuất, nhà phân phối.

Sau khi “thay tên đổi chủ”, các sản phẩm này được nâng giá cao gấp đôi, nhưng vẫn thấp hơn hàng thật 20.000 đồng một kg nên hấp dẫn người mua. Tuy nhiên, nhiều loại trái cây Trung Quốc như: cam, táo, lê, dưa thường bị bơm rất nhiều thuốc chống thối, hàm lượng hóa chất nhiều.
Những loại trái cây này phần nhiều do các chủ vựa trái cây Trung Quốc liên kết với các chủ vựa Việt Nam nhập lậu qua đường thủy, cửa khẩu về, sau đó các sản phẩm này mới được phân phối về các vựa lớn ở chợ đầu mối, bán cho các tiểu thương. Hoa quả Trung Quốc để được lâu, vỏ đẹp là do sau khi thu hoạch, chúng được ngâm các hóa chất bảo quản khoảng vài giờ.

Việc hàng hóa Trung Quốc không rõ xuất xứ đang được bày bán tràn lan cũng làm đau đầu ban quản lý chợ. Ông Huỳnh Quốc Bảo, Ban quản lý chợ Bình Tây, than vãn: “Ngoài một số mặt hàng có công ty nhập khẩu, chúng tôi biết tiểu thương ở chợ vẫn bán nguồn hàng nhập tiểu ngạch nhưng không phải lần nào kiểm tra cũng bắt được các trường hợp vi phạm. Đối với một số hộ kinh doanh buôn bán lớn, sạp chợ chỉ là nơi liên lạc, tiểu thương lấy hàng từ kho giao tận nơi cho người bán thì cảnh sát kinh tế cũng rất khó bắt quả tang”.

Bắt giữ hàng trăm tấn nội tạng động vật

Chỉ tính riêng trong tháng 8, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý 22 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, thu giữ hơn 5 tấn gà thịt, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2007. Còn ông Nguyễn Văn Được, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, cho hay từ đầu năm đến nay, các ban ngành chức năng đã tham gia bắt, xử lý, tiêu hủy hơn 155 tấn gà thịt (bằng cả năm 2007); gần 240.000 quả trứng gà; 245.000 con gà con; hơn ba tấn thịt vịt làm sẵn, thịt trâu, lạc đà, tim, nầm lợn, chân cánh gà…nhập lậu.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường