Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tập trung dạy nghề cho lao động nông thôn
02 | 02 | 2009
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là giải pháp quan trọng trong bối cảnh việc làm ngày càng co hẹp. Dạy nghề gắn với tạo việc làm, tự tạo việc làm cho người lao động

- Phóng viên: Một nhận định của bộ trưởng về tình hình lao động, việc làm trong năm 2009?


- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân:
Năm 2009, dự báo sẽ có nhiều lao động bị mất việc làm do tác động của suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế nước ta. Người lao động (NLĐ) bị mất việc làm chủ yếu do doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể; DN vẫn hoạt động nhưng phải cắt giảm lao động vì thu hẹp quy mô sản xuất; chủ bỏ trốn... Tình hình mất việc làm, giảm việc làm ở khu vực công nghiệp sẽ dẫn đến hậu quả là sẽ có một bộ phận NLĐ dịch chuyển về nông thôn, một bộ phận khác sẽ tự tìm việc làm tạm bợ ở các đô thị với thu nhập thấp, bấp bênh, đời sống khó khăn.


Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu trình Chính phủ chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc, trong đó xác định trách nhiệm của DN và sự hỗ trợ của Nhà nước.


Một số chỉ tiêu của năm 2009 về lĩnh vực lao động là tạo việc làm cho 1,7 triệu người; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,61 triệu người; xuất khẩu lao động (XKLĐ) 90.000 người; dạy nghề 1,64 triệu người.


- Dù số lao động thất nghiệp ngày càng nhiều nhưng tại VN vẫn có một số DN phải “nhập khẩu” lao động do trình độ lao động trong nước không đáp ứng được?


- Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài có đưa chuyên gia và công nhân kỹ thuật sang làm việc tại các dự án của họ. Việc cho phép người nước ngoài làm việc ở nước ta được giải quyết theo quy định pháp luật. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải tăng cường công tác dạy nghề theo nhu cầu của DN. Chúng tôi đã và đang triển khai công tác dự báo, tổng hợp nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, cấp trình độ và địa bàn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, phát triển và hoạt động có hiệu quả sàn giao dịch việc làm tại 40 tỉnh, thành. Bộ cũng sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng chỉ tiêu đào tạo nghề từ ngân sách Nhà nước và xây dựng cơ chế liên kết dạy nghề theo nhu cầu của DN.


- Không chỉ ở đô thị, tại nông thôn, vấn đề việc làm cũng đang rất bức thiết. Bộ sẽ hỗ trợ khu vực này ra sao?


- Đối với khu vực nông thôn, Bộ LĐ-TB-XH cũng tập trung các giải pháp về dạy nghề cho lao động nông thôn đồng bộ với việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng, giống, phương tiện sản xuất để khuyến khích các hộ gia đình phát triển sản xuất, tự tạo việc làm. Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm sẽ tập trung nguồn vốn bổ sung quỹ quốc gia việc làm cho các vùng khó khăn tạo ra việc làm; các dự án chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phát triển làng nghề, kinh tế trang trại, mô hình làng thanh niên lập nghiệp; tổ chức tốt dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn dạy nghề với tạo việc làm, tự tạo việc làm cho NLĐ.

Củng cố các thị trường XKLĐ truyền thống

Riêng lĩnh vực XKLĐ, năm qua, các thị trường truyền thống của VN bị thu hẹp, trong khi thị trường mới liên tục gặp sự cố. Về giải pháp tháo gỡ tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Năm 2008, cả nước đã XKLĐ 85.000 người. Trong đó, 4 thị trường trọng điểm của VN vẫn thu hút nhiều lao động nhất là Đài Loan (33.000 người), Hàn Quốc (16.000 người), Malaysia (7.800 người) và Nhật Bản (5.800 người). Để khắc phục tình trạng khó khăn do suy thoái kinh tế, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục củng cố thị trường XKLĐ truyền thống, đồng thời mở rộng và phát triển các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho NLĐ. Chúng tôi sẽ rà soát lại các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, CH Czech, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và đưa ra phương án gỡ khó cho từng thị trường cụ thể”.

Theo bà Kim Ngân, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo tăng cường công tác dạy nghề, tuyển chọn và giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các DN có giấy phép XKLĐ, phối hợp với cơ quan chức năng hữu quan để phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, những vi phạm pháp luật trong XKLĐ.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường