Sau khi bị lỗ khoảng 10 tỉ USD trong quý 4/2008 và giá trị cổ phiếu tụt xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua, Citigroup vừa tuyên bố sáp nhập công ty môi giới Smith Barney của họ với giá 2,7 tỉ USD vào một liên doanh với Morgan Stanley, cũng là một tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Ông William Smith, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Smith Asset Management, người có cổ phần ở Citigroup, nhận định: “Tôi nghĩ rằng trong vòng 12 tháng tới, Citigroup có thể sẽ không còn nữa”. Ông đã kêu gọi chia tách Citigroup trong nhiều năm qua.
“Siêu thị” trong cơn khủng hoảng
Trong nhiều thập kỷ qua, Citigroup được xây dựng thành một hệ thống có đủ mọi loại hình dịch vụ, dưới sự chỉ đạo của tổng giám đốc Sandy Weill, người đã về hưu cách đây hai năm. Ông Weill vừa được ca ngợi vì đã mang lại lợi nhuận lớn nhất chưa từng có cho Citigroup, vừa bị chỉ trích vì đã tạo ra một tập đoàn khổng lồ không thể quản lý nổi và không phát triển bền vững.
Ý tưởng thành lập “đại siêu thị” của ông Weill nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thể thực hiện việc tiết kiệm, vay vốn và đầu tư với cùng một công ty duy nhất. Citigroup có một hệ thống đồ sộ để cung ứng những dịch vụ đó, bao gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng bán lẻ, các công ty môi giới, và thậm chí cả công ty bảo hiểm Travelers.
Tuy nhiên, ngay từ khi có sự nới lỏng các quy định về ngân hàng trong thập niên 90, các cổ đông của Citigroup đã lo lắng trước một câu hỏi là: “Một công ty thực hiện tất cả mọi dịch vụ thì có tốt hơn nhiều công ty thực hiện những dịch vụ tương ứng với khả năng chuyên môn của họ hay không?”.
Giờ đây, câu trả lời dường như đã có. Tuyên bố của Citigroup về việc bán quyền kiểm soát Smith Barney cho Morgan Stanley đã làm suy yếu quan niệm cho rằng một công ty duy nhất có thể thực hiện tốt tất cả những dịch vụ đa dạng cùng một lúc.
Hiện nay, giống như Bear Stearns trong tháng 3.2008 và Lehman Borthers trong tháng 9, Citigroup đang phải bán mọi thứ có thể được để cầm cự. Morgan Stanley, dù đã tiếp nhận Smith Barney, nhưng vốn của họ chắc là không đủ để bù đắp cho những khoản lỗ sắp tới. Và nếu chính phủ quyết định rằng họ sẽ không tiếp tục làm chỗ dựa cho những “gã khổng lồ” như Citigroup thì sự suy sụp của tập đoàn này sẽ còn diễn ra nhanh hơn nữa.
“Nghiệp vụ ngân hàng mới là quan trọng…”
Theo các nhà quan sát, mô hình của JPMorgan Chase & Co. cũng rõ ràng là một “siêu thị”, nhưng nó không có quy mô toàn cầu quá lớn như Citi. Và ngân hàng Bank of America Corp. cũng gần như là một “tiệm tạp hoá”. Gần đây, ngân hàng này đã tiếp quản Merrill Lynch, một công ty môi giới lớn nhất thế giới, qua trung gian của Chính phủ Mỹ. Nhưng dù sao, hoạt động của Bank of America Corp. vẫn tập trung vào các cơ sở của họ tại Mỹ. Bank of America và JPMorgan Chase cũng có ít nguy cơ rủi ro hơn Citigroup. Trong sự sụp đổ gần đây của những khoản đầu tư vào chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp, họ bị thiệt hại ít hơn Citi.
Theo các nhà phân tích, có lẽ điều quan trọng chính là ở chỗ những “đại gia” nói trên được quản lý hiệu quả hơn và có chính sách hợp nhất tốt hơn so với Citigroup. Ông Smith nói: “Những vấn đề khó khăn của Citi nằm ở mô hình hoạt động, cách thức thực hiện và phương pháp quản lý”.
Ông Weill đã phát triển ý tưởng “tất cả trong một” trong những năm đỉnh cao của sự nghiệp, mặc dù ông cũng đã chỉ đạo việc chia nhỏ công ty Travelers và bán các cơ sở của công ty này từ năm 2002. Từ khi ông Weill về hưu năm 2006, Travelers đã phải lao đao và hiện nay giá trị cổ phiếu của nó chỉ bằng 1/10 so với cách đây hai năm.
Cuối tháng 11.2008, dù Citigroup đang lún sâu trong cơn suy thoái, ông Pandit, tổng giám đốc tập đoàn, vẫn gọi Citigroup là một “mô hình đúng đắn” và mạnh dạn nói rằng chiến lược của tập đoàn là “trở thành một ngân hàng tổng hợp toàn cầu đích thực”.
Nhiều ngày sau đó, Chính phủ Mỹ đã cho tập đoàn đang tả tơi này vay 45 tỉ USD – nhiều hơn những ngân hàng lớn khác – và đồng ý mua lại những khoản nợ xấu, bao gồm nợ vay cầm cố, có trị giá lên đến 250 tỉ USD.
Dù Tổng thống Barack Obama từng nói rằng ông có thể sẽ xem xét lại kế hoạch sử dụng số tiền 350 tỉ USD còn lại trong gói cứu trợ 700 tỉ USD dành cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng, nhưng ông Octavio Marenzi, giám đốc công ty tư vấn chiến lược quốc tế Celent, cho biết chính phủ mới có thể “đi đến nhận thức rằng toàn bộ nền kinh tế không đặt bản lề vào những ngân hàng lớn này”. Ông nhấn mạnh: “Nghiệp vụ ngân hàng là quan trọng, chứ không phải bản thân các ngân hàng là quan trọng”.